Cập nhật: 19/09/2014 09:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều phụ huynh băn khoăn không chấm điểm cấp Tiểu học thì cũng không chấm dứt được “bệnh” thành tích và giảm được học thêm, dạy thêm.

Từ ngày 15/10/2014, các trường Tiểu học sẽ áp dụng không chấm điểm cho học sinh

Từ ngày 15/10/2014, các trường Tiểu học sẽ thực hiện việc không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học. Theo đó, giáo viên sẽ không dùng điểm số để đánh giá học sinh thường xuyên mà đánh giá năng lực học tập của các em bằng cách ghi nhận xét: Hoàn thành hoặc không hoàn thành từng bài học, môn học.

Ngoài đánh giá học sinh cấp Tiểu học bằng cách không chấm điểm, các trường còn phải đánh giá năng lực và phẩm chất đạo đức của các em. Phụ huynh có thể hỗ trợ con em học tập tốt hơn thông qua việc đánh giá của giáo viên. Trước phương án sắp được thực hiện, nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã có ý kiến trái chiều.

Không chấm điểm sẽ giảm áp lực về điểm số

Năm học 2013-2014, trường học của con của chị Nguyễn Thúy Nga, ở phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội đã thực hiện việc không chấm điểm cho học sinh lớp 1. Năm nay, con chị lên lớp 2, nhà trường sẽ áp dụng phương án không chấm điểm cho học sinh nên chị không quá bất ngờ.

Theo chị Nguyễn Thúy Nga, việc không chấm điểm cho học sinh cấp Tiểu học sẽ giảm được áp lực về điểm số. Bởi sau buổi học trên lớp, cô giáo sẽ thông báo, trao đổi với phụ huynh về việc học tập của học sinh, những em nào còn yếu kém, thiếu sót; những học sinh nào chăm chỉ, nỗ lực trong học tập…

Vì thế, việc không chấm điểm sẽ giúp cho sự trao đổi về tình hình học tập của học sinh giữa giáo viên và phụ huynh được thường xuyên hơn. Giáo viên sẽ theo sát tình hình học tập của học sinh. Còn nếu chấm điểm thì phụ huynh chỉ biết điểm số mà không có sự trao đổi với cô giáo về tình hình học tập của con mình một cách cụ thể.

Học sinh cấp Tiểu học chủ yếu là rèn luyện các kỹ năng

Đồng ý với phương án không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học, chị Đào Thị Thúy, phố Võng Thị, quận Tây hồ, Hà Nội có con đang học lớp 1 cho rằng, học sinh cấp Tiểu học chủ yếu là rèn luyện các kỹ năng chứ không phải kiến thức.

Ở nhiều nước trên thế giới đã không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, không hề gây áp lực học tập, điểm số cho học sinh và phụ huynh.

Theo chị Đào Thị Thúy, bên cạnh việc nhận xét học sinh hoàn thành hay không hoàn thành bài tập, môn học nào đó, giáo viên có thể đánh giá mức học của con là Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém. Trong đó, mức học Giỏi có thể là từ 9-10 điểm; Khá từ 7-8 điểm... Như vậy, phụ huynh có thể biết được năng lực học tập của con như thế nào.

Nên thí điểm ở một vài địa phương trước

Anh Phạm Hữu Cường, phố Lạc Long Quân, Hà Nội cũng đồng ý với việc không chấm điểm học sinh lớp 1 vì sẽ không gây áp lực về điểm số, học tập cho học sinh. Thay vì chấm điểm, giáo viên sẽ nhận xét việc học tập của các em là hoàn thành hay không hoàn thành và có sự trao đổi với phụ huynh thì sẽ giúp cho việc giám sát và giáo dục các con được tốt hơn.

Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường Tiểu học không chấm điểm hàng ngày đối với học sinh, chỉ đánh giá kết quả học tập học kỳ I và cuối năm học các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học bằng bài kiểm tra định kỳ là có thể được vì học sinh đã học tập thì phải có kiểm tra, đánh giá và chấm điểm.

Theo anh Phạm Hữu Cường, trong một vài năm đầu, Bộ GD-ĐT nên thí điểm áp dụng không chấm điểm học sinh Tiểu học. Nếu thấy phương án này là hợp lý, giảm áp lực học hành cho học sinh; áp lực điểm số cho phụ huynh thì sẽ áp dụng một cách lâu dài. Còn nếu phương án này chưa hợp lý thì Bộ GD-ĐT có thể dừng hoặc chuyển về hình thức chấm điểm như cũ hoặc theo phương án khác.

Không thể chấm dứt được “bệnh” thành tích

Khác với những ý kiến đồng ý với phương án mới của Bộ GD-ĐT đưa ra là bắt đầu từ năm học 2014-2015 sẽ không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học, nhiều phụ huynh lại dè dặt và tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi áp dụng phương án này.

Chị Lê Thùy Dương, phố Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội nêu quan điểm: Bộ GD-ĐT đưa ra phương án không chấm điểm học sinh Tiểu học với mục đích là khắc phục dần bệnh thành tích trong giáo dục. Thế nhưng, thực tế, việc chạy theo “bệnh” thành tích là từ phía những người quản lý nhà trường muốn có thành tích thi đua chứ không phải là do chấm điểm học sinh.

Việc không chấm điểm có mặt hạn chế là phụ huynh không biết được thực lực học tập của con mình đến đâu, yếu kém ở mặt nào để điều chỉnh. Thậm chí, nhiều phụ huynh có ý nghĩ là kệ cho con học, dẫn đến lơ là việc kiểm tra kiến thức của con.

Nếu hàng ngày giáo viên chỉ nhận xét học trò là hoàn thành hay không hoàn thành bài tập thì chỉ phản ánh mức độ chăm chỉ, chứ không thể phản ánh hết khả năng học tập của con đến đâu. Ví dụ như giáo viên nhận xét con không hoàn thành môn  Toán trong một ngày nào đó thì không thể biết được con không hoàn thành bài Toán nào, phần nào, sai ở đâu.

Theo chị Lê Thùy Dương, thay vì để giáo viên nhận xét học sinh là hoàn thành hay không hoàn thành bài học thì Bộ GD-ĐT nên đưa ra mức nhận xét học sinh đạt loại A, B, C… Mức loại A bao gồm cả vừa hoàn thành bài tốt bài tập, chăm chỉ và rèn luyện đạo đức tốt. Ngoài ra, giáo viên nên tập trung ôn luyện cho những học sinh có năng lực yếu, kém để vực dậy kiến thức của các em lên.

Cũng chẳng giảm được dạy thêm-học thêm

Hiện nay, ở cấp Tiểu học, học sinh còn mải chơi, chưa có ý thức tự giác trong học tập nên việc không chấm điểm chưa chắc sẽ phát huy được ý thức chủ động, tự giác trong học tập, rèn luyện của các em.

Chị Tạ Thị Hồng Vân, phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, việc không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học cũng chẳng giảm được việc dạy thêm, học thêm. Ví dụ như học sinh lớp 5 là cuối cấp Tiểu học vẫn phải học thêm để chuẩn bị thi sang lớp 6. Nếu không chấm điểm cấp Tiểu học thì Bộ GD-ĐT nên áp dụng song song không thi đầu vào lớp 6.

Đồng ý với quan điểm không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học vẫn không giảm được việc dạy thêm, học thêm, chị Đinh Bích Hạnh, phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, thực tế nhu cầu cho con học thêm từ phụ huynh là rất lớn. Nhiều người không phải là cán bộ trong ngành giáo dục hay kiến thức còn hạn chế hoặc bận công việc lại rất muốn cô giáo dạy thêm cho con để họ đỡ vất vả khi mà đi làm về đã muộn nhưng đến tối lại phải ngồi kèm con học.

Còn nếu Bộ GD-ĐT áp dụng không chấm điểm cấp Tiểu học nhằm giảm áp lực học tập, điểm số cho học sinh và phụ huynh thì phải kèm với đó là có phương án cải tiến mức lương của giáo viên để họ yên tâm ổn định cuộc sống, không phải lo tổ chức dạy thêm khiến càng gây áp lực cho phụ huynh và học sinh. Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp học sinh nào không đi học thêm của cô giáo thì không làm được bài kiểm tra hoặc kết thúc năm học không đạt được học lực Khá, Giỏi...

Phụ huynh có thể lơ là hỗ trợ, giám sát việc học của con

Nếu không chấm điểm học sinh cấp Tiểu học thì nhiều phụ huynh sẽ không bám sát được quá trình học tập của con. Chị Đinh Bích Hạnh, phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội đang có con học lớp 4 tỏ ra lo lắng về vấn đề này.

Như mọi năm, giáo viên vẫn chấm điểm cho học sinh nào đó ở một môn như Toán  với số điểm 8 thì học sinh sẽ biết được vì sao mình lại chỉ được 8, bài nào sai, thiếu ở công đoạn nào để các em tự chỉnh sửa, bổ sung kiến thức.

Còn nếu chỉ nhận xét học sinh là hoàn thành hay không hoàn thành bài tập, môn học thì học sinh chẳng biết được mình sai, yếu kém ở phần nào.

Mặt khác, phụ huynh chỉ biết được việc đánh giá trình độ học tập của con một cách chung chung. Họ sẽ không biết rõ được con yếu kém ở bài học, phần học nào để cố gắng kèm cặp thêm hay quan tâm bổ sung kiến thức cho con ở phần đó hơn./.

 

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm