Làng hoa Nhật Tân, làng quất Quảng Bá hay làng bánh chưng Tranh Khúc... là những làng nghề mang đậm chất Tết, gắn liền với cuộc sống người Hà Nội.
1. Làng bánh chưng Tranh Khúc
Mỗi dịp cuối năm, khi làng bánh chưng Tranh Khúc ở huyện Thanh Trì, Hà Nội tất bật với những lá dong, những đỗ, những nếp cũng tức là lúc Tết sắp về bên ngưỡng cửa mỗi gia đình. Nếu đến thăm làng vào thời gian này thì cảnh tượng dễ gặp nhất là những nồi bánh sôi trên bếp lửa bập bùng, tỏa ra một mùi thơm phức.
Bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng vởi hương vị thơm ngon đặc trưng, bánh dền, nếp dẻo đỗ bùi kết hợp vị ngậy của thịt và mùi thơm của lá dong. Vì là làng nghề nên cứ mỗi khi Tết về, cả làng lại chộn rộn, ai cũng luôn tay luôn chân, người lớn thì gói bánh, trông bánh còn trẻ con thì phụ giúp gia đình rửa lá, lau lá. Từ đây những chiếc bánh chưng vuông vắn ra đời và được mang đi tiêu thụ rộng rãi trên thị trường phía Bắc.
Nguyên liệu của bánh chưng Tranh Khúc không có gì đặc biệt, vẫn là gạo, đỗ, thịt... Tuy nhiên, điều khiến bánh của làng ngon nổi tiếng là nhờ sự kỹ lưỡng trong chọn lọc từng nắm đỗ, từng miếng thịt. Gạo nếp cái hoa vàng dẻo thơm, kết hợp với đỗ xanh ngọt ngậy và thịt nửa nạc nửa mỡ khiến bánh chưng vừa đậm đà, vừa không ngấy.
2. Làng đào Nhật Tân
Chẳng phải ngẫu nhiên người ta chọn hoa đào là loài hoa biểu tượng của cái Tết miền Bắc mà cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà làng đào Nhật Tật lại được nhắc tên mỗi dịp Tết về. Sở dĩ đào Nhật Tân nổi tiếng vì ở đây cho ra đời những cây bích đào có bông đỏ thắm, nụ to, cánh dày vô cùng đẹp mắt.
Ảnh: Nam Chấy
Nằm ở quận Tây Hồ, làng đào Nhật Tân là một trong những vựa hoa nổi tiếng và lớn nhất miền Bắc và là cái tên được nhắc đến nhiều nhất mỗi độ Tết về. Cứ gần tết là các vườn đào trong làng lại tấp nập khách đến xem hoa, chọn hoa và nhiều người con mặc áo dài đến để chụp ảnh.
Ảnh: Nam Chấy
Đào Nhật Tân dưới bàn tay khéo léo của người dân đã được tạo đủ thế, đáp ứng nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Ở đây cho ra đời từ những cành đào giá bình dân cho đến những gốc đào cổ có giá cả trăm triệu đồng.
Ảnh: Nam Chấy
3. Làng quất Quảng Bá
Là hàng xóm với làng đào Nhật Tân, làng quất Quảng Bá cũng nhộn nhịp không kém mỗi dịp tết về. Dạo một vòng qua làng quất Quảng Bá ngày sát Tết, bạn như như ngập chìm trong một màu vàng tươi đẹp mắt của những vườn quất đã đến kỳ thu hoạch.
Ảnh: Zing
Nhờ đất đai màu mỡ, nên những cây quất Quảng Bá quả trĩu cành, vàng tươi, vỏ căng bóng, cành lá xum xuê. Những cây quất được người dân cắt tỉa tạo thành nhiều dáng quất, thế quất phong phú, đáp ứng được nhu cầu chơi tết đa dạng của người dân. Mỗi dịp gần Tết là người dân lại đổ xô về tận vườn để tận mắt ngắm và tự tay chọn những cây quất ưng ý.
Ảnh: Huyền Nguyễn
4. Làng hương Yên Phụ
Tết về không chỉ qua những bông qua đào những món ăn ngon mà Tết còn về khi ta ngửi thấy mùi hương thơm ấm áp. Làng hương Yên Phụ quận Tây Hồ, Hà Nội là một trong những làng nghề làm lâu đời, theo lời các cụ già trong làng kể lại thì tương truyền nghề này có từ thế kỉ 13 và phát triển cho đến nay.
Ảnh: vietnamtourism
Do việc làm hương vất vả, để làm ra một que hương phải trải qua biết bao công đoạn nên có thời gian, làng nghê mai một, nhiều hộ bỏ nghề chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác, nhưng rồi cái chất nghề ngấm vào máu nên nó được khôi phục lại và phát triền đến ngày nay.
Ảnh: vietnamtourism
Những tháng giáp Tết, đi trên đê Yên Phụ, nhìn xuống thấy những cánh đồng hương trải dài thật thích mắt. Những bó hương sau khi được đóng gói sẽ được chuyển đi đến các chợ, cửa hàng để phục vụ cho người dân thắp dịp Tết.
5. Làng miến Cự Đà
Tết đến xuân về, bên cạnh những bánh chưng, bánh tét, giò chả thịt mỡ dưa hành thì trên mâm cỗ truyền thống không thể vắng mặt bát canh miến. Canh miến ngon phần nhiều là nhờ sợi miến ngon, nấu lên phải không bị bở, ăn sợi miến phải cảm nhận được vị giòn, dai.
Ở miền Bắc, có một làng miến nổi tiếng chuyên cung cấp loại miến ngon đúng chuẩn như thế, đó là làng miến Cự Đà ở huyện Thanh Oai, nằm cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 20 km về phía Tây. Đây là một trong những làng nghề sản xuất miến lớn nhất và lâu đời nhất tại miền Bắc
Ảnh: An Thành Đạt/ Dân Việt
Đặc điểm của miến Cự Đà là sợi nhỏ đều, bó miến có màu vàng óng hoặc trắng tinh. Được làm từ bột dong nên miến ăn giòn, dai ngon, vừa miệng, đặc biệt không bị nát nếu chị em có lỡ tay nấu hơi quá lửa.
Ảnh: An Thành Đạt/ Dân Việt
Để những bó miến vàng óng ả cung cấp cho thị trường vào dịp Tết thì từ đầu thu, khi cái nắng vẫn còn rát thì khắp làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng thấy những phên miến được phơi. Từ đây những bó miến thành phẩm theo theo những xe hàng chở tỏa đi khắp các chợ lớn, chợ nhỏ của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đất nước.
6. Làng bưởi Phú Diễn
Trong mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc không thể thiếu màu vàng của bưởi, và loại quả được ưa dùng nhất ở Hà Nội chính là bưởi Diễn. So với các giống ở nhiều nơi khác, bưởi được trồng ở Phú Diễn, có màu vàng tươi, hương thơm đặc trưng, múi mọng nước, ngọt dịu. Nhiều khách hàng kỹ tính còn cất công xuống tận đất Diễn để mua được loại bưởi chính gốc về cúng tổ tiên.
Đặc điểm của bưởi Diễn là vỏ quả vàng ươm, căng bóng, hương bưởi thơm dịu mát khắp không gian, với tép bưởi ráo giòn, ngọt thanh. Thêm vào đó bưởi Diễn có thể để được rất lâu. Chỉ cần bôi chút vôi vào cuống rồi bảo quản nơi khô ráo thoáng mát là có thể được 3-6 tháng mà múi bên trong vẫn mọng nước và tươi ngon.
Bởi hương vị ngon lại để được lâu nên bưởi Diễn rất được săn đón, tuy vậy cũng không dễ để mua được loại đặc sản này. Phần bởi diện tích trồng bưởi ở Diễn ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa, những gốc bưởi Diễn lâu năm theo vào đó cũng bị giảm dần. Chính bởi thế, mỗi dịp Tết đến xuân về, mỗi trái bưởi Diễn gốc có giá lên tới cả 100.000 đồng nhưng vẫn không có để mua.
ST