Người dân mua sắm Tết tại siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: NGỌC MAI
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, thời điểm này, thị trường tiêu dùng hàng hóa đang nhộn nhịp nhất trong năm, số lượng tăng cao, phong phú về chủng loại, hình thức đẹp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Hàng hóa đa dạng
Về làng nghề sản xuất bánh mứt kẹo truyền thống Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) những ngày giáp Tết, mùi mứt bí, mứt dừa, gừng thơm lừng khắp không gian làng quê. Tết Nguyên đán đang tới gần, không khí lao động tại làng nghề này đang tất bật để gấp rút sản xuất những mẻ mứt cuối cùng phục vụ thị trường Tết. Ghé vào xưởng sản xuất mứt Phong Lan, chúng tôi thấy, hàng chục lao động thoăn thoắt đóng gói các loại mứt sấy khô như bí, dừa, gừng, cà-rốt,… để kịp giao hàng cho khách. Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng, chị Nguyễn Thanh Lan, chủ cơ sở sản xuất chia sẻ, mỗi loại mứt đều có bí quyết làm khác nhau, nhưng quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu phải sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ tháng 10 âm lịch trở đi, cơ sở bắt đầu nhận đơn đặt hàng Tết với số lượng gấp hai đến ba lần so với thông thường, trung bình cả vụ Tết sản xuất từ 20 đến 30 tấn mứt các loại.
Thị trường từ nông thôn đến thành thị vào thời điểm này, lượng hàng hóa bày bán tại các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, chợ truyền thống đã tăng đáng kể về số lượng, chủng loại, nhất là các mặt hàng thiết yếu như hàng tiêu dùng, bánh kẹo, mứt, lương thực, thực phẩm, nông sản,... Tại Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), các sản phẩm như bánh kẹo, lạp xường, mứt, rượu bia, thịt bò khô, dưa hành muối, bắp cải, hàng thời trang,… đang là những sản phẩm phục vụ Tết bán khá chạy, xếp ngồn ngộn trên các kệ hàng. Chị Bích Hường trú tại Khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) mua thực phẩm Tết tại Siêu thị Big C đánh giá, năm nay giá các mặt hàng Tết khá ổn định. Cùng với đó, người tiêu dùng (NTD) cũng có nhiều sự lựa chọn với hàng trăm giỏ quà Tết có giá cả từ bình dân đến cao cấp, với mức giá từ 500 nghìn đồng đến hơn 1,5 triệu đồng/giỏ.
Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn các sản phẩm trong giỏ quà Tết là bánh kẹo, cà-phê, trà, đồ khô và rượu của các thương hiệu uy tín trong nước và nước ngoài, tùy theo mức giá giỏ quà, mỗi giỏ sẽ có số lượng các món đồ và chất lượng khác nhau. Bia cũng là sản phẩm được NTD chọn mua khá nhiều với đa dạng chủng loại và giá tiền, dao động từ 270 nghìn đồng/thùng đến 450 nghìn đồng/thùng,… Chị Mỹ Hà, nhân viên quầy đồ uống tại Siêu thị Big C Thăng Long cho biết: “Mấy hôm nay, khách hàng đến mua sắm tại siêu thị ngày càng nhiều, nhân viên thu ngân phải làm việc hết công suất mới có thể đáp ứng được nhu cầu của NTD”. Nắm bắt tâm lý của người dân, việc chuẩn bị hàng Tết của các đơn vị, DN, chủ hộ kinh doanh cũng có những thay đổi nhất định để thích ứng với thị trường, nhất là những năm gần đây, tình hình mua sắm trong dịp Tết giữ ổn định, không có biến động đột xuất về giá cũng như chủng loại sản phẩm. NTD đang dần thay đổi thói quen, không tích trữ nhiều sản phẩm hàng hóa để dùng dần như trước. Việc mua sắm Tết cũng chừng mực hơn, NTD đang hướng đến lựa chọn sản phẩm có chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã đẹp và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Năm nay, Công ty cổ phần Bánh kẹo Bibica đã đưa ra thị trường Tết 1.800 tấn bánh kẹo các loại ở nhiều phân khúc, giá dao động từ 30 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/hộp hoặc gói, tăng khoảng 3% đến 5%. Tương tự, Công ty Bánh kẹo Tràng An đã sản xuất, dự trữ hàng hóa ngay từ tháng 10-2016 với lượng hàng tung ra thị trường hơn 2.500 tấn bánh kẹo (tăng 13%) gồm nhiều loại sản phẩm như 13 sản phẩm kẹo đóng hộp nhựa; năm sản phẩm kẹo đóng hộp thiếc; 15 sản phẩm bánh đóng hộp duplex,... Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, thị trường Tết năm nay có nguồn hàng phong phú, chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, theo quy luật, càng sát những ngày Tết, thị trường hàng hóa không loại trừ khả năng sẽ có nhiều biến động nhẹ do sức mua tăng mạnh. Vì vậy, các DN thương mại phải chủ động tích trữ đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu có nhu cầu tăng mạnh từ ngày 28 Tết,… để không xảy ra tình trạng khan hàng. Mặt khác, các siêu thị cũng nên cam kết sẽ phục vụ NTD đến tối 30 Tết và mở cửa sớm vào mồng 2 Tết, nhằm hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây tình trạng tăng giá ảo.
Hoa, cây cảnh Tết mất mùa
Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, thế nhưng do thời tiết năm nay bất thường khiến người trồng quất Tứ Liên cũng như đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) từ mấy tháng trước đã xác định một mùa quất, đào không có lãi. Những nông dân ở đây cho biết, mùa đông vừa qua, có nhiều ngày nóng, ẩm, ít mưa nên các loại cây phát triển cũng không đều. Theo một số chủ nhà vườn, điều này sẽ khiến giá một số loại hoa, cây cảnh tăng khoảng 15% đến 30% so năm trước. Trên những ruộng quất Tứ Liên vàng óng mầu quả chín, chúng tôi vẫn thấy nhiều cây quất hỏng, lá héo rũ bị chặt bỏ chất thành từng đống. Đang miệt mài chăm sóc mảnh vườn gần 100 cây quất của mình, ông Mạnh Hùng, chủ vườn quất Hùng Liên ở phường Tứ Liên cho biết: “Mặc dù đã chăm sóc rất kỹ, nhưng vườn quất của tôi cũng mất ít nhất một phần ba số cây dự định sẽ bán trong dịp Tết. Mùa đông năm nay hanh, nóng và được coi là khắc nghiệt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây đối với người nông dân trồng quất, nhiều cây đã ra quả và hoa gần hết buộc phải bứng gốc bán đổ bán tháo ra chợ với giá chưa bằng một nửa so năm ngoái, thậm chí rẻ hơn cũng phải bán. May sao đợt gió mùa vừa rồi có mưa ẩm đã giúp chúng tôi cứu được số quất còn lại, nếu không thì mất trắng”.
Trong khi “thủ phủ” của đào, quất Hà Nội trong cảnh đìu hiu thì dân trồng hoa ly ở phường Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng chẳng khá hơn. Càng gần Tết, ruột gan những người nông dân trồng hoa càng nóng như lửa đốt, bởi hoa đang nở rộ trước Tết hàng chục ngày do thời tiết trước đó nắng nóng và khô hanh. Đây là năm thứ hai, làng hoa Tây Tựu mất mùa hoa ly dịp Tết. Nhằm vớt vát được phần nào thu nhập, người dân ở đây phải áp dụng các phương pháp để “hãm”, không cho hoa nở sớm như hạn chế tưới nước phun sương, quây kín lưới, quấn ni-lông quanh nụ hoa hay cắt hoa trước để vào kho lạnh găm hàng chờ dịp Tết nhưng vẫn không thể cứu vãn tình trạng hoa nở rộ. Theo anh Bình, một người trồng hoa ly tại làng hoa Tây Tựu, vốn đầu tư một củ hoa ly nhập ngoại dao động từ 18 đến 25 nghìn đồng, sau khoảng ba tháng gieo trồng và chăm sóc có thể thu hoạch. Nếu như vài năm trước, cứ tới dịp Tết thì một cành ly năm tai (nhánh có hoa) có giá 40 đến 60 nghìn đồng/cành, thì nay do hoa nở sớm, thương lái chỉ thu mua với giá 15 đến 25 nghìn đồng/cành mà phải là loại ly bảy tai. Thời tiết nóng bất thường, hoa nở sớm gần một tháng khiến nhà nào cũng lỗ, ít thì trăm triệu, có gia đình lỗ cả tỷ đồng. Dù vài ngày qua, nhiệt độ ở Hà Nội giảm sâu, trời rét đậm và có mưa nhưng cũng không thể cứu vãn thiệt hại cho những người trồng hoa và cây cảnh.
Theo Minh Dũng/Báo Nhân dân điện tử