Cập nhật: 29/06/2017 14:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2017, lần đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia do các địa phương chủ trì; lần đầu tiên hình thức thi trắc nghiệm khách quan chiếm 4/5 số môn thi, bài thi; lần đầu tiên kỳ thi rút ngắn xuống chỉ còn 2,5 ngày…

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT. Ảnh: VGP/Phương Liên

Với tất cả những đổi mới có tính chất bước ngoặt như vậy, Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã để lại ấn tượng mạnh cho xã hội bởi sự nhẹ nhàng, êm ả, nghiêm túc và an toàn. Điều này cũng cho thấy những đổi mới của Bộ GD&ĐT đang đi đúng hướng.

Để nhìn lại Kỳ thi THPT quốc gia vừa diễn ra, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia.

Thí sinh thích thú với phương thức thi trắc nghiệm

Thưa PGS. TS Mai Văn Trinh, những ngày qua, dư âm về một Kỳ thi tốt đẹp vẫn đang được dư luận xã hội nhắc tới, thậm chí có người cho rằng, đây là Kỳ thi thành công nhất từ trước tới nay, là người trong cuộc, ông có đánh giá như thế nào về kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Trước hết phải nói rằng, tôi thực sự vui mừng khi Kỳ thi đã kết thúc trong sự ủng hộ và ghi nhận của toàn xã hội. Đó là phần thưởng cho những nỗ lực, cố gắng đổi mới đúng hướng của ngành giáo dục trong suốt thời gian qua. Kết quả Kỳ thi cũng phần nào giải tỏa những áp lực trước Kỳ thi cho những người đóng vai trò tổ chức như chúng tôi.

Nhìn lại kết quả, tôi có thể đánh giá trên một số khía cạnh. Khác với kỳ thi những năm trước đó, năm nay, các điểm thi được tổ chức tại các trường và liên trường phổ thông của tỉnh, lần đầu tiên thí sinh có thể dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngay tại địa phương. Vì vậy, Kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh và xã hội.

Có 4/5 môn thi, bài thi được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Lần đầu tiên có các bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần và cũng là lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào Kỳ thi. Điều này giúp cho tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi các môn Khoa học xã hội tăng cao, chiếm hơn 50%, trong đó môn Lịch sử có trên 54% thí sinh lựa chọn.

Năm nay, mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề thi riêng. Đây là phương thức hiệu quả để ngăn chặn tình trạng quay cóp và các gian lận, tiêu cực khác trong phòng thi. Tổ chức thi theo phương thức này còn đặt ra yêu cầu học sinh học đều chương trình, tránh học tủ, học lệch góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường phổ thông.

Theo phương thức tổ chức thi mới, thí sinh có thể thi nhiều môn hơn nhưng thời gian rút ngắn hơn trước. Trước đây, Kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày, nay rút xuống còn 2,5 ngày. Lịch thi các bài thi, thời gian làm bài giữa các môn thi thành phần được sắp xếp tối ưu để thí sinh có thể làm bài với tinh thần thoải mái nhất.

Hệ thống phần mềm phục vụ công tác thi và tuyển sinh như phần mềm quản lý thi, hỗ trợ tổ chức thi; phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi và xây dựng đề thi chuẩn hóa; phần mềm chấm thi... đều được ứng dụng thông suốt, hiệu quả đã góp phần tích cực vào thành công của Kỳ thi.

Kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng, an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế, các hiện tượng tiêu cực trong thi cử đã giảm đi rõ rệt. Theo thống kê, cả Kỳ thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi, năm 2016 con số này là 328 thí sinh.

Ở mỗi kỳ thi, đề thi và chất lượng đề thi luôn là vấn đề được quan tâm nhất. Có ý kiến cho rằng, đề thi Ngữ văn năm nay khá chỉn chu, an toàn; đề thi một số môn trắc nghiệm, độ phân chia câu hỏi khó-dễ chưa đồng đều. Ở bài thi tổ hợp, thí sinh phải thi 3 môn liên tiếp khiến cho cả giáo viên và thí sinh khá mệt mỏi… Ông có ý kiến gì về những băn khoăn dư luận nêu ra?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Năm nay cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT xây dựng đề thi cho Kỳ thi THPT quốc gia theo quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa mà các nước tiên tiến đã áp dụng từ lâu. Quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, xây dựng đề thi chính thức được thực hiện công phu, bài bản với sự hỗ trợ của phần mềm máy tính. Việc đánh giá độ khó, độ cân bằng của đề thi sẽ được xử lý theo phương pháp thống kê khoa học sau khi có kết quả chấm thi mới có độ tin cậy, thuyết phục chứ không thể bằng các nhận xét cảm tính.

Tất cả các đề thi đều bám sát nội dung chương trình lớp 12, dạng thức tương tự như các đề thi tham khảo, đề thi thử nghiệm và đề thi minh họa đã được công bố trước đó nên không gây bỡ gỡ cho thí sinh. Nội dung đề thi chính xác, bảo đảm ít nhất 60% câu hỏi ở mức độ cơ bản và 40% còn lại có độ phân hóa ở các mức độ khác nhau để phục vụ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khá đa dạng của nước ta hiện nay. Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp theo các nhóm với độ khó tăng dần, hỗ trợ cho thí sinh khi làm bài thi.

Đề thi môn Ngữ văn tiếp tục được xây dựng theo dạng thức đổi mới đã ổn định trong vài năm gần đây. Các bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần lần đầu tiên được xây dựng nên ít nhiều còn bỡ ngỡ với thí sinh. Tuy nhiên, mỗi môn thi thành phần với thời gian làm bài 50 phút, sau đó các em có 20 phút chuẩn bị để thi môn thi mới cũng là hình thức để các em phục hồi sức khỏe, chuẩn bị tâm thế tốt để thi môn thi tiếp theo. So với việc các em phải thi viết liên tục trong 180 phút như những năm trước đây thì thí sinh cũng rất mệt mỏi. Qua thực tế cho thấy, tuyệt đại đa số các thí sinh thích nghi với phương thức thi này và các buổi thi đã diễn ra an toàn với cả thí sinh và cán bộ coi thi.

Cần đặt niềm tin vào đội ngũ gần 90.000 cán bộ, giáo viên

Thống kế cho thấy, số thí sinh vi phạm quy chế thi trong Kỳ thi năm nay giảm mạnh, trong cả Kỳ thi chỉ có 72 thí sinh vi phạm quy chế (năm 2016 là 328 thí sinh). Theo ông, đâu là nguyên nhân của việc số thí sinh vi phạm quy chế thi giảm? Có hay không nguyên nhân từ việc buông lỏng trong công tác coi thi tại các địa phương ?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Trước hết, cần khẳng định không có việc các địa phương lơi lỏng trong coi thi khi giao vai trò chủ trì cụm thi cho các Sở GD&ĐT. Kỳ thi đã huy động gần 40.000 cán bộ đến từ các đại học, cao đẳng tham gia coi thi, giám sát phòng thi với tỉ lệ cán bộ coi thi tại mỗi phòng thi là 50%-50%. Cán bộ đại học, cao đẳng cũng làm Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó Trưởng điểm thi, làm cán bộ giám sát. Giáo viên không coi thi tại điểm thi có học sinh lớp 12 mình đang dạy.

Gần 90.000 cán bộ, giáo viên tham gia Kỳ thi bằng trách nhiệm, lòng tự trọng của mình đã thực hiện đúng nhiệm vụ theo quy định của mỗi cán bộ coi thi. Vì vậy, xã hội cần có niềm tin vào đội ngũ này, giáo dục phải được xây dựng trên nền tảng niềm tin, các giải pháp quản lý sẽ tạo cơ sở để niềm tin ấy được đặt đúng chỗ và vững bền.

Việc chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (trong đó có 37 thí sinh - hơn 50% bị đình chỉ khi thi môn Ngữ văn theo hình thức tự luận) là do tác động của phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức trắc nghiệm, các câu hỏi trong đề thi phủ kín chương trình lớp 12, rất khó để thí sinh có thể học tủ, chuẩn bị “phao thi” hay các hình thức gian lận khác.

Mặt khác, trong môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có mã đề thi riêng của mình, thời gian làm bài thi trắc nghiệm lại ngắn nên cũng rất khó để thí sinh có thể trao đổi, quay cóp, nhìn bài, hay các hình thức gian lận khác.

Kỳ thi lấy kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng nên tính cạnh tranh giữa các thí sinh cũng cao hơn so với chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh với 2 cán bộ coi thi thì rất khó để các em vi phạm khi cán bộ coi thi làm hết trách nhiệm của mình.

Ngoài ra, việc đổi mới phương thức thi cũng đã tác động đến suy nghĩ, hành vi tích cực của các thí sinh. Việc các em đã nghiêm túc hơn trong thi cử, số thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi giảm là tín hiệu tích cực ban đầu, cũng cần được ghi nhận đúng mực để không tổn thương đến sự trong sáng của các em, khuyến khích các em trung thực trong cuộc sống và học tập.

Nhìn nhận một cách tổng quan, ông đánh giá như thế nào về những điều chỉnh trong phương thức tổ chức của Kỳ thi THPT quốc gia năm nay?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Những điều chỉnh trong phương thức thi năm nay đã đúng hướng, tạo bước chuyển rất tích cực, có tính bước ngoặt trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW.

Những điều chỉnh này đã làm cho kỳ thi nhẹ nhàng, giảm tốn kém. Đặc biệt những điều chỉnh về môn thi, hình thức thi đã thành công, không làm sốc thí sinh và giáo viên, tác động tích cực đến các nhà trường, khắc phục dần tình trạng dạy tủ, học tủ, học lệch, tạo động lực và hướng đi cho đổi mới dạy học theo định hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, giúp các em học tập toàn diện hơn.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chấm thi sẽ được triển khai đồng bộ ở tất cả các hội đồng thi

Sau khi kết thúc Kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức chấm thi như thế nào để bảo đảm đúng tiến độ công bố điểm thi vào ngày 7/7 tới và những công việc tiếp sau đó là gì, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Khâu chấm thi rất quan trọng để bảo đảm thành công của Kỳ thi năm nay. Bộ GD&ĐT đã tập huấn, hướng dẫn, cung cấp phương tiện, phần mềm hỗ trợ chấm thi, đã gửi đáp án, hướng dẫn chấm cho các hội đồng thi.

Đến nay, công tác chuẩn bị cho chấm thi đã hoàn tất, các địa phương đã bắt đầu bắt tay vào chấm thi. Để bảo đảm công tác chấm thi an toàn, chính xác, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chấm thi sẽ được triển khai đồng bộ ở tất cả các hội đồng thi. Các trường đại học sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở GD&ĐT trong công tác chấm thi để công tác này thật sự khách quan, an toàn, bảo đảm tiến độ.

Bài thi Ngữ văn được yêu cầu chấm theo 2 vòng độc lập, chấm kiểm tra cùng tiến độ ít nhất 5% số bài thi để kịp thời điều chỉnh, trong trường hợp cần thiết sẽ chấm thẩm định bài thi. Các bài thi trắc nghiệm được chấm theo quy trình nghiêm ngặt với sự hỗ trợ của máy quét và phần mềm.

Sau khi có kết quả thi, theo lịch công tác, các hội dồng thi gửi kết quả về Bộ để tải lên hệ thống phần mềm và chạy đổi sánh dữ liệu, sau đó sẽ công bố kết quả thi vào ngày 7/7/2017.

Để công việc công bố kết quả thi thuận lợi, các Sở GD&ĐT ngay từ bây giờ cần tập trung rà soát lại hệ thống CNTT để bảo đảm  không bị tắc nghẽn mạng khi công bố kết quả thi.

Qua những đổi mới trong Kỳ thi năm nay và thực tế diễn ra trong 2,5 ngày thi, theo ông thì công tác tổ chức thi có những vấn đề gì cần lưu ý, rút kinh nghiệm cũng như cần tiếp tục phát huy triển khai để tổ chức Kỳ thi năm tới tốt hơn?

PGS.TS Mai Văn Trinh: Những thành công, ưu điểm của Kỳ thi năm nay là rất căn bản, thí sinh đã được dành những gì tốt nhất để tham dự Kỳ thi quan trọng này.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm cần lưu ý (chủ yếu là về mặt kỹ thuật) có thể được cải tiến để tốt hơn. Trong đó, cần tiếp tục tăng cường các giải pháp để hạn chế hơn nữa tình trạng vi phạm quy chế thi, gian lận thi cử bằng việc sử dụng công nghệ cao.

Sự phối hợp của các đại học với các Sở GD&ĐT có thể được triển khai nhuần nhuyễn, đều tay hơn nữa. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống CNTT để không ngừng nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong tổ chức thi và tuyển sinh.

Đặc biệt, công tác đề thi vẫn tiếp tục được quan tâm cho các kỳ thi tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phương Liên/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm