Quảng Nam sẽ cơ bản tạm dừng hình thức đào tạo cử tuyển trong năm 2015, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Chín cho biết tại Hội nghị tổng kết “Công tác đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp theo chế độ cử tuyển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2007-2014”, diễn ra mới đây.
Một giờ học của học sinh trường trung học dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, Đắk Lắk
(Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Lý do dẫn tới việc tỉnh Quảng Nam cơ bản tạm dừng hình thức đào tạo cử tuyển (trừ trường hợp một số ngành mà huyện cảm thấy rất cần thiết phải đào tạo nhằm phục vụ sự phát triển của địa phương) là do hình thức đào tạo cán bộ này cho khu vực miền núi đang bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể là số học sinh sau khi được đào tạo chưa bố trí được vị trí công tác phù hợp còn nhiều, chất lượng học sinh cử tuyển thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng hoặc thay đổi ngành học còn cao.
Trong 8 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã cử đi học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển được 1.372 học sinh; trong đó đã tốt nghiệp 408 người, 759 học sinh đang theo học và 205 học sinh đã bỏ học.
Trong số những học sinh đã tốt nghiệp có 264 học sinh đã được phân công công việc, còn lại 144 học sinh vẫn chưa được phân công công tác. Chính vì vậy, việc cơ bản tạm dừng hình thức đào tạo cử tuyển sẽ giúp tỉnh Quảng Nam sắp xếp lại việc bố trí sử dụng cán bộ, thực hiện tinh giản bộ máy hành chính tại các huyện miền núi của tỉnh.
Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo cho các huyện miền núi phải tập trung nguồn lực, xây dựng phương án giải quyết việc sử dụng 144 người diện cử tuyển đã tốt nghiệp trước tháng 2/2015.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ động liên hệ với các trường đại học, cao đẳng đang nhận đào tạo học sinh cử tuyển của tỉnh để nắm chắc thông tin về kết quả học tập, quá trình phấn đấu tu dưỡng rèn luyện của học sinh. Bắt đầu từ năm nay, tỉnh sẽ áp dụng nghiêm chế tài xử phạt đối với các học sinh diện cử tuyển vi phạm các quy định tự ý bỏ học.
Từ năm 2007 đến nay, sự phát triển nguồn nhân lực là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển rõ nét với khoảng 5.000 học sinh đã tốt nghiệp hoặc đang theo học đại học, cao đẳng thông qua hình thức thi đỗ, xét tuyển thẳng, dự bị đại học dân tộc và cử tuyển.
Do đó, việc tạm dừng này còn giúp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để học sinh người dân tộc có trình độ thực sự không thuộc diện cử tuyển có cơ hội thi tuyển vào những vị trí mà các địa phương đang thiếu.
Trong giai đoạn 2008-2014, tỉnh Quảng Nam đã chi gần 67 tỷ đồng kinh phí đào tạo theo chế độ cử tuyển, góp phần quan trọng vào phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở khu vực miền núi. Tuy nhiên với những bất cập đang bộc lộ thì việc cơ bản tạm dừng đào tạo theo chế độ cử tuyển là cần thiết./.
ĐỖ TRƯỞNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/quang-nam-se-co-ban-tam-dung-dao-tao-theo-hinh-thuc-cu-tuyen/300807.vnp