Cập nhật: 14/03/2017 11:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đã đến lúc dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu thí sinh có nên tìm mọi cách vào đại học để ra trường… thất nghiệp?

Thí sinh và gia đình cân nhắc kỹ trước khi chọn ngành, chọn nghề.

Dù đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục nhưng đến nay nguồn nhân lực nước ta vẫn trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày một gia tăng. Nỗi lo này càng lớn hơn khi năm nay, cánh cửa vào đại học được cho là khá thênh thang với các sĩ tử. Đã đến lúc dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu thí sinh có nên tìm mọi cách vào đại học để ra trường… thất nghiệp?

Theo số liệu công bố hằng năm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số cử nhân thất nghiệp tương đối cao. Về số lượng, hiện nay đã có trên 220 ngàn cử nhân chưa kiếm được việc làm. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm, hệ đào tạo chính quy cung cấp 70 ngàn lao động trình độ đại học và 50 ngàn lao động trình độ cao đẳng. Ngoài ra, các chương trình liên kết quốc tế, vừa học vừa làm… cũng đào tạo thêm hàng chục ngàn nhân lực trình độ cử nhân. Cùng với đó là lượng lớn nhân lực trình độ đại học từ các địa phương đổ về tham gia ứng tuyển. Trong khi nhu cầu lao động của thành phố hiện chỉ khoảng 60 ngàn nhân lực đối với 2 bậc học này. Do vậy, tính cạnh tranh là không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, sự khập khiễng trong hệ thống đào tạo so với nhu cầu thực tiễn đang khiến ngày càng nhiều sinh viên không biết học ra sẽ… làm ở đâu. Trên bảng phân bố nhân lực, cử nhân nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên hiện chỉ chiếm khoảng 30%. Trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này chiếm tỷ trọng đến 45%. Điều này có thể lý giải cho việc tại sao 70% sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành kinh tế, tài chính, khoa học xã hội, y tế, giáo dục… phải chật vật kiếm công việc phù hợp hoặc chấp nhận làm trái ngành.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng cử nhân thất nghiệp gia tăng một phần cũng do chính họ: “Nhiều sinh viên khi ra trường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp và việc làm. Một số sinh viên trong quá trình chọn ngành học thì không chọn ngành phù hợp với năng lực, sở trường cũng như xu hướng phát triển của thị trường lao động. Bên cạnh đó, các bạn cũng không chú trọng các lĩnh vực kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ trong giao dịch của thị trường lao động”.

Chưa định hướng đúng về ngành học, chưa nỗ lực hết mình là những nguyên nhân khiến đội ngũ lao động trình độ cử nhân tại nhiều ngành học không được doanh nghiệp đánh giá cao về mặt thực tiễn. Theo đánh giá của các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện số lao động ra trường khi tuyển dụng tương đối đạt yêu cầu chiếm chưa đến 40%. Còn lại phải đào tạo từ 2 đến 3 năm mới thích ứng được. Để hạn chế tình trạng này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng bản thân người học phải xác định rõ năng lực mình đến đâu và học ra để làm gì trước khi quyết định vào trường nào.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục – Đào tạo nói: “Các em phải nghiên cứu rất kỹ các ngành, các trường xem việc học trong các trường đó như thế nào, đầu ra ra sao để có thể chọn được ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân”. 

Còn theo bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn, muốn tránh lãng phí đối với nguồn lực lao động bậc đại học trong xã hội hiện nay thì cần có những giải pháp quyết liệt hơn. Trong đó yếu tố then chốt là các trường phải xây dựng chương trình như thế nào để đảm bảo cao nhất chất lượng nguồn cử nhân đầu ra. Nhu cầu đào tạo hiện nay đòi hỏi các sinh viên bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên sâu phải có thái độ tốt và kỹ năng nghề ổn định. Nếu chỉ cứ lý thuyết suông sẽ rất khó được doanh nghiệp đánh giá cao.

Khi mỗi bậc học mang một chức năng riêng và có một thị phần nhất định trong thị trường lao động thì việc sinh viên sau khi tốt nghiệp được làm đúng nghề, đúng lĩnh vực sẽ không còn là bài toán quá nan giải. Vấn đề còn lại là người học phải biết tự cân nhắc năng lực học tập, năng lực tài chính của bản thân, gia đình để chọn ngành học cho phù hợp thay vì bằng mọi giá phải vào đại học./.

Theo Mỹ Dung/VOV.VN

Tệp đính kèm