Cập nhật: 26/01/2017 09:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giải Nhất cuộc thi Sáng tạo về sông Mê Kông thuộc về 3 sinh viên Học viện Ngoại giao...

 

Nhóm thi đến từ Học viện Ngoại giao:

Vũ Quỳnh Trang, Nguyễn Sỹ Hùng, Nguyễn Thị Linh

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa cho biết, 3 sinh viên Học viện Ngoại giao vừa xuất sắc giành giải Nhất - Dự án tiềm năng nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên về Quản trị và Phát triển lưu vực sông Mê Kông với việc xây dựng hệ thống điều phối hoạt động các đập thuỷ điện trên sông Mê Kông - Lan Thương. Dự án nhằm giảm thiểu tối đa thiên tai lũ lụt và hạn hán.

Vòng chung kết của cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên về Quản trị và Phát triển lưu vực sông Mê Kông kéo dài từ ngày 12 - 16/1 tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), với 16 đội đến từ 6 quốc gia thành viên mà sông Mê Kông chảy qua: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.

Với dự án “Bậc thang Hữu Nghị”, nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao (Vũ Quỳnh Trang -Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Nguyễn Sỹ Hùng - Khoa Kinh tế quốc tế, Nguyễn Thị Linh - Khoa Kinh tế Quốc tế) đã xây dựng hệ thống điều phối chung nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động lưu trữ nước và xả nước tại tất cả các đập trên sông Mê Kông. Mục tiêu lớn nhất của dự án là ngăn chặn tối đa mức độ lũ lụt và hạn hán tại tất cả 6 nước thành viên, từ đó tích cực hoá các hoạt động khai thác đập thuỷ điện và nâng cao kinh tế cho cả khu vực.

Nhóm cũng đã đề ra cách giải quyết hợp lý cho 2 mùa riêng biệt: mùa mưa và mùa khô. Dự án này có thể áp dụng cho cả 2 loại đập: đập có hồ chứa nước và đập chỉ cho nước chảy qua.

Khó khăn lớn nhất của dự án chính là cần có sự chung tay hợp tác của cả 6 nước thành viên trên khu vực sông Mê Kông, đây cũng là câu hỏi mà các chuyên gia trong hội đồng giám khảo đặt ra.

Vũ Quỳnh Trang, Khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại đã tự tin phản biện: “Mới đây, Hội nghi thượng đỉnh với chủ đề Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai đã thông qua sự kí kết hợp tác giữa 6 nước thành viên sông Mê Kông vào tháng 3/ 2016.

Hơn nữa, dự án này sẽ giúp cho các nước không chỉ đơn thuần giúp đỡ nhau khi thiếu điện và lũ lụt lớn, mà có sự phân bố hợp lý trên tất cả các đập, nhắm hướng tới sự phát triển bền vững. Ngoài ra, dự án còn có thể nâng cao hiệu quả kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản,… Vì vậy việc thúc đẩy hợp tác giữa cả 6 nước là hoàn toàn khả thi”.

Bên cạnh giành được giải thưởng cao quý nhất tại cuộc thi, dự án cũng dành được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của các nhà tài trợ cá nhân, các tổ chức tại Trung Quốc – nơi diễn ra cuộc thi.

Dự kiến vào tháng 8 tới đây, nhóm sẽ được tiếp tục mời tham dự khoá huấn luyện ngắn hạn tại Yushu, Tây Tạng - khu vực Thượng nguồn của sông Mê Kông để tiếp tục phát triển dự án chi tiết hơn nữa để đưa dự án thành hiện thực với sự hướng dẫn của các giáo sư đầu ngành nghiên cứu sông Mê Kông./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

 

Tệp đính kèm