Dạy kỹ năng bơi lội và phòng, chống đuối nước cho học sinh tại một trung tâm ở Hà Nội. Ảnh: MINH HÀ
Trong khi dư luận về những tai nạn thương tâm do đuối nước đối với trẻ em vùng nông thôn chưa kịp lắng xuống, thì thời gian gần đây, tại nhiều địa phương, trong đó có cả TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xảy ra nhiều vụ tai nạn, cướp đi sinh mạng của trẻ em. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động và đặt ra những vấn đề về giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho trẻ em hiện nay.
Liên tiếp thời gian vừa qua, tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình và Thanh Hóa, Nam Ðịnh xảy ra các vụ đuối nước, cướp đi nhiều sinh mạng. Ðiển hình là vụ 9 học sinh lớp 6, Trường THCS xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi), bị đuối nước trên sông Trà Khúc; vụ 3 học sinh lớp 11, Trường THPT Tô Hiến Thành (Hải Hậu, Nam Ðịnh) bị đuối nước khi đi tắm biển… Không biết đây là lần thứ bao nhiêu, dư luận cả nước lại bàng hoàng trước những tai nạn của các em đang độ tuổi đến trường. Lại thêm những giọt nước mắt, kèm theo đó là những dằn vặt mãi mãi không bao giờ có cơ hội được bù đắp, sửa chữa. Chết đuối không còn là chuyện hiếm gặp. Nạn nhân của các vụ đuối nước phần lớn là học sinh, sinh viên.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó hơn 50% là trẻ em và trẻ vị thành niên, nghĩa là có khoảng 9 trẻ chết do đuối nước mỗi ngày… Một tỷ lệ được đánh giá là cao so với những nước đang phát triển. Cuộc sống thường ngày luôn có những bất trắc, cho nên việc trang bị những kỹ năng để tự chủ, bảo vệ bản thân, bảo vệ những người khác là điều hết sức cần thiết. Việc dạy bơi, dạy cách xử lý tình huống khi đuối nước cũng như sơ cấp cứu người đuối nước chỉ là một trong rất nhiều kiến thức mà học sinh cần được trang bị. Những môn học thiết thực sẽ không bao giờ thừa cho cả cuộc đời các em.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn đáng tiếc là do hiện nay các trường học chưa chú trọng dạy KNS cần thiết cho học sinh, thậm chí nhiều nơi còn "bỏ ngỏ". Trong giáo trình của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, việc giáo dục KNS cho thanh - thiếu niên là một phần của môn học Giáo dục công dân. Ở đó, học sinh sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng rèn luyện thể chất, kỹ năng thoát hiểm và bảo vệ tính mạng, KNS đồng thuận với cộng đồng, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm… Tuy nhiên, việc tổ chức dạy và học môn Giáo dục công dân đang dần bị xem nhẹ hơn so với các môn học khác. Nhiều trường "nặng" về giáo dục văn hóa, đạo đức mà xem nhẹ việc giáo dục KNS. Ngay từ bậc mầm non, khi cho con đến trường, nhiều phụ huynh suy nghĩ đơn giản chỉ cần con đến lớp ăn ngoan, ngủ kỹ là được. Trong khi đó, trẻ bậc mầm non cần biết một số kỹ năng đơn giản như: rửa tay, tự xúc cơm ăn, biết nhận biết về thế giới chung quanh… Lên đến cấp THCS, những nhận biết về giáo dục giới tính, về cách ứng xử giữa bạn khác giới, ứng xử khi gặp tình huống trên đường đến trường: an toàn giao thông, bị bắt nạt, sự quan tâm thăm hỏi đến các thành viên trong gia đình… cũng chưa được giáo dục cẩn thận ngay từ môi trường học đường và trong gia đình. Do vậy, tình trạng học sinh không được học cách xử lý thế nào khi bị rơi xuống nước, hay bị xâm hại tình dục… vẫn diễn ra trong thời gian gần đây, gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và xã hội.
Giáo dục KNS cho trẻ em là việc làm cấp thiết, nhằm giúp các em tự tin, chủ động xử lý các tình huống xảy ra trong cuộc sống. Ðó còn là việc tạo nền tảng để các em có những tri thức, kỹ năng căn bản để thích ứng với môi trường sống, qua đó khi gặp những tình huống có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng các em biết cách phòng tránh, thoát hiểm, hạn chế những hậu quả đáng tiếc. Ðể hoạt động này đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc tăng cường công tác chỉ đạo quản lý học sinh, thiếu nhi, tổ chức các hoạt động hè an toàn, các trường cần linh động tổ chức, lồng ghép với hoạt động dạy học trên lớp; chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết tự nhận thức và ứng xử. Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn về giáo dục KNS, phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên tư vấn, cán bộ phụ trách công tác đoàn đội trong việc tổ chức các hoạt động KNS. Cùng với nhà trường và các đoàn thể, mỗi gia đình cần chủ động hơn nữa trong việc giáo dục KNS, nhất là kỹ năng bơi lội, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm, kỹ năng tự vệ khi bị xâm hại tình dục, để trẻ em tự tin, biết cách tự ứng phó và bảo vệ an toàn tính mạng của mình mỗi khi gặp nguy hiểm.
"Những năm gần đây, nhất là vào mỗi dịp hè, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tổ chức hàng chục lớp dạy KNS, tập trung vào các chuyên đề về phòng chống tai nạn thương tích hoặc trang bị các kiến thức giao tiếp, làm việc nhóm, vui chơi… góp phần hình thành các kỹ năng, phản xạ ứng phó cho các em trong các tình huống của cuộc sống".
LÊ QUANG TUẤN
Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội
|
"Qua điều tra xã hội học cho thấy, trẻ em Việt Nam nói chung vẫn còn mơ hồ với những KNS cơ bản. Thực tế, tại các trường học, những kiến thức cơ bản như: phòng tránh tai nạn với nước, lửa, điện, tai nạn ngã thương tích, thiên tai hay các tình huống khẩn cấp, xử lý các tình huống gặp nạn, tránh để bị bắt cóc, dụ dỗ theo người lạ, kỹ năng xây dựng mối quan hệ với người khác... học sinh cũng chưa được trang bị một cách đầy đủ nhất...".
NGUYỄN LAN CHI
Chuyên gia tâm lý giáo dục
|
Theo QUANG MINH/nhandan.com.vn