Cập nhật: 01/04/2017 15:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu có dịp đến Sơn La, du khách đừng bỏ qua ngôi tháp Mường Bám cổ kính với kiến trúc rất đặc sắc.

Giữa bao la rừng núi, tháp Mường Bám cổ kính, rêu phong, sừng sững yên vị trên một ngọn đồi ở xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

 Tháp Mường Bám còn có tên gọi là Thạt Bản Lào (Thạt tiếng Lào có nghĩa là Tháp).  Tháp tồn tại hơn 500 năm qua như một minh chứng cho quá trình định cư, giao lưu văn hóa Việt - Lào. Đặc biệt, ngôi tháp này còn lưu giữ đầy đủ các nét độc đáo của kiến trúc phật giáo phái Tiểu Thừa ở Việt Nam.

Đứng từ trên tháp, thả tầm mắt, có thể bao quát được cả xã Mường Bám với dòng Nậm Húa uốn lượn như con rắn lớn và những dãy núi trập trùng bao quanh.

 Tại đây gồm có một quần thể 5 tháp, một tháp to ở giữa và 4 tháp con ở 4 cạnh tháp to, theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mặt tháp quay về hướng Đông và nhìn ra ngã ba suối Nậm Húa có núi án ngữ làm bình phong. Núi chắn hai bên theo hướng Bắc, Nam tựa thế tay ngai. Trước mặt tháp là ngã ba suối, uốn khúc chảy lượn. Từ trái sang phải, phía sau tháp có dãy núi tựa người đang ngồi "thiền". Cả quần thể Tháp như thế một vị sư thiền tĩnh lặng, uy nghi.

 Theo các nhà khảo cổ, dù đến nay quần thể tháp chỉ còn lại một phần nhưng nó vẫn thể hiện được những đặc trưng kiến trúc của Phật giáo phái Tiểu thừa.

 Tất cả 5 tháp đều được xây bằng một loại vật liệu chủ yếu là gạch vồ màu đỏ, kích thước lớn dài 35cm, rộng 15cm, dày 7cm được gắn kết với nhau bằng vôi, cát và mật. Các hoạ tiết hoa văn được làm bằng vữa đắp nổi, nhiều chỗ gắn thêm vào những hình đất nung trang trí.

 Tháp to còn gọi là tháp mẹ, cao 13m, chia làm 4 tầng. Đặc biệt ở tầng 2 các hình voi được trang trí cầu kỳ, với hình vòi voi được cuộn sang hai bên. Hoa văn ở phần đầu vòi voi cuộn tròn gấp khúc đến phần giữa thì có hoa văn hình cánh hoa chanh. Phần bụng vòi voi có hoa cúc chạy suốt thành chuỗi, đầu cánh hoa cúc quay về phía lưng vòi voi. Từ giữa thân tròn gấp khúc về phía đuôi phình ra, dáng cong mềm mại, cuối đuôi được vắt cong hình dấu hỏi.

 Ngoài ra còn có hình hổ và tượng vũ nữ nhảy múa trang trí lá đề uốn theo hình mây, hoa văn hoa cúc, hoa chanh cách điệu, chuỗi hoa văn tràng hạt, hình rắn thần Naga 5 đầu, hình hoa sen cụp xuống... Tất cả các hoạ tiết hoa văn này đều đắp nổi phía trên, đế thu nhỏ dần, toàn bộ thân trông xa như một búp sen đang hé nở.

Các Tháp nhỏ ở xung quanh cao 3,7m nằm cách tháp to 3m, được xây dựng với kiến trúc và trang trí hoa văn giống hệt nhau. Tháp nhỏ còn gọi là tháp con được chia làm 4 tầng. Được trang trí chủ yếu là hoa văn lá đề xen kẽ hình vân mây, dây hoa cúc và hoa đồng tiền. Bốn cạnh chân tháp được đắp 4 lá đề nổi, to ôm gọn 4 góc, bên trong có 2 đường chỉ chạm chạy song song. Phần trên ngọn tháp được thu nhỏ dần, vút lên nền trời.

Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật của dân tộc Lào ở Sơn La xây dựng từ thế kỷ XVI. Theo truyền thuyết vùng đất Mường Bám có một trái núi mang dáng dấp một người đang ngồi thiền, theo dáng "Hua táng Keo, eo táng Lào" có nghĩa là: Đầu quay về đất Việt, lưng quay sang đất Lào. Theo các cư dân ở đây, nó chính là minh chứng cho sự gắn bó keo sơn Việt - Lào trong quá khứ.

Tháp Mường Bám là một công trình kiến trúc nghệ thuật hiếm có, còn lại tại Sơn La, và cùng với hệ thống Chùa và Tháp ở Tây Bắc, góp phần phong phú thêm vào kho tàng di sản văn hoá dân tộc, giúp các nhà khoa học nghiên cứu về tháp cổ tại Việt Nam. Du khách cũng có thể đặt tour du lịch Đông - Tây Bắc để được khám phá nhiều phong cảnh thơ mộng và hùng vĩ cũng như được tìm hiểu nhiều di tích lịch sử giá trị của khu vực này.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm