Văn hóa được xem là một vũ khí vô cùng mạnh mẽ để khẳng định và tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc. (Ảnh: Vietnamnet)
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam là người có hơn 20 năm nghiên cứu về chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Miệt mài đi, viết và nghiên cứu, cùng với thời gian, kho tư liệu lịch sử, văn hóa biển đảo của ông ngày càng dày lên và ngày càng vô giá. Trong chuyến khảo sát tại Trường Sa năm 2015 đã giúp ông có thêm những bằng chứng pháp lý, những lập luận thuyết phục về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trong đó, văn hóa dân tộc được xem là một vũ khí vô cùng mạnh mẽ để khẳng định và tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, là người có nhiều năm nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa, Giáo sư có thể cho biết chuyến đi Trường Sa vừa rồi giúp ông như thế nào trong việc củng cố thêm tư liệu hay quan điểm về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo này ?
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc: Vâng! Tôi thì gắn bó với việc nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam Hoàng Sa và Trường Sa hơn 20 năm nay. Phải nói tất cả những tư liệu, thông tin trước đây tôi đọc, tôi liên tưởng, suy đoán thì bây giờ ra Trường Sa tôi đã nhìn thấy thực tế. Đối với nhà nghiên cứu, cái đấy quan trọng số 1.
Khi nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, theo dõi thăm dò và khai quật khảo cổ học trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tôi chỉ đọc các tư liệu thôi. Nhưng lần này ra được Trường Sa, tôi có thể xác định được dấu tích của người Sa Huỳnh cổ và người Chăm cổ đã tiến ra khai phá khu vực này từ mấy nghìn năm trước rồi. Rõ ràng nhất là các dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh cách đây 3000 năm và ở đấy người ra phát hiện ra hiện vật hết sức đặc trưng là khuyên tai hai đầu thú. Mà nói đến khuyên tai hai đầu thú thì ai cũng có thể nghĩ đến đấy là văn hóa Sa Huỳnh và chủ nhân của nó là Sa Huỳnh Việt Nam.
PV: Theo Giáo sư thì những ngôi chùa và tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên các đảo ở Trường Sa nói lên điều gì?
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc: Ở Việt Nam thì chùa đã đi vào đời sống văn hoá, đời sống tinh thần, đời sống tâm linh rất sâu sắc. Ở quần đảo Trường Sa, những ngôi chùa đó hết sức có ý nghĩa. Cái đó rõ ràng là khẳng định truyền thống văn hoá tâm linh tín ngưỡng của người Việt Nam chúng ta.
Trước đây trong sử sách ghi chép rất là rõ. Ví dụ thời kỳ Vua Minh Mệnh chẳng hạn, đã cho người ra đưa nguyên vật liệu ra Hoàng Sa xây chùa, xây đền, miếu như thế nào. Chúng ta xây dựng các chùa là tiếp nối truyền thống của tổ tiên chúng ta, không khác gì xây dựng bia chủ quyền ở trên biển, và tượng đài Trần Hưng Đạo, tôi cho là đã để lại ấn tượng rất sâu sắc.
Khi lên đảo Song Tử Tây, Nam Yết, đứng dưới tượng đài Trần Hưng Đạo uy nghi, sừng sững như vậy, mình nghĩ ngay đến đại thắng Bạch Đằng năm 1288, nghĩ ngay đến tổng kết của Trần Hưng Đạo là chân lý muôn thuở: “khoan thư sức dân, là kế sâu rễ bền gốc, là thượng sách để giữ nước”. Đấy là nguồn động viên lớn lao đối với cả dân tộc Việt Nam chúng ta.
PV: Vâng! Thưa Giáo sư, tháng 1năm 2016, Tổng liên đoàn Việt Nam khởi công xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Theo ông, đây có phải cũng là cách để khẳng định chủ quyền quốc gia của chúng ta không?
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc: Trong lịch sử, Lý Sơn là bàn đạp quan trọng nhất để từ đó chúng ta đi ra Hoàng Sa, Trường Sa. Vì vậy, xây dựng tượng đài ở đây hết sức có ý nghĩa, chúng ta khẳng định trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam và cả thế giới rằng là công cuộc khai phá đất đai, xác lập và thực thi chủ quyền của chúng ta có cội nguồn lịch sử xa xôi, có truyền thống lâu dài trong lịch sử và chúng ta mãi mãi thực hiện theo đúng những điều tổ tiên đã làm.
PV: Thưa Giáo sư, cũng có ý kiến cho rằng chúng ta nên xây dựng tượng đài Những người giữ biển trên các đảo ở Trường Sa, lấy cảm hứng từ hình tượng những dân binh từng đi làm nhiệm vụ quản lý và thực thi chủ quyền trên biển ngày xưa. Quan điểm của ông thì thế nào?
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc: Khi nói về đội Hoàng Sa để làm những việc như bảo vệ, thực thi chủ quyền ngoài biển thì nhiều người ta thấy lạ lắm, người ta không tin. Nhưng khi ra ngoài Trường Sa, chúng ta mới thấy rằng: chắc chắn họ ra được, họ sống bình thường được. Cho nên nếu xây dựng được hình tượng những ngư dân, dân binh ra làm chủ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thì đó là biểu tượng tuyệt vời, khẳng định quá trình khai phá đất đai, xác lập và thực thi chủ quyền của chúng ta là sự thực, nhưng sự thực đó trở thành huyền thoại. Bây giờ nếu xây dựng được những hình ảnh như thế thì quá đẹp.
PV: Như vậy, giá trị tâm linh, giá trị văn hóa cũng là một sức mạnh của dân tộc trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình, đúng không? Thưa giáo sư?
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc: Mặc nhiên là như vậy. Bởi vì cái quan trọng nhất để đấu tranh, giữ vững toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ chính là phải giữ được bản sắc văn hóa. Tôi cho rằng cái đó mới là bia chủ quyền quan trọng nhất - cái bia trong tâm khảm của mỗi con người. Văn hóa dân tộc là một vũ khí mạnh, thậm chí là vũ khí cực mạnh để khẳng định và tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, lãnh thổ.
PV: Vâng, xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Vân Thiêng/VOV.VN - Trung tâm Tin