Học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) trong giờ ôn tập môn Ngữ văn.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, các sở GD - ĐT được giao nhiệm vụ chủ trì và phối hợp các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Bên cạnh việc chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, phân công nhiệm vụ cán bộ, giáo viên, giảng viên làm công tác coi thi, sở GD - ĐT các địa phương đã và đang chỉ đạo các trường THPT tăng cường công tác ôn tập, tích cực chuẩn bị cho kỳ thi.
Theo phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, mỗi tỉnh, thành phố sẽ có một cụm thi do sở GD - ĐT chủ trì. Việc tổ chức một loại cụm thi đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi, vì vậy, công tác chuẩn bị, phối hợp cần tăng cường hơn các năm trước.
Tại Hà Nội, ngành GD - ĐT Thủ đô đã lên phương án phối hợp 12 trường đại học, học viện thực hiện các công việc chuẩn bị để tổ chức thi cho gần 73 nghìn thí sinh. Điều kiện cơ sở vật chất tại 117 điểm thi đều đáp ứng yêu cầu. Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, sở đã thống kê số liệu từng thí sinh chưa thi tốt nghiệp, thí sinh đã tốt nghiệp để sắp xếp phòng thi một cách thuận lợi nhất. Dự kiến, thí sinh tự do sẽ thi tại Trường đại học Công nghiệp Hà Nội.
Tại tỉnh miền núi Lai Châu, công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tiến hành khẩn trương. Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Lai Châu Hoàng Đức Minh cho biết, với đặc thù giao thông đi lại khó khăn, nhiều trường THPT ở một số huyện cách xa trung tâm thành phố gần 300 km, cho nên bên cạnh việc thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Lai Châu đã thành lập thêm ban chỉ đạo thi cấp huyện, nhằm huy động cao nhất sự vào cuộc của các địa phương. Hai điểm thi khu vực biên giới của huyện Mường Tè, Phong Thổ, còn có sự tham gia của lực lượng bộ đội biên phòng. Kỳ thi năm 2017, Sở GD - ĐT Lai Châu phối hợp Trường đại học Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) tổ chức cho 3.531 thí sinh dự thi tại 16 điểm. Mặc dù Sở GD - ĐT chủ trì cụm thi nhưng công việc thực hiện vẫn như mọi năm, không phát sinh khó khăn hay áp lực. Năm trước, trường đại học chủ trì, có sự phối hợp của sở GD - ĐT; năm nay, sở chủ trì thì có sự phối hợp của trường đại học, có khác chăng là chỉ còn một loại cụm thi và “đổi vai” trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, từ khi có hướng dẫn ôn tập của Bộ GD - ĐT, các trường đã thay đổi phương pháp dạy học, nhất là hình thức thi trắc nghiệm. Cùng với đó, Sở GD - ĐT Lai Châu đã cử “đội quân tinh nhuệ” là các giáo viên giỏi, tâm huyết, thường xuyên xuống các huyện khó khăn như Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, giúp đỡ các trường THPT trong công tác giảng dạy, hướng dẫn ôn tập.
Tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở GD - ĐT đã chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức biên soạn ngân hàng câu hỏi thi các môn trắc nghiệm dựa trên đề thi minh họa của Bộ GD - ĐT để học sinh làm quen, ôn tập. Qua thống kê, Đà Nẵng có tổng số 11.174 hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017. Sở GD - ĐT Đà Nẵng được giao nhiệm vụ chủ trì và phối hợp Đại học Đà Nẵng tổ chức thi cho thí sinh trên địa bàn. Đến nay, Sở GD - ĐT đã đề nghị Đại học Đà Nẵng cử cán bộ, giảng viên tham gia hội đồng thi và các ban của hội đồng thi. Trên cơ sở đó, dự kiến Sở GD - ĐT Đà Nẵng điều động 16 cán bộ tham gia hội đồng thi, 1.086 cán bộ (bao gồm giáo viên THPT và giảng viên ĐH Đà Nẵng) làm công tác coi thi, 95 cán bộ giám sát.
Để bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, thuận lợi, Sở GD - ĐT Đà Nẵng sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ được điều động làm công tác coi thi, chấm thi, kể cả các sinh viên năm cuối. Sở cũng chuẩn bị và phát một nghìn cuốn Cẩm nang coi thi cho cán bộ coi thi. Đây là cách làm riêng, hiệu quả của ngành GD - ĐT Đà Nẵng, bảo đảm đúng quy trình, bảo mật. Hiện nay, Đà Nẵng đã duyệt, cấp kinh phí dự kiến khoảng 1,3 tỷ đồng phục vụ kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; có kế hoạch bố trí xe áp tải đề thi, bài thi về các địa điểm theo quy định. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã yêu cầu các ngành liên quan xây dựng phương án triển khai chi tiết đối với kỳ thi.
Bài, ảnh: QUÝ TÙNG, ANH ĐÀO và MAI MAI
Theo nhandan.com.vn