Cập nhật: 21/01/2015 09:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khi bằng giả kiếm được quá dễ dàng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội vào những giá trị thực của cuộc sống…

 

Số lượng bằng giả vừa được Công an TP HCM thu giữ (ảnh: Người lao động)

Câu chuyện sản xuất bằng giả, sử dụng bằng giả không phải là mới. Tuy nhiên, thông tin Công an thành phố Hồ Chí Minh triệt phá đường dây sản xuất bằng giả với gần 600 bằng đã được tuồn ra thị trường trong một thời gian ngắn; thông tin 20 cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Thanh Hóa; hàng chục cán bộ xã, nhân viên Nhà nước ở Phú Yên, Bình Định sử dụng bằng giả lại gây xôn xao, bức xúc trong dư luận. Thêm một lần vấn nạn bằng giả lại được nhắc tới; thêm một lần vấn đề liêm sỉ của người sử dụng bằng giả; vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý lại được đặt ra. Thấy được nguyên nhân cốt lõi, tìm ra những biện pháp xử lý rốt ráo, quyết liệt để không còn tấm bằng giả-tác nhân nguy hiểm tạo ra những giá trị ảo trong xã hội thời gian qua.

Chưa điều tra toàn diện nhưng nhiều người cho rằng, bằng giả hiện diện ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, trong nhiều cơ quan Nhà nước. Nguyên nhân của thực trạng này đã được các chuyên gia đưa ra, phân tích, bình luận. Từ tâm lý “sính” bằng cấp, đến cơ chế tuyển dụng; đề bạt cán bộ. Bất kỳ lĩnh vực nào, nơi nào muốn “lọt cửa” trước tiên phải có hồ sơ đẹp, bằng đẹp. Yêu cầu đó là đúng nếu như nó đánh giá năng lực thực sự của người được tuyển dụng, đề bạt. Nhưng cũng vì thế mà nhiều người tìm mọi cách để đạt được yêu cầu ấy.

Có “cung” ắt có “cầu”. Các dịch vụ, đường dây làm giả văn bằng chứng chỉ đã hình thành, hoạt động liên kết với nhau. Thậm chí có cả sự tham gia của cán bộ, nhân viên cơ quan quản lý Nhà nước. Các loại bằng giả cũng dần được nâng cấp. Từ bằng phổ thông cơ sở, trung học đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; từ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… đến các loại giấy tờ khác phức tạp hơn. Tất cả, đều được thực hiện bằng một nhóm người mà mục đích duy nhất của họ là kiếm tiền từ dịch vụ này. Cho đến giờ thì sản xuất, sử dụng bằng giả không còn là hiện tượng nữa, nó đã trở thành một vấn nạn, đã len lỏi vào đời sống của xã hội và không dễ triệt tiêu nó. Đối tượng sử dụng bằng giả cũng mở rộng hơn, đa dạng hơn. Họ là nhân viên, cán bộ thuộc nhiều cấp, ngành; là người giữ chức vụ, có quyền hạn; là giáo viên, giảng viên đại học…

Bằng giả, kể cả sản xuất hay sử dụng cũng đều là hành vi đáng lên án, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng với những hệ lụy nặng nề trong đời sống xã hội. Nó dẫn đến từ tâm lý quá coi trọng bằng cấp đến xem thường bằng cấp. Khi bằng giả kiếm được quá dễ dàng, người ta lại xem thường tấm bằng thật, phủ nhận năng lực thực sự của những người tốn bao công sức, thời gian, chất xám mới có được. Nguy hại là, nó còn ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội. Vì sao có những người không muốn công nhận thành quả người khác đạt được trên con đường công danh, sự nghiệp? Đó là bởi họ thiếu niềm tin vào thực lực của nhân tố ấy, con người ấy. Họ khó thấy được đâu là thật, đâu là giả để nhận định một cách chính xác giá trị thực. Không những vậy, nạn bằng giả còn làm cho tình trạng chạy chức, chạy quyền, nạn tham nhũng trong công tác cán bộ thêm phức tạp. Bởi khi đã sử dụng bằng giả họ không nghĩ tới sự liêm sỉ, đến lương tâm, đạo đức, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên. Đó là chưa kể, nếu như những người sử dụng bằng cấp giả leo cao, chui sâu vào các cơ quan quản lý Nhà nước, nắm giữ vị trí trọng yếu, có thẩm quyền ban hành chính sách thì nó còn nguy hiểm và tác động tiêu cực như thế nào cho đời sống xã hội.

Đã có nhiều vụ sản xuất bằng giả bị phát hiện, nhiều đối tượng phải chịu hình phạt của pháp luật; nhiều trường hợp sử dụng bằng giả bị cảnh cáo, xử lý nhưng nó vẫn là nỗi bức xúc chung của xã hội. Phải chăng hình phạt của pháp luật, hình thức xử lý của cơ quan quản lý chưa đủ sức răn đe? Phải chăng chúng ta chưa xử lý triệt để tận gốc vấn nạn này?

Rõ ràng là, lâu nay chúng ta vẫn loay hoay đi tìm mà chưa có các giải pháp căn cơ cho nạn sản xuất và sử dụng bằng giả. Hầu hết, các vụ sản xuất bằng giả, sử dụng bằng giả bị phát hiện là qua phản ánh của người dân, qua tố giác của người trong cuộc. Chỉ sau khi có hành vi vi phạm, cơ quan pháp luật, cơ quan chức năng mới rà soát, kiểm tra, xử lý. Điều đó cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này có vấn đề.

Nếu như các cơ quan chức năng thực hiện rà soát, điều tra tổng thể việc sử dụng bằng cấp trong các cơ quan Nhà nước, kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng bằng giả, đưa ra khỏi cơ quan Nhà nước những người không đủ năng lực, không đủ phẩm chất đạo đức; Nếu như mọi thông tin của người được đào tạo được cập nhật, lưu giữ đầy đủ; nếu như hệ thống dữ liệu của cơ sở đào tạo được công khai, minh bạch; Nếu như cơ quan tuyển dụng có trách nhiệm trong việc kiểm tra thông tin người được tuyển dụng thông qua dữ liệu của cơ sở đào tạo thì chắc chắn sẽ không còn cơ hội cho những kẻ lợi dụng sơ hở, lợi dụng lòng tin để sản xuất bằng giả kiếm lời, sử dụng bằng giả để tiến thân, tạo ra những giá trị ảo, kéo lùi sự phát triển của toàn xã hội./.

Theo Đàm Hoa/VOV1.VN

Tệp đính kèm