Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez gọi việc Mỹ bỏ phiếu trắng là một bước tích cực hướng tới tương lai cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. (Ảnh: BBC)
Ngày 26/10, Mỹ đã lần đầu tiên trong vòng 24 năm bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp quốc đối với nghị quyết kêu gọi kết thúc cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba. Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua nghị quyết với 191 phiếu ủng hộ.
Mỹ và Israel, trước đó luôn phản đối nghị quyết, là hai nước bỏ phiếu trắng. Mặc dù các nghị quyết như vậy không có tính ràng buộc tuy nhiên văn bản này cũng có giá trị về mặt chính trị. Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã hoan nghênh khi Đại sứ Mỹ tại LHQ bà Samantha Power thông báo trước cuộc bỏ phiếu rằng Mỹ sẽ bỏ phiếu trắng.
Bà Power nói Mỹ bỏ phiếu trắng bởi cách tiếp cận mới của Tổng thống Obama đối với Cuba tuy nhiên Mỹ phản đối các tuyên bố trong nghị quyết cho rằng lệnh cấm vận vi phạm luật pháp quốc tế. Bà Power cũng nhấn mạnh việc bỏ phiếu trắng không có nghĩa Mỹ đồng ý với tất cả các chính sách và hoạt động của chính phủ Cuba.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez đã gọi việc Mỹ bỏ phiếu trắng là một bước tích cực hướng tới tương lai cải thiện quan hệ giữa hai nước. Ông cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là chìa khóa tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ và mang lại ý nghĩa, chiều sâu đối với những gì đã đạt được trong thời gian qua.
Kể từ khi Cuba và Mỹ bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ năm 2014, Tổng thống Barack Obama đã tiến hành các bước nới lỏng hạn chế về thương mại và đi lại đối với Cuba. Trong vòng hai năm qua, hai nước đã mở lại sứ quán, nối lại các chuyến bay thương mại và hạn chế đi lại được nới lỏng.
Mới gần đây, Mỹ đã dỡ bỏ việc cấm hành khách mang xì gà và rượu rum Cuba vào Mỹ tuy nhiên việc xuất khẩu các sản phẩm này sang Mỹ vẫn được coi là bất hợp pháp. Tháng 3 năm 2016, Tổng thống Obama có chuyến thăm lịch sử sang Cuba, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba chỉ hoàn toàn được dỡ bỏ khi được thông qua tại Quốc hội Mỹ. Quốc hội Mỹ trước đó đã phản đối kêu gọi của Tổng thống Obama dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Cuba trong vòng 56 năm qua./.
Theo Phạm Huân/VOV.VN