Bộ GD&ĐT xác định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ổn định, lâu dài chứ không phải là thí điểm, thử nghiệm.
Ảnh minh họa
Bộ GDĐT khẳng định, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ lần này dành cho học sinh đang học theo chương trình, SGK hiện hành với định hướng tiếp cận dần sự chuyển đổi trọng tâm đánh giá là kiến thức sang trọng tâm đánh giá là năng lực của học sinh. Sự chuyển đổi này sẽ toàn diện hơn khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Tại buổi họp báo quý III/2014 của Bộ GDĐT, chiều 9/9, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ có những chỉnh sửa nhỏ trong quá trình thực hiện để phù hợp với lộ trình đổi mới. Đặc biệt, cách ra đề thi, chấm thi sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới lại cách học, cách dạy.
Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, đề thi sẽ tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường THPT đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng đòi hỏi học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống. Để đến năm 2017 đề thi sẽ chuyển hoàn toàn từ 4 môn thi sang 1 bài thi tổng hợp.
Trước đó, ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi ĐH, CĐ năm 2015, đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí đã được cấu trúc theo hướng mở để khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng. Đồng thời huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...).
Làm rõ thêm vai trò then chốt tác động tới đổi mới thi cử của việc ra đề thi, chấm thi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay: “Công tác đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở.
Nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản cho hầu hết thí sinh, và yêu cầu nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ”.
Cách ra đề thi theo hướng tổng hợp, cấu trúc mở đòi hỏi năng lực mà thí sinh phải đáp ứng để hoàn thành bài thi phải thay đổi theo. Từ đó tác động mạnh nhất tới sự thay đổi cách dạy và học hiện nay.
Thay vì học vẹt, học tủ thụ động, học sinh cần biết cách tiếp nhận kiến thức từ nhiều nguồn (không chỉ SGK) để xử lý linh hoạt yêu cầu của bài thi. Qua đó, thể hiện được phẩm chất, kỹ năng, năng lực phục vụ cho phân luồng hiệu quả ở bậc học cao hơn.
Nguyệt Hà
Theo Chinhphu.vn