Cập nhật: 17/09/2014 10:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Nghề giáo viên cũng như mảnh đất, cứ khai thác mà không được chăm bón rồi cũng đến lúc bạc màu…”

Giáo viên phải trau dồi kiến thức để đóng vai trò định hướng cho học sinh (Ảnh: Bích Lan)

Hàng năm, hàng nghìn sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm đúng ngành. Trong khi nhiều địa phương, nhiều trường học bậc phổ thông lại rơi vào tình trạng bão hòa, thậm chí dư thừa giáo viên. Tình trạng các trường sư phạm gặp khó khăn ở cả đầu vào lẫn đầu ra là lý do khiến Bộ Giáo dục - Đào tạo phải quyết định giảm mạnh chỉ tiêu ngành Sư phạm trong đợt tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua. Hơn nữa, nếu các trường sư phạm vẫn tiếp tục vận hành theo lối cũ sẽ không thể thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Chính vì vậy, nhiệm vụ bức thiết được đặt ra là phải quyết liệt phải đổi mới mô hình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên của các trường sư phạm.

Thừa thiếu giáo viên – hiện thực khách quan

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thường trực Ban đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 của Bộ Giáo dục-Đào tạo, nghịch lý thừa thiếu giáo viên là sự thực khách quan trong ngành giáo dục mấy năm qua. Việc thừa, thiếu giáo viên tùy theo mỗi vùng miền, mỗi cấp học. Khối mầm non đang rất thiếu nhưng khối trung học lại thừa. Năm 2013 theo thống kê, có đến 98% giáo viên mầm non ra trường có việc làm; trong khi đến 80% giáo viên cấp THPT tốt nghiệp không có việc làm. Cùng với thực trạng thừa thiếu giáo viên, thì chất lượng giáo viên cũng không đồng đều.

Ông Thống cho rằng nguyên nhân chủ yếu của thực trạng thừa thiếu giáo viên nằm ở công tác quy hoạch. Trước đây, do nhu cầu cần nhiều giáo viên nên rất nhiều trường sư phạm được thành lập, cả nước hiện có tới 98 cơ sở đào tạo giáo viên, kết quả từ việc phải đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên của thời kỳ đó. Đến sau này khi số lượng giáo viên đã đủ, nhưng vấn đề quy hoạch không tốt nên dẫn tới tình trạng tiếp tục đào tạo giáo viên, gây ra thực trạng nơi thừa, nơi thiếu.

Lý giải cho tình trạng thừa thiếu giáo viên, TS Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho rằng hiện nay mỗi một tỉnh thành có một trường sư phạm đó là sản phẩm của thời kỳ bao cấp. Đặc biệt, Hà Nội có tới 8 cơ sở đào tạo giáo viên, TPHCM có 5 cơ sở… Theo TS Vũ Văn Dụ, khi nguồn cung giáo viên đã đủ, phải tính đến việc đào tạo theo vùng miền.

Cũng theo TS Vũ Văn Dụ, sinh viên ra trường không có việc làm, chất lượng thấp là bởi, đáng lẽ giáo viên là nghề chuyên nghiệp, đòi hỏi thường xuyên phải cập nhật kiến thức, học hỏi kinh nghiệm thực tế và bổ sung các kỹ thuật cũng như các phương pháp sư phạm mới trong quá trình hành nghề. Nhưng thực tế, mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam hiện nay vẫn nặng về tính truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức trong khi chưa chú ý đào tạo về năng lực. Đây là lỗ hổng lớn cần được bù đắp để nâng cao chất lượng giáo viên một cách bền vững.

Đồng tình với ý kiến của TS Vũ Văn Dụ, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh, nghề giáo viên là một nghề đòi hỏi phải được đào tạo bài bản đến nơi đến chốn, không thể đào tạo một lần là xong. Các trường sư phạm chỉ đào tạo ở giai đoạn đầu, còn sau khi ra trường, đi dạy, giáo viên phải tiếp tục trau dồi, học thêm trên tinh thần học cả đời để đáp ứng được những yêu cầu mới, những thay đổi của xã hội.

“Ở Việt Nam, hầu như giáo viên tốt nghiệp sư phạm coi như đã hoàn thành việc học, đa phần chỉ với số vốn kiến thức được học trong trường mang ra khai thác. Cũng như đất, đào mãi cũng đến lúc bạc màu, nếu như không được chăm bón, bồi dưỡng”, ông Thống ví von.

Mặc dù trong những dịp hè, giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng định kỳ, nhưng vấn đề là chất lượng các lớp bồi dưỡng ấy ra sao. Chất lượng đào tạo đã không tốt, chất lượng bồi dưỡng cũng lại không tốt nữa tự khắc dẫn đến hiện trạng chất lượng giáo viên thấp, không đáp ứng yêu cầu.

Đổi mới giáo dục – phải đổi mới từ chính người thầy

GS Phạm Tất Dong - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng để thực hiện thành công Đề án đổi mới giáo dục, các trường sư phạm đều phải đổi mới chương trình đào tạo của mình, quá trình đào tạo giáo viên phải kết hợp được với yêu cầu đào tạo ở bậc học phổ thông. Chương trình đào tạo phải khớp với hướng đổi mới giáo dục phổ thông. Hệ thống giáo viên đang hoạt động tại các trường, các bậc học hiện nay phải được đào tạo lại đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới

Đặc biệt, trong quá trình đổi mới giáo dục, để khơi gợi, phát huy được năng lực của học sinh, bản thân giáo viên cũng phải tự đổi mới, nâng cao năng lực trình độ của mình. Quá trình đào tạo lại cho giáo viên cần được chú trọng.

Chia sẻ với ý kiến của GS Phạm Tất Dong, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, quan điểm của GS Phạm Tất Dong là hoàn toàn đúng, trùng khớp với đề án của Bộ Giáo dục-Đào tạo về đề án đổi mới chương trình SGK sắp tới.

Vấn đề không dừng lại ở câu chuyện phải đào tạo tiếp, hay đào tạo một thế hệ giáo viên mới, vấn đề đáng nói là số lượng 1 triệu giáo viên đang đứng lớp trong cả nước hiện nay phải được đào tạo lại theo tinh thần của yêu cầu mới. Phần lớn số giáo viên trên ra trường đã lâu, được đào tạo ở nhiều cơ sở khác nhau, chất lượng đào tạo ở các cơ sở cũng khác nhau, dẫn tới trình độ của giáo viên cũng rất khác nhau. Nhiều giáo viên vì điều kiện khó khăn không thể tiếp tục học hỏi và bồi dưỡng thêm kiến thức cho mình.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đứng trước yêu cầu đổi mới giáo dục cần một cách dạy khác hẳn, đó là cách dạy theo tinh thần nâng cao phẩm chất năng lực của học sinh, chứ không chỉ truyền thụ kiến thức một chiều. Nội dung kiến thức có thể vẫn như thế nhưng cách dạy phải thay đổi cho phù hợp. “Internet đang rất phổ biến ở Việt Nam, các em cũng có nhiều điều kiện để tìm hiểu, còn người thầy cũng phải vững về kiến thức để định hướng cho các em. Nếu giáo viên không chịu đọc, tiếp thu, trang bị thêm thông tin, kiến thức, giáo viên sẽ lạc hậu hơn học sinh rất nhiều”, ông Thống nói.

Xác định rõ đào tạo giáo viên không phải nhà nghiên cứu

Trong Đề án đổi mới giáo dục, vấn đề đổi mới mô hình đào tạo trong các trường sư phạm cũng như nâng cao trình độ của giáo viên được dư luận đặc biệt quan tâm. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xung quanh 2 mô hình: Chuyển tiếp mô hình đào tạo chuyên môn trước, đào tạo nghiệp vụ sư phạm sau hoặc song song đào tạo cả hai khối kiến thức một lúc.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, cả 2 mô hình đều đang được thế giới áp dụng, rất khó để nói mô hình nào tốt hơn, phù hợp hơn với thực tế ở Việt Nam. Mỗi mô hình đều có ưu điểm và hạn chế riêng.

Tuy nhiên, ông Thống cho rằng, vấn đề cần quan tâm không phải là việc áp dụng mô hình nào mà quan trọng là nội dung và chất lượng đào tạo. Nối tiếp hay song song mà chất lượng kém không giải quyết được vấn đề. Trong bối cảnh của Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện đổi mới giáo dục, 2 mô hình đó không loại trừ nhau, vẫn có thể tồn tại. Vấn đề là phải kiểm soát được chất lượng đào tạo.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, một vấn đề nữa mà ngành Giáo dục Việt Nam phải quan tâm đặc biệt đó là vấn đề đào tạo giáo viên phổ thông. Gọi là giáo viên phổ thông là bởi họ dạy những kiến thức rất cơ bản, rất thiết thực, phổ quát, rất đơn giản. Nhà trường sư phạm phải bám sát tiêu chí đó, đào tạo ra những giáo viên đi dạy phổ thông chứ không phải các nhà nghiên cứu. Căn cứ trên mục tiêu đó nhà trường sư phạm phải có suy nghĩ, hoạch định trước và giúp cho các trường phổ thông đi theo hướng ấy./.

 

Theo PV/VOV.VN

Tệp đính kèm