Cập nhật: 08/07/2016 08:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở người cao tuổi, tình trạng run tay hoặc lắc lư đầu là chuyện bình thường. Nhưng nhiều khi run xuất hiện là triệu chứng chỉ điểm của một rối loạn vận động gọi là run vô căn. Ai cũng có bố mẹ già và một ngày nào đó có thể gặp căn bệnh này. Vì vậy, hiểu biết về bệnh để thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ người thân là điều cần cho mỗi chúng ta.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Đột biến gen và cao tuổi dễ bị run vô căn

Khoảng 50% trường hợp run vô căn xảy ra do đột biến gen. Các nhà nghiên cứu đã xác định được 2 gen ETM1 và ETM2 có liên quan đến bệnh. Nhiều nghiên cứu sử dụng một kỹ thuật hình ảnh gọi là chụp cắt lớp phát positron (PET) cho thấy một số phần của não gồm đồi thị là nơi tiếp nhận tín hiệu đau và các tín hiệu cảm giác khác tăng hoạt động ở người bị run vô căn. Nhiều bệnh nhân thấy rằng họ bắt đầu bị run sau một tác động của stress như tai nạn hoặc cái chết của người thân. Tuy stress chưa hẳn là nguyên nhân gây run vô căn, song nó có thể khiến cho bệnh nặng hơn.

Nếu run vô căn xảy ra ở nhiều người trong cùng một gia đình, nó thường được coi là run có tính chất gia đình. Một yếu tố nguy cơ thường gặp nhất là tuổi: run vô căn thường xuất hiện khi về già.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

 Mặc dù run vô căn có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, nhưng hay xuất hiện ở bàn tay, nhất là khi bệnh nhân cố làm những việc đơn giản như uống nước, viết chữ hoặc cạo râu. Có người bị run ở đầu, ở cánh tay hay là run giọng nói. Đối với một số người, run vô căn chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt nhưng không gây tàn phế. Một số người khác có thể thấy khó làm việc.

Run nặng có thể khiến người bệnh sống khép kín và cô lập với xã hội. Run vô căn thường bắt đầu từ từ: số ít trường hợp bệnh xảy ra ở tuổi vị thành niên, sau đó thuyên giảm nhưng sẽ xuất hiện trở lại khi về già. Thể bệnh hay gặp hơn là các triệu chứng xuất hiện ở tuổi từ trung niên đến già.

 

Run vô căn khiến bệnh nhân khó viết, vẽ.

Triệu chứng hay gặp nhất là cử động bàn tay bị run, cùng lúc cánh tay, đầu, lưỡi và thanh quản cũng bị ảnh hưởng. Thường thấy bệnh nhân bị run ở cả 2 tay, nhưng có một số bệnh nhân chỉ bị run 1 tay. Run thường xảy ra trong cử động tự ý như: uống nước, viết chữ hoặc xâu kim. Khi bệnh nhân bị mệt mỏi, lo âu, quá nóng hay quá lạnh làm các triệu chứng nặng hơn, nhưng run thường hết khi bệnh nhân ngủ hoặc nghỉ ngơi.

Bệnh diễn tiến khác nhau ở mỗi người: một số người có các triệu chứng khá nhẹ suốt đời, trong khi có bệnh nhân lại bị run nhiều hơn và tăng tàn phế theo thời gian. Run nặng biểu hiện là: khó cầm tách hoặc cốc mà không đánh đổ nước ra ngoài. Khó trang điểm ở nữ và khó cạo râu ở nam. Viết khó, chữ viết có thể to dần, nghiêng ngả khó đọc. Mất khả năng thực hiện những việc làm đòi hỏi kỹ năng vận động khéo léo như đánh đàn hoặc vẽ.

Phân biệt bệnh run vô căn và Parkinson

Run vô căn và bệnh Parkinson không liên quan với nhau, hai bệnh khác nhau ở 3 điểm cơ bản: thứ nhất, run vô căn ở bàn tay điển hình xảy ra khi bàn tay phải làm việc, còn run do Parkinson rõ rệt nhất khi bàn tay buông thõng hoặc khi đặt tay trên lòng.

Thứ hai, run vô căn không gây các vấn đề sức khỏe, trong khi bệnh Parkinson thường đi kèm với tư thế gù, giảm chuyển động vung tay khi đi bộ, chi cứng, cử động chậm, các vấn đề về giọng nói, giảm trí nhớ. Thứ ba, run vô căn có thể bao gồm cả tay, đầu và giọng nói còn run do Parkinson điển hình chỉ ảnh hưởng đến tay mà không ảnh hưởng đến đầu hoặc giọng nói.

 

Sơ đồ tăng hoạt động dẫn truyền thần kinh ở bệnh nhân run vô căn.

Chăm sóc người run vô căn 

Hầu hết người bị run vô căn không cần điều trị gì ngoài việc chăm sóc động viên của người thân và của bản thân người bệnh. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân cần có sự hỗ trợ của thuốc và các thủ thuật y khoa. Các thuốc làm giảm run cho khoảng 40-60% số bệnh nhân có thể dùng là: thuốc chẹn beta như propranolol nhưng phải đề phòng các tác dụng phụ như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và liệt dương.

Thuốc không dùng cho người bị hen, tiểu đường và một số bệnh tim. Thuốc chẹn beta có thể gây lú lẫn và giảm trí nhớ ở người già nên loại thuốc này là lựa chọn tốt hơn đối với người trẻ bị run. Thuốc chống động kinh như primdon có hiệu quả ở những người không đáp ứng với thuốc chẹn beta. Thuốc an thần như diazepam, mimoza... dùng để điều trị những người bị run tăng lên khi căng thẳng và lo âu. Có khi cần phẫu thuật để điều trị những người bị run gây tàn phế và không đáp ứng với thuốc.

Việc thay đổi lối sống, nên tránh các trạng thái gây stress và các chất kích thích như cà phê, nước chè, thuốc lá, thuốc lào. Chất caffein trong cà phê và nước chè có thể làm cơ thể sản sinh nhiều adrenalin khiến run nặng hơn. Bệnh nhân có thể cải thiện chứng run khi thực hiện những bài tập do bác sĩ hướng dẫn như: dùng quả tạ từ 0,5-1kg buộc vào cổ tay hoặc nắm trong tay tập luyện hàng ngày. Bệnh nhân nên  tham gia một nhóm hỗ trợ dành cho những người bị bệnh để được chia sẻ, giúp đỡ động viên lẫn nhau.

   ThS. Nguyễn Hoàng Lan

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm