Cập nhật: 05/01/2015 09:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ Israel đã thông báo biện pháp trừng phạt kinh tế đầu tiên với Palestine; hoãn giao khoản thuế hàng tháng trị giá 125 triệu USD cho Palestine

Một người đàn ông Palestine phản ứng tức giận với một binh sỹ Israel ở Bờ Tây. (Nguồn: AP)

Chính phủ Israel vừa qua thông báo biện pháp trừng phạt kinh tế đầu tiên với Palestine, chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mahmoud Abbas ký phê chuẩn các đơn xin gia nhập 20 công ước và tổ chức quốc tế, trong đó có Tòa án Hình sự quốc tế. Đây được xem là phát súng mở màn cho cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong gần 10 năm qua.

Sau khi tham vấn các thành viên chính phủ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm nay thông báo hoãn việc giao khoản tiền thuế hàng tháng trị giá 125 triệu USD mà nước này thu hộ cho phía Palestine. Khoản tiền thuế này chiếm tới 2/3 ngân sách hàng năm của chính quyền Palestine, không bao gồm viện trợ nước ngoài, được sử dụng để vận hành chính phủ và trả lương cho công chức nhà nước. Đây được xem là động thái đáp trả đầu tiên sau khi Palestin engày 2/1 đệ đơn xin gia nhập Tòa án hình sự quốc tế, mở đường cho các biện pháp pháp lý chống lại Israel. Theo một số nguồn tin, một trong những hồ sơ đầu tiên mà Palestine muốn trình lên Tòa án hình sự quốc tế là điều tra những tội ác chiến tranh mà Israel đã phạm phải trong chiến dịch quân sự 50 ngày ở dải Gaza hồi mùa hè vừa qua.

Phát biểu sau cuộc họp nội các ở thủ đô Tel Aviv, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố: “Chính quyền Palestine đã lựa chọn đối đầu và vì thế Israel cũng sẽ không ngồi yên. Chúng tôi sẽ không để cho các binh sĩ và chỉ huy lực lượng quốc phòng Israel phải ra trước Tòa án hình sự quốc tế. Lực lượng quốc phòng Israel sẽ tiếp tục bảo vệ Nhà nước Israel với quyết tâm và sức mạnh của mình”.

Các nhà lãnh đạo Palestine đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của chính phủ Israel, coi đây là một hành động bất hợp pháp, bởi khoản tiền thuế này thuộc về nhân dân Palestine và được sử dụng để trả lương cho các viên chức nhà nước và củng cố nền kinh tế. Ông Abu Youssef, một quan chức chính quyền Palestine nói: “Lãnh đạo và nhân dân Palestine sẽ không từ bỏ cuộc đấu tranh cuả mình, từ bỏ quyền tự do và độc lập, quyền được trở về, cũng như sẽ không từ bỏ một Nhà nước Palestine với Jerusalem là thủ đô dù với bất kỳ giá nào. Chính quyền Mỹ cũng về một phía với những kẻ chiếm đóng khi nói rằng sẽ không gửi viện trợ cho chúng tôi. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể phá vỡ được quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân Palestine”.

Quyết định của chính quyền Palestine khởi động các nỗ lực tham gia 20 tổ chức quốc tế, trong đó có Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cũng đã đánh dấu bước ngoặt mới trong tiến trình hòa bình Trung Đông: Chính quyền Palestine chuyển sang công cụ pháp lý để quốc tế hóa cuộc xung đột mà quá trình đàm phán với Israel kéo dài 20 năm qua vẫn chưa mang lại kết quả. Dù thất bại trong việc thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua dự thảo nghị quyết yêu cầu chấm dứt ách chiếm đóng của Israel, song có thể nói đây mới chỉ là sự khởi đầu cho các nỗ lực ngoại giao của Palestine nhằm đạt được mục tiêu một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền.

Hiện Palestine đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các nước châu Âu vốn lâu nay được xem là “cùng một phe” với Israel và Mỹ như Pháp, Anh. Thực tế là những nước này đang dần mất kiên nhẫn với các chính sách mang tính thù địch và thiếu xây dựng của Israel. Nhiều chuyên gia đã dự báo về một trận chiến ngoại giao và pháp lý lớn giữa Israel và Palestine trong năm 2015 này./.

 

Theo Thu Hoài/VOV.VN

Tệp đính kèm