Cập nhật: 09/03/2017 09:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo nghiên cứu mới đây của UNESCO, tại Việt Nam, sách giáo khoa Việt Nam vẫn còn tồn tại những khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp.

Những năm gần đây, Việt Nam đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu của khuôn mẫu giới tồn tại ngay trong sách giáo khoa bậc phổ thông.

Một nghiên cứu mới đây của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO)  đã chỉ ra rằng ngay trong sách giáo khoa cũng chứa đựng những yếu tố mang đựng định kiến giới, dẫn đến bất bình đẳng giới.

Phụ nữ vẫn chỉ làm việc nhà

Nghiên cứu của UNESCO chỉ ra rằng trong sách giáo khoa hiện nay chưa có sự cân đối giữa số hình ảnh nam giới và nữ giới. Tỷ lệ số hình ảnh minh họa là nam giới nhiều hơn số hình ảnh nữ giới khoảng 3-4 lần. Đặc biệt càng lên cao, sự chênh lệch này càng lớn.

Ảnh minh họa trong sách giáo khoa cho thấy vẫn còn tồn tại những khuôn mẫu giới. (Ảnh minh họa).

Theo bà Trần Thị Phương Nhung, giám đốc chương trình Sáng kiến về bình đẳng giới và Giáo dục trẻ em gái UNESCO, sở dĩ có sự chênh lệch này do hình ảnh trong sách giáo khoa chủ yếu là các nhà bác học, khoa học, nên số ảnh về nam giới nhiều hơn hẳn số lượng về nữ giới.

Điều đáng chú ý, hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa hiện nay vẫn thể hiện theo hướng phụ nữ gắn liền với những công việc như nội trợ, lao động đồng áng, bán hàng, trồng cây cối… Trong khi đó, nam giới lại được minh họa gắn liền với hoạt động khoa học kỹ thuật, kỹ sư, bác sỹ, phi công…

Cụ thể trong môn Vật Lý cấp Trung học Phổ thông, chân dung các nhà bác học, các hình vẽ về lực đa số là nam giới. Trong khi đó, trong cùng một bài của sách giáo khoa môn địa lý lớp 12, hình ảnh cho hoạt động sản xuất thủ công mĩ nghệ có đến 5 hình là nhân vật nữ, nhưng lại chỉ có 1 hình là nam.

Hệ lụy thật từ hình ảnh minh họa

Theo bà Trần Thị Phương Nhung, dù không có nội dung bất bình đẳng giới, nhưng rõ ràng sách giáo khoa Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại những khuôn mẫu giới. Điều này thực sự đáng lo ngại bởi bất bình đẳng giới xuất phát từ chính những định kiến giới được hình thành từ các chuẩn mực và khuôn mẫu giới do xã hội tự đặt ra cho nam và nữ.

Lý giải về vấn đề này, chuyên gia UNESCO cho rằng do những điều kiện về lịch sử hình thành và phát triển, người Việt Nam bị chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng trọng nam kinh nữ rất phổ biến trong Nho giáo. Những khuôn mẫu giới đã ảnh hưởng sâu đậm trong nhận thức của con người, trong đó có cả những người thực hiện chính sách, các nhà giáo dục. Nội dung, hình ảnh chứa nhiều định kiến giới sẽ là yếu tố tác động trực tiếp đến nhận thức của học sinh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách, suy nghĩ, cách nhìn nhận, thái độ, hành vi ứng xử của các em.

Chuyên gia đến từ UNESCO khuyến cáo: “Nếu như vấn đề bình đẳng giới không được coi trọng và chú ý trong sách giáo khoa, nó sẽ dẫn đến một số hệ lụy. Đơn cử, nạn bắt nạt ở học đường cũng xuất phát từ việc nam giới cho rằng mình mạnh mẽ, có quyền uy, có quyền được ra lệnh, hay mình có thể đối xử một cách bạo lực với người khác. Ngoài ra, khi các em lớn lên, những định kiến tăng dần sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp mang đầy những khuôn mẫu giới”.

Bà Nhung cho rằng, các nhà giáo dục tham gia soạn thảo sách giáo khoa nên bám sát vào thực tế cuộc sống. Khi công việc của phi công không chỉ còn là việc của nam giới, đã có những nữ cơ trưởng, cơ phó bước vào buồng lái, khi Việt Nam ngày càng nhiều nhà khoa học, doanh nhân là nữ giới, sách giáo khoa cũng nên có những điều chỉnh cho phù hợp. Theo bà Nhung, các nhà làm sách giáo khoa cũng nên bổ sung các bài viết về hình ảnh nam, nữ trong các vai trò, nghề nghiệp mới mà sách giáo khoa hiện nay chưa có. Cụ thể như các nhà khoa học nữ, đại sứ nữ, nữ chính trị gia, cảnh sát giao thông nữ, lính cứu hỏa nữ…

Tương tự, cũng cần bổ sung nam giới trong các lĩnh vực như giáo viên mầm non, tiểu học, bố chăm con, nam giới thiết kế thời trang… Hay khi lựa chọn các nhân vật lịch sử để đưa vào chương trình sách giáo khoa, cũng cần lưu ý đến sự hiện diện cân bằng của cả nhân vật lịch sử là nam giới và nữ giới./.

Theo CTV Nguyễn Trang/VOV.VN

Tệp đính kèm