Các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Stanford của Mỹ vừa công bố phương pháp sử dụng bản đồ cây che phủ cùng các khảo sát trên thực địa để đo lường hiệu quả sự đa dạng sinh học tại những khu vực nhiệt đới mà giới khoa học vốn phải mất nhiều thời gian nghiên cứu để có kết luận chính xác.
Khu vực nông nghiệp nhiệt đới nhiều núi đồi ở Costa Rica. (Nguồn: stanford.edu)
Trong hàng loạt buổi khảo sát thực địa kéo dài 3-6 tháng diễn ra suốt 10 năm qua, một nhóm gồm 15 nhà nghiên cứu đã cuốc bộ đến các khu vực nông nghiệp nhiệt đới nhiều núi đồi tại Coto Brus, một địa danh ở Costa Rica, và tiến hành tổng cộng 67.737 cuộc khảo sát đối với 908 loài, bao gồm các cây tầng thấp, các loài động vật có vú dướt mặt đất, các loài dơi, chim, bò sát và lưỡng cư.
Sau khi vẽ sơ đồ quan sát chi tiết các loài cây cối và động vật từ các bức ảnh chụp trên cao của công cụ Google Earth, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích kết quả và nhận thấy đối với mỗi 4 trong 6 loài, cụ thể gồm thực vật, động vật có vú không biết bay, dơi và chim, đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng các loài tỷ lệ thuận với độ che phủ cây có thể nhìn thấy trên bản đồ.
Theo đó, phương pháp mới dự đoán sự đa dạng sinh học tại khu vực trong vòng bán kính 30-70m và biểu thị mức độ thay đổi số lượng và sự phân loại của các loài.
Phân tích cho thấy nếu thêm một cái cây duy nhất trên đồng cỏ có thể làm gia tăng số lượng các loài chim từ mức gần như bằng 0 lên 80. Nếu tiếp tục trồng thêm các cây mới tại đây, số lượng các loài mới cũng dần dần tăng lên.
Khi mức độ cây che phủ đạt 100%, các loài đông vật có nguy cơ tuyệt chủng như linh miêu hay các loài chim rừng quý hiếm khác bắt đầu xuất hiện.
Trao đổi với báo giới, nhà nghiên cứu Chase D.Mendenhall - tác giả chính của nghiên cứu trên - nhận định: "Mọi loài động vật đều nhất trí rằng cây cối có ý nghĩa vô cùng quan trọng."
Ông Mendenhall cho biết đã cùng với các cộng sự tiến hành so sánh kết quả của 90 nghiên cứu trước đó trên khắp khu vực Mỹ Latinh và nhận thấy rằng có mối quan hệ tương tự giữa sự đa dạng sinh học và mức độ cây che phủ.
Với phương pháp mới này, các nhà khoa học hy vọng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực bảo vệ sự đa dạng sinh học và các loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng thông qua các biện pháp ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và tái sinh rừng tại các khu vực ẩm ướt của thế giới - nơi có tính đa dạng sinh học cao./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/phuong-phap-dung-ban-do-cay-che-phu-do-luong-su-da-dang-sinh-hoc/413224.vnp