Cập nhật: 23/05/2016 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau mười ngày hành quân qua các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong Hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” năm 2016, lá Đại Kỳ của công trình “Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai khởi xướng đã hoàn thành nhiệm vụ nối liền chủ quyền thiêng liêng từ nơi biên giới đến miền hải đảo của Tổ quốc.

Lá cờ Lũng Pô cùng hành trình ra Trường Sa như một hình ảnh tượng trưng,

liên kết giữa những địa danh đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ở xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, có một địa danh nơi con sông Hồng bắt đầu hòa mình vào đất Việt: Đỉnh Lũng Pô. Hành trình từ trung tâm TP Lào Cai đến Lũng Pô kéo dài hơn 70km, đi qua dòng suối Mường Vi len lỏi trong những khe đá sâu hun hút, vượt nhiều cung đường quanh co, dốc đứng chênh vênh. Tới cột mốc số 92, nhìn xuống dưới là bãi bồi đánh dấu nơi con suối Lũng Pô từ chân núi A Mú Sung nhập chung với sông Hồng, tạo thành hai dòng trong đục.

Nhằm kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn Lào Cai đã lên ý tưởng, phát động và khởi công công trình “Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” vào đúng ngày 26-3 vừa qua. Công trình được xây dựng ngay tại bãi bồi dưới chân cột mốc 92, gần Trạm Biên phòng Lũng Pô.

Công trình Cột cờ Lũng Pô có nhiều thông số mang ý nghĩa đặc biệt. Phần thân cột cao 31,43m, tượng trưng cho chiều cao 3.143m của đỉnh Phan Xi Păng; lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột cờ có diện tích 25m2, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em đang sinh sống trên toàn tỉnh Lào Cai. Tổng mức đầu tư giai đoạn một của công trình là 12 tỷ đồng. Trong đó, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đóng góp hai tỷ đồng và Tỉnh đoàn Lào Cai vận động từ các nguồn lực xã hội 10 tỷ đồng.

Lũng Pô là địa danh thiêng liêng của Tổ quốc. Cho dù không phải điểm địa đầu cực bắc như Lũng Cú của tỉnh Hà Giang, nhưng Lũng Pô đã chứng kiến nhiều thăng trầm và đổi thay, trong đó có cả những chứng tích lịch sử không thể chối cãi. Chính vì thế, tuổi trẻ Lào Cai đã ấp ủ hoài bão: Lá cờ Lũng Pô được đưa ra Trường Sa như một hình ảnh tượng trưng, liên kết giữa những địa danh đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“Mọi con sông đều đổ ra biển lớn. Nếu Lũng Pô là nơi sông Hồng bắt đầu đổ vào lãnh thổ Việt Nam, thì Trường Sa cột mốc ghi dấu chủ quyền Việt Nam trên biển. Chúng tôi đưa lá đại kỳ Lũng Pô tới Trường Sa để xin dấu mộc, chữ ký của đại diện quân dân tất cả các điểm đảo, Nhà giàn DK1… để gửi tới thanh niên cả nước nói chung và các bạn trẻ tại Lào Cai nói riêng lời kêu gọi đoàn kết, chung tay bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền thiêng liêng của dân tộc ở đất liền cũng như hải đảo”, đồng chí Giàng Quốc Hưng, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai cho hay.

Dự án vô cùng ý nghĩa này là một trong những hoạt động mũi nhọn của Tỉnh đoàn Lào Cai trong công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo cho thanh niên trên địa bàn tỉnh. Công tác này đang ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng, bởi Lào Cai là tỉnh có đường biên giới kéo dài, các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ với PV Báo Nhân Dân, đồng chí Giàng Quốc Hưng cho biết, Lễ thượng cờ tại Cột cờ Lũng Pô sẽ diễn ra trước ngày 1-10-2016, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập tỉnh Lào Cai.

“Tôi tin rằng, những dấu ấn trên lá đại kỳ Lũng Pô sẽ khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, niềm tự hào dân tộc trong mỗi thanh niên Việt Nam. Đồng thời, thể hiện sự đoàn kết, tinh thần đồng lòng sẻ chia của tuổi trẻ Lào Cai đối với miền hải đảo của Tổ quốc. Chúng tôi ngày đêm góp sức cùng các chiến sĩ biên phòng bảo vệ biên giới trên đất liền, nhưng vẫn luôn hướng về biển đảo, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần”, thủ lĩnh thanh niên tỉnh Lào Cai khẳng định.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm