Sớm Tây Bắc, mưa giăng kín đặc, sương mỗi lúc một dày. Những đám sương sà sát mặt người đi đường, níu trong hơi thở của những cô giáo “cắm bản” vùng cao đang gồng mình vượt qua con đường lầy lội, trơn trượt, đặc quánh bùn đất như muốn khóa chân người.
Học sinh bản Háng Tàu hồn nhiên, vui vẻ trên đường đến trường. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cái đói nghèo, cuộc sống nghiệt ngã khắc khổ cũng không quật ngã được các cô giáo trẻ nơi lưng trời Tây Bắc đang quên đi những khó khăn vất vả, thiếu thốn bộn bề, vẫn miệt mài bám bản, bám điểm trường “gieo” con chữ.
“Đường đi khó như lên trời”
Háng Tàu là điểm trường nằm cheo leo, heo hút trên những bản làng lâu đời của người Mông. Những năm về trước, từ trung tâm xã Túc Đán (Trạm Tấu, Yên Bái), để vào các điểm trường này, các cô giáo không có cách nào khác là phải đi xe máy hoặc cuốc bộ mất cả ngày đường, bất kể trời nắng hay mưa. Những cung đường vắt vẻo bên sườn núi, phía dưới là vực thẳm sâu hun hút, chỉ cần sẩy chân là mất mạng.
Nói vui như Chủ tịch xã Thào A Tàng thì, “đường đi khó như lên trời.” Các cô giáo đều những tay lái lụa cừ khôi, phải có cái bụng tận tâm yêu nghề, thương các cháu học sinh nghèo, sự nhiệt huyết thì mới có thể ngày đêm cắm bản “gieo” con chữ cho đồng bào người Mông.
Chúng tôi toát mồ hôi khi băng qua đỉnh núi, ngọn đồi để vào điểm trường nằm trên bản Háng Tàu. Nhìn vẻ mặt căng thẳng, hồi hộp của tôi, gã trai bản Mùa A Trống, một người bạn đường pha trò: “Đường thế này là đẹp lắm rồi, chứ vào mùa mưa lũ trơn trượt lắm, nhà báo muốn đi phải quấn xích vào bánh xe mới chạy nổi.”
Sau hơn bốn tiếng trèo đèo, lội suối, điểm trường Háng Tàu hiện ra trước mắt. Trong không gian tĩnh mịch của núi rừng, tiếng đọc bài của các em vang lên đều đặn, ấm cúng. Đón chúng tôi là cái bắt tay thật chặt của cô giáo Nguyễn Thị Lân (Phù Yên, Sơn La), người đã có gần chục năm gắn bó với các em học sinh ở những bản làng heo hút nhất của xã Túc Đán.
Đôi má ửng hồng vì cái lạnh buốt của miền sơn cước Tây Bắc, mái tóc buộc gọn, đôi mắt đen láy sáng bừng, cô giáo Lân kể về hành trình gắn bó với mảnh đất được coi là quê hương thứ hai của mình.
Năm 2007, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, cô giáo Lân đã không quản khó khăn, tình nguyện lên Túc Đán nhận công tác. Vào thời điểm ấy, khi nghe đến Yên Bái, nhiều người đã thấy xa xôi lắm rồi, chứ đừng nói đến cắm sâu tận trong bản.
Nhớ lại những ngày đầu đến với bản Háng Tàu, cô Lân bảo, từ đường tỉnh lộ đi vào bản tới gần 20 cây số, đoạn đường với nhiều dốc cao, khi nắng đất sỏi làm trượt bánh xe, khi mưa đường vừa lầy lội lại vừa phải khiêng xe hoặc quấn xích mới đi qua. Vì vậy, việc ngã xe là cơm bữa mỗi khi muốn vào điểm trường.
Tuổi trẻ, lần đầu xa nhà, những đêm cô quạnh nơi núi rừng Tây Bắc, không điện, không điện thoại liên lạc khiến cô sinh viên sư phạm mới ra trường không khỏi nhớ nhà, nhớ người thân. Những lúc đó, cô chỉ biết nhắm nghiền mắt rồi nghĩ: “Khó khăn rồi cũng qua cả thôi!”
“Lâu rồi thành quen, tôi bắt đầu hòa nhập cuộc sống nơi đây. Hàng ngày, tôi lấy việc dạy các em làm niềm vui và bầu bạn. Ở đây, nếu giáo viên không chịu được khổ, không yêu nghề thì khó mà bám trụ lâu dài,” cô Lân chia sẻ.
Ở Háng Tàu, nhiều gia đình chưa chú trọng đến sự học cho con em mình. Thời gian đầu, các em học sinh còn chưa ham học, để vận động các em đi học, cô phải thường xuyên trèo đèo, lội suối đến khuyên nhủ từng em, từng gia đình. Cô đã từng ở lại cùng ăn, cùng ở nhà của bà con dân bản, trưởng bản, phụ huynh học sinh, cùng với học trò lên rừng hái măng, bắt cá suối.
Cô Lân bảo, khi đến nhà vận động học sinh ra lớp thì có gia đình bố mẹ đồng ý nhưng trò nhìn thấy cô đến là chạy trốn. Nhiều gia đình thuyết phục mãi cũng không cho con đến trường vì họ quan niệm rằng, có học nhiều cũng chẳng để làm gì. Con gái thì đi lấy chồng cũng phải làm kinh tế... Có trường hợp, cô giáo thấy rõ học sinh đang chơi đùa ngoài đường, hỏi cha mẹ thì nhận được lý do: "Nó đau bụng đang ở nhà."
Giận học sinh là vậy nhưng thực lòng, cô Lân rất thương các em. Nhất là chuyện các em không có nhiều quần áo để mặc. Sau nhiều lần đi lại, thuyết phục, giờ học sinh bản Háng Tàu với 56 em đã tích cực ra lớp để biết mặt con chữ.
“Ở lớp, nhiều em đi học cả tháng chỉ có mỗi một bộ quần áo. Không như ở nơi khác các em có nhiều trang phục để thay đổi, học sinh ở đây dù trong lớp học, ở nhà hay đi rừng đều vẫn duy nhất mặc bộ quần áo đó. Quần áo thì chỉ mặc mỏng manh trong cái rét căm căm, cắt da cắt thịt," cô Lân xót xa.
“Cõng” chữ lên… lưng trời
Mới ra trường, cô Trần Thị Lên (quê Sơn La) đã được phân công về dạy học ở vùng biên giới hẻo lánh. Tuổi trẻ, những đêm cô quạnh giữa rừng sâu, không ánh điện khiến cô giáo trẻ không khỏi chạnh lòng nhớ gia đình, người yêu.
Đa số các giáo viên cắm bản của trường Háng Tàu là người Kinh, còn các em học sinh chủ yếu người Mông. Vì vậy, để dạy và truyền đạt kiến thức tốt cho các em, các cô phải tìm hiểu phong tục, tập quán của người bản địa, đặc biệt là phải hiểu tiếng Mông.
Chính những lần vượt đèo, lội suối đến các bản như vậy, từ một người không biết tiếng Mông, đến nay, cô Lên đã nói thông, viết thạo.
“Ngoài việc soạn giáo án để lên lớp, tụi em còn phải học tiếng Mông từ người dân hay từ chính các em học sinh. Nơi đây cách trở, các em không được giao lưu với thế giới bên ngoài nhiều nên nếu chỉ giảng dạy bằng tiếng Kinh thì nhiều lúc các em không hiểu. Học và biết tiếng Mông khiến mình cảm thấy gần gũi, thân thiết với bà con dân bản, với cuộc sống ở nơi đây nhiều hơn,” cô giáo Lên thổ lộ.
Đôi mắt trong veo nhưng có chút hoang dại của núi rừng Tây Bắc, lạ lẫm nhìn chúng tôi, em Thào Thị Tồng, học sinh trường Háng Tàu vận bộ quần áo người Mông sặc sỡ sắc màu. Trên cổ, quàng chiếc khăn quàng đỏ tươi thắm, Tồng trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Kinh rất thạo.
Tồng bảo, nhờ các thầy, các cô nên bố mẹ em cho em đi học. Em đã biết nói, biết đọc tiếng phổ thông tương đối thành thạo. Cũng nhờ chính các cô chịu khó học ghi chép, phiên dịch từ tiếng Kinh-Mông mà những người như Tồng và thế hệ học sinh Háng Tàu hiện nay đã có cuốn từ điển với những ngôn ngữ đời sống gần gũi, thân quen Kinh-Mông.
Khi được hỏi ước mơ của Tồng khi học xong làm gì, cô bé người Mông này dõng dạc, tự tin nói: “Muốn trở thành cô giáo để tiếp tục dạy con chữ đến thế hệ sau ở bản mình biết cái chữ, đời sống người Mông mới bớt vất vả, trồng lúa, trồng ngô cũng tốt tươi, năng suất hơn.”
Rời Háng Tàu, chúng tôi lại đi tiếp những con đường “vắt núi” dẫn lên một số điểm trường nằm chót vót ở các bản Tả Chử, Tống Trông, Làng Linh, Pá Khoang … khiến tôi hơn một lần lạnh gáy vì sự cheo leo, chênh vênh và sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.
Ngay giữa lưng đèo, từng tốp học sinh người Mông thoăn thoát đi dưới màn sương trắng xế chiều, len lỏi trong những làn khói bếp đặc quánh như đang chực đổ xuống nóc các ngôi nhà. Văng vẳng bên tai tôi là tiếng hát trong trẻo, mộc mạc vút lên từ các bé trai, bé gái người Mông: “Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây. Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay…"./.
VIỆT HÙNG (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/chuyen-giao-vien-gieo-chu-lung-troi-san-hoc-sinh/307420.vnp