Cập nhật: 06/02/2015 09:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên/vạn dân (kể cả số GS, PGS đã mất hoặc đã nghỉ hưu), không quá 5,6% giảng viên đại học là GS hoặc PGS.

Theo thống kê của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, từ năm 1976 đến hết năm 2014, tổng số Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) được công nhận ở nước ta là 11.097 (gồm 1.628 GS và 9.469 PGS), trong số đó nhiều người đã mất và về hưu.

GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết, theo thống kê năm 2013 của Bộ GD-ĐT, tổng số sinh viên đại học là 1,73 triệu người, số giảng viên đại học là gần 74.630, trong đó có 4.155 GS, PGS. Như vậy, với dân số hơn 90 vạn dân chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên/vạn dân (kể cả số GS, PGS đã mất hoặc đã nghỉ hưu), không quá 5,6% giảng viên đại học là GS hoặc PGS và 416 sinh viên/1 GS hoặc PGS. Trong khi đó, ở CHLB Đức, số lượng và cả chất lượng GS cao hơn Việt Nam nhiều (trong 1 vạn dân có 3 GS và cứ 59 sinh viên có 1 GS).

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giấy chứng nhận công nhận chức danh cho các Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2014

Như vậy, đội ngũ GS, PGS ở nước ta, khá “mỏng” về số lượng và cả chất lượng, chứ không phải đến mức “lạm phát” như nhiều người nghĩ.

Điều đáng đề cập là hiện nay, mật độ phân bổ GS, PGS chưa hợp lý. Kể từ năm 2009 đến hết năm 2014, số GS, PGS làm việc ở Hà Nội chiếm 71,3%; TP HCM là 11,9% và ở tất cả các tỉnh, thành phố còn lại chỉ là 16,8%.

Để góp phần phân bổ hợp lý, theo GS Trần Văn Nhung, từ khi Nghị định số 141/2013/NĐ-CP có hiệu lực và Chính phủ giao Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành thì con số các GS, PGS, TS trong các trường đại học được tăng lên đáng kể. Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời của Đảng và Chính phủ để sử dụng tối đa “nguyên khí quốc gia”, hoàn toàn phù hợp với nhu cầu giảng viên đại học và thông lệ quốc tế, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tạo.

Ngoài ra, Việt Nam đang có cố gắng điều chỉnh để mật độ phân bổ GS, PGS ngày càng hợp lý hơn như: Số GS, PGS làm việc ở Hà Nội giảm dần xuống, ở TP HCM và các tỉnh, thành phố khác tăng dần lên.

Nhận định chung về đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2014, GS Trần Văn Nhung cho biết: số ứng viên có công bố khoa học quốc tế tăng lên, nhất là ở những ngành về khoa học tự nhiên, công nghệ và y học. Trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của ứng viên khá hơn trước… Không ít tân GS, PGS trẻ tuổi nhưng đã công bố rất nhiều bài báo khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước, được trao những giải thưởng quốc gia và quốc tế cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, có trình độ ngoại ngữ/tiếng Anh và công nghệ thông tin.

Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã quy định chỉ tính điểm cho các bài báo khoa học của ứng viên được đăng từ năm 2012 trở đi trong các tạp chí có mã số chuẩn quốc tế ISN và tiến tới sẽ yêu cầu các sách xuất bản muốn được tính điểm phải có mã số chuẩn quốc tế ISBN./.

 

Theo Chu Miên/VOV.VN

Tệp đính kèm