Giờ học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Pa Ủ.
Với mục tiêu giảm đầu tư cơ sở vật chất và biên chế giáo viên tại các điểm trường lẻ, tạo điều kiện ăn ở, học tập tốt hơn cho học sinh…, những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đưa học sinh các khối lớp 3, 4, 5 về trung tâm học bán trú. Nhờ đó, công tác dạy và học bớt phần khó khăn, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao.
Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Pa Ủ, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè là một trong những trường khó khăn bậc nhất ở tỉnh Lai Châu. Toàn trường có 19 lớp, gần 300 học sinh với sáu điểm trường lẻ, toàn bộ học sinh của trường là con em đồng bào La Hủ, một trong bốn dân tộc đặc biệt khó khăn của cả nước. Để đến nhiều điểm trường, trước đây phải đi bộ cả ngày đường rừng, việc mang con chữ đến đồng bào rất khó khăn, cho nên học trò được giáo dục toàn diện càng là chuyện không tưởng. Từ năm học 2013 – 2014, trường thực hiện chủ trương đưa học sinh các khối 3, 4, 5 về học bán trú tại trung tâm.
Thầy giáo Trương Văn Đông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc đưa học sinh về trung tâm học bán trú mang lại rất nhiều lợi ích. Không chỉ hiệu quả về mặt chất lượng, học sinh đến trường được hưởng đầy đủ mọi chế độ, gia đình các em cũng yên tâm hơn khi đi nương, đi ruộng. Trường có điều kiện để rèn luyện kỹ năng sống cho các em, tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt; giáo viên có thời gian đầu tư cho công tác chuyên môn, giảm đầu tư cơ sở vật chất ở các điểm trường lẻ và tinh giản được một phần biên chế... Nếu như trước đây, trường cần 35 giáo viên mới bảo đảm dạy hai buổi/ngày, thì hiện tại, do đưa học sinh về học tập trung cho nên số lớp giảm đi, trường chỉ cần 26 giáo viên là đủ. Trước đây, bình quân mỗi điểm trường lẻ, nhà trường cần có bốn phòng học, hiện tại mỗi điểm chỉ cần từ một đến hai phòng.
Tỷ lệ chuyên cần của nhà trường hiện tại luôn đạt hơn 98%, trước đây con số này chỉ ở mức dưới 95%. Số lượng lớp ghép hiện nay còn rất ít, chủ yếu tập trung ở các điểm trường tại bản xa thuộc khối lớp 1, 2 và có số học sinh không đủ để mở lớp. Công việc mà các thầy giáo, cô giáo lo lắng nhất là mỗi cuối tuần phải vượt rừng về trung tâm gùi lương thực, thực phẩm và đi gọi học sinh mỗi sáng, nhưng nay thì thời gian đó đã được chuyển sang tập trung cho chuyên môn, nâng cao chất lượng bài giảng. Cô giáo Lò Thị Thình chia sẻ: Trước đây đi cắm bản, cuộc sống, công việc rất vất vả. Cứ cuối tuần lo về lấy thực phẩm dự trữ, mỗi buổi học lại phải đến từng nhà gọi học sinh. Thậm chí vào dịp mùa vụ, lễ, Tết, giáo viên phải lên tận nương để gọi, đưa học sinh về lớp. Hiện tại, học sinh về trung tâm học cho nên giáo viên không phải lo tìm, gọi học sinh, không còn phải dạy lớp ghép. Mình có điều kiện trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp, đầu tư thời gian cho bài giảng, tiết học; vợ chồng con cái cũng có thời gian gần gũi quan tâm nhau hơn.
Giáo dục toàn diện về kiến thức và kỹ năng sống là một trong những vấn đề quan trọng đối với học sinh, nhất là với học sinh vùng cao. Việc được tham gia các hoạt động nhóm, hoạt động tập thể, được đọc truyện, xem ti-vi, học âm nhạc... cùng các hoạt động tăng gia sản xuất giúp các em bạo dạn hơn trong giao tiếp và phát triển toàn diện hơn.
Học sinh Giàng Phí Đô đã học lớp 5 nhưng bé nhỏ hơn so với bạn bè cùng lứa. Theo lời cô giáo chủ nhiệm của Đô, Đô từng có lực học yếu, tính tình nhút nhát, ngại tiếp xúc với bạn bè, ít nói và hay phải bỏ học theo bố mẹ đi nương để trông em. Từ khi về trung tâm, em học tốt hẳn lên, hòa đồng, bạo dạn và gần gũi bạn bè hơn. Đô chia sẻ: Học ở đây thích hơn. Ở bản, cháu không có truyện để đọc, phải đi kiếm củi, trông em... Ở đây được ăn uống đầy đủ, có nhiều bạn bè, học nhiều hơn nhưng thầy giáo, cô giáo cũng quan tâm hơn, buổi tối còn được xem phim, được học đan lát...
Theo thống kê và đánh giá của ngành giáo dục tỉnh Lai Châu, hiện có hơn 10.000 học sinh các khối 3, 4, 5 được về học bán trú tại trung tâm, giúp giảm hơn 100 lớp học ghép, nâng tỷ lệ học sinh chuyển lớp từ dưới 97% trước đây lên gần 99%. Tổng biên chế của ngành giáo dục và đào tạo từ năm 2015 đến 2020 là không đổi, dự kiến số học sinh sẽ tăng thêm khoảng 7.000 em. Tuy số lượng học sinh tăng, nhưng số lớp học và biên chế cơ bản sẽ không cần tăng. Mặc dù ở các điểm trường lẻ, các phòng học “ba cứng” và bán kiên cố đã xuống cấp, nhưng do nhu cầu giảm đi cho nên cũng không phải tập trung đầu tư quá nhiều. Thậm chí, nhiều điểm trường đã được xây dựng kiên cố, số phòng thừa ra sau khi đưa học sinh về trung tâm được bàn giao cho cấp học mầm non, giúp tiết kiệm được nhiều kinh phí đầu tư.
Việc đưa học sinh ở các điểm trường lẻ về học bán trú tại trung tâm là một chủ trương đang từng bước mang lại hiệu quả cụ thể, góp phần thúc đẩy ngành giáo dục tại tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn này phát triển.
Theo Bài, ảnh: TRẦN TUẤN và THÁI THỊNH
nhandan.com.vn