Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới có thể thấy hầu như không có nền kinh tế nào “miễn dịch” với “căn bệnh” nợ công và triệu chứng ở mỗi nước khác nhau nhưng đều chung một ý: Có vay, có trả hay vay được, trả được thế là an toàn.
Ảnh minh họa
Nợ công là hệ quả của việc Nhà nước tiến hành vay vốn và Nhà nước phải có trách nhiệm hoàn trả. Nợ công không xấu nếu một quốc gia có khả năng thanh toán nó.
Mục tiêu cao nhất trong việc huy động và sử dụng nợ công là phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích chung, chứ không phải để thỏa mãn những lợi ích riêng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Hoạt động vay nợ giúp chính phủ tăng cường nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và tăng khả năng đầu tư đồng bộ của Nhà nước, tận dụng được nguồn tài chính nhàn rỗi trong dân cư, sự hỗ trợ từ nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế.
Không phải lúc nào nợ công cao cũng sẽ ngay lập tức mang lại những kết cục bi đát. Thực tế trên thế giới cho thấy những cuộc khủng hoảng nợ công chỉ diễn ra khi chính phủ quốc gia nào đó không thể trả nợ đúng hạn, cả nợ gốc và nợ lãi, nên phải tuyên bố phá sản quốc gia hoặc cầu cứu sự trợ giúp quốc tế.
Đâu là ngưỡng?
Có nhiều nghiên cứu về bản chất của khủng hoảng nợ công đã được tiến hành, đồng thời cũng đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về khủng hoảng nợ công. Theo định nghĩa của Manasse, Roubini và Schimmelpfennig (2003): “Một quốc gia được cho là khủng hoảng về nợ công nếu bị Standard & Poor’s xếp hạng là vỡ nợ, hoặc được nhận một khoản vay không ưu đãi lớn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)”.
Nợ công phản ánh và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và khả năng tài chính của một nền kinh tế. Chính vì vậy, việc đánh giá khoản nợ của một quốc gia có an toàn hay không trở nên vô cùng cần thiết đối với các nhà đầu tư cũng như chính bản thân chính phủ của quốc gia đó. Nhờ đó mà xếp hạng tín dụng nợ công ra đời.
Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới chưa có tiêu chuẩn chung về mức ngưỡng an toàn đối với các chỉ tiêu về nợ công để áp dụng cho tất cả các nước.
Việc xác định các chỉ tiêu an toàn về nợ công của từng nước thường được dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng nợ, tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển, hệ số tín nhiệm của quốc gia và có thể tham khảo khuyến nghị của IMF/WB về ngưỡng an toàn nợ nước ngoài theo phân loại chất lượng khuôn khổ thể chế và chính sách.
Khi nói về ngưỡng an toàn cho nợ công, các chuyên gia đến từ Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), IMF và WB đều nhấn mạnh không nên dựa quá nhiều vào ngưỡng nợ.
Ngưỡng nợ công là thông số hữu ích nhưng chỉ nhìn vào ngưỡng đó là chưa đủ, TS. Benedict Bingham, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam cho biết. Theo chuyên gia này, thì khi xem xét nợ công của một nước cần phải xem các nước có nền kinh tế tương tự có ngưỡng nợ thế nào và phải tính đến cả rủi ro về lòng tin. Quan trọng hơn là phải hiểu được phạm vi, quy mô và chất lượng nợ thực chất như thế nào, bao nhiêu phần trăm để thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn, dài hạn…
Muôn màu muôn vẻ
Tại các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu thì lại quy định hạn mức trần nợ công áp dụng chung cho tất cả các nước trong khối là dưới 60% GDP, thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP.
Vương quốc Anh đã vận hành hai quy tắc tài khóa trong những năm gần đây. Quy tắc thứ nhất yêu cầu trong một chu kỳ “Chính phủ chỉ được phép vay để đầu tư chứ không vay để chi thường xuyên” (một “nguyên tắc vàng”). Quy tắc thứ hai yêu cầu “Nợ ròng khu vực công theo tỷ lệ với GDP cần phải giữ ổn định ở mức cẩn trọng- hiện nay được xác định là dưới 40% GDP” (quy tắc đầu tư vững chắc).
Năm 2003, sau cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ châu Á, Indonesia đã đặt ra quy tắc tài khoá, theo đó ấn định mức bội chi ngân sách hàng năm tối đa là 3% GDP và dư nợ công tối đa là 60% GDP.
Hiến pháp của Singapore quy định chính phủ trong nhiệm kỳ của mình (5 năm) phải đảm bảo cân bằng ngân sách, nghĩa là thâm hụt ngân sách của bất kỳ năm nào phải được bù đắp bằng thặng dư ngân sách tích luỹ của những năm còn lại trong nhiệm kỳ. Trong trường hợp đặc biệt, chính phủ hiện tại có thể bù đắp thâm hụt ngân sách bằng thặng dư ngân sách của nhiệm kỳ trước, nhưng phải được sự chấp thuận đồng thời của nghị viện và tổng thống.
Luật Trách nhiệm Tài khóa (1994) của New Zealand quy định cụ thể năm nguyên tắc quan trọng mà chính phủ phải tuân thủ, trong đó có yêu cầu giảm tổng nợ xuống một mức cẩn trọng; đảm bảo bình quân, trong giai đoạn một cách hợp lý, tổng chi thường xuyên không vượt quá tổng thu thường xuyên... Mặc dù Luật không quy định số liệu cụ thể, nhưng chính phủ nước này sau đó cũng tự đặt mục tiêu duy trì mức nợ dưới 30% GDP.
Tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc 6 tháng đầu năm là 250%, vẫn thấp hơn nhiều so với phần lớn các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh và Nhật Bản với tỷ lệ nợ/GDP tính đến cuối năm 2013 lần lượt là khoảng 260%, 277% và 415%. Tuy nhiên, nợ công của Nhật Bản không gây khó cho nền kinh tế do họ có khả năng trả nợ trong khi với Trung Quốc, đây là điều đáng quan tâm khi nợ công gia tăng rất nhanh so với GDP kể từ năm 2009 đến nay, còn kinh tế lại tăng trưởng chậm hơn.
Với LB Nga, trong những năm từ 2004 – 2008, Tổng thống V.Putin đã đặt ra nhiệm vụ cho Chính phủ là phải giảm đến mức thấp nhất mức nợ công từ các khoản vay của nước ngoài. Trong những năm gần đây Nga luôn là nước có mức nợ công gần như thấp nhất ở châu Âu – khoảng hơn 10% đến xấp xỉ 11% GDP.
Theo Lam An/Chinhphu.vn