Cập nhật: 14/12/2014 10:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đối với các trường ở Hàn Quốc, hiệu trưởng một trường đại học thường được tuyển lựa rất gắt gao, và dựa trên rất nhiều yếu tố đánh giá khác nhau.

Chia sẻ về kinh nghiệm tự chủ đại học tại Hàn Quốc, Giáo sư Trần Hải Linh, giảng viên trường Đại học Inha, Hàn Quốc cho rằng, từ năm 1995, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức cải cách hoàn toàn cơ chế quản lý các trường đại học và đã dứt khoát trao quyền tự chủ cho các trường. Các trường đại học của Hàn Quốc được toàn quyền chủ động trong các khâu xét tuyển, và các trường có thứ hạng cao thường điều kiện đầu vào càng rất chặt chẽ và thường đòi hỏi học sinh, sinh viên khi thi vào phải có một năng lực phù hợp. Do vậy sinh viên tốt nghiệp sau khi ra trường cũng rất dễ dàng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Ở Hàn, Hiệu trưởng Đại học thường được tuyển lựa rất gắt gao

Theo GS Trần Hải Linh, khi các trường được tự chủ, nhu cầu cạnh tranh về thứ hạng, về sự phát triển giữa các trường thực chất là vẫn có, nhưng xuất phát điểm từ chính gia đình và các sinh viên khi luôn mong muốn con em mình được học hành ở các trường danh tiếng.

GS Trần Hải Linh

“Hệ thống giáo dục Hàn Quốc được xem là một trong những hệ thống khắc nghiệt nhất và cạnh tranh nhất trên thế giới, đặc biệt là khi thi vào đại học. Từ khi Hàn Quốc phổ cập hóa giáo dục và hiện đại hóa nhanh chóng trong mấy thập niên vừa qua thì bằng cấp được xem như một sự bảo đảm cho việc thăng tiến trong xã hội. Tốt nghiệp ở các trường có thứ hạng cao thì càng dễ xin được việc làm với những vị trí tương xứng. Do đó, người dân lao vào cuộc chạy đua bằng cấp. Trong một đất nước luôn bị ám ảnh bởi thứ hạng cao thấp nên càng gây áp lực hơn trên gia đình và học sinh”- GS Linh chia sẻ.

GS Trần Hải Linh cho rằng, nhìn tổng thể một cách khách quan thì học sinh tốt nghiệp các trường Trung học phổ thông ở nước ta không thua kém với trình độ học sinh trung học các nước khác. Tuy nhiên, người tốt nghiệp đại học của Việt Nam có thể nói là phần nhiều còn thua kém so với người tốt nghiệp Đại học ở nước ngoài, đặc biệt về các mảng kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm, tác phong làm việc…

“Thực tế cho thấy rất rõ trong khoảng thời gian khá dài trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp và tỷ lệ sinh viên phải làm trái ngành nghề đào tạo ngày càng cao. Điều đó cho thấy giáo dục đại học là mảng cần nhiều sự thay đổi. Tôi nghĩ rằng con đường tiến bộ cho giáo dục đại học ở Việt Nam chính là cần có sự tự chủ’- GS Linh nói.

Trong các quyền tự chủ của trường đại học thì có tự chủ về tuyển sinh, tự chủ về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về giảng dạy và nghiên cứu, tự chủ về tài chính, về cả chương trình học cho sinh viên... “Một vấn đề nữa trong tự chủ là cần xác định ai là người làm chủ? Và ta thường hiểu đó là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất trong trường đại học, đó chính là của người hiệu trưởng. Đối với các trường ở Hàn Quốc, hiệu trưởng một trường đại học thường được tuyển lựa rất gắt gao, và dựa trên rất nhiều yếu tố đánh giá khác nhau. Người hiệu trưởng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển của trường”.

Cách xây dựng nhân sự của các trường ĐH ở Việt Nam ngược với thế giới

Người ta thường nói: “Thầy giỏi mới có trò hay”, và đóng góp rất lớn trong việc phát triển giảng dạy và nghiên cứu là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Trong quá trình nghiên cứu vấn đề nhân sự của đa số các trường đại học Việt Nam hiện nay, GS Trần Hải Linh cho rằng,  cách mà chúng ta làm trái ngược với quy trình tuyển chọn giảng viên của bất kỳ trường đại học nào trên thế giới. Cách thức mà các trường đại học Việt Nam thực hiện để xây dựng nhân sự cho trường mình là tạo nguồn tại chỗ. Các trường đại học của ta thường chọn những sinh viên giỏi nhất để bồi dưỡng, đào tạo họ trở thành nguồn cán bộ cho chính trường mình. Trên thế giới thì ngược lại bởi hầu hết các trường đại học đều có chính sách không tuyển sinh viên do mình đào tạo. Điều đó không có nghĩa là họ không tin chất lượng đào tạo hay tốt nghiệp của sinh viên trường họ. Mà họ khuyến khích như vậy để việc luân chuyển cán bộ, giảng viên từ trường nọ sang trường kia rất đơn giản.

 “Ví dụ một giảng viên trẻ có năng lực, có hoài bão, muốn xây dựng môi trường làm việc mới cho mình hoặc đơn giản là để thoát ra khỏi cái bóng của thầy hướng dẫn họ, họ có quyền lựa chọn nhờ hệ thống thông tin công khai sẵn có trên các trang thông tin mạng”- GS Linh chia sẻ.

Theo GS Trần Hải Linh, thực tế đối với công tác tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự trẻ trong các trường đại học Việt Nam hiện nay thì chúng ta thấy vấn đề nan giải nhất là lương của giảng viên, cán bộ Đại học. Mức độ lương theo hệ thống lương công chức không tương ứng với mức độ cống hiến và vị trí xã hội của họ. Cũng đã có nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục như có thêm thu nhập từ việc làm các đề tài nghiên cứu được bổ sung vào lương, nhưng đó chỉ là những giải pháp tình thế nhất thời.

Việc trả lương thấp này là một sự bất công lớn với ngành Đại học so với nhiều ngành khác, chẳng hạn thu nhập của Giáo sư, phó Giáo sư, Tiến sỹ giảng dạy Đại học nhiều năm lại không bằng thu nhập của một số cử nhân, thạc sĩ, kỹ sư mới ra trường đang làm việc cho các tập đoàn, công ty. “Điều này tạo nên sự lãng phí vô cùng to lớn về tiềm năng công suất lao động của đội ngũ giảng viên, cán bộ Đại học Việt Nam vì thiếu điều kiện làm việc, rồi mất thời giờ lo chuyện cơm áo gạo tiền để bù đắp thêm cho khoản lương không đủ mức sinh sống cho gia đình”.

Mặt khác việc trả lương thấp này còn gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực, và không khuyến khích được thế hệ trẻ có năng lực đi theo con đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Một số trường Đại học ở Việt Nam đã và đang thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính, họ đã trả lương được cao hơn cho các giảng viên, cán bộ so với các đại học không tự chủ về tài chính, và thực tế cho thấy rõ là kết quả nghiên cứu, giảng dạy cũng như đầu ra của sinh viên ở các trường đó đã thay đổi và chuyển biến hết sức rõ rệt theo chiều hướng tốt. “Trong tình hình hiện tại của Việt Nam, trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học”- GS Trần Hải Linh nhận định./.

Theo Minh Hòa/VOV.VN

Tệp đính kèm