Cập nhật: 16/08/2017 14:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giờ học của thầy và trò trường Đại học Sư phạm. (Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)

Mùa tuyển sinh đại học năm 2017, trong khi đa số các trường đại học đều tăng điểm chuẩn, nhiều ngành đạt mức điểm cao kỷ lục thì riêng ngành sư phạm lại ngược dòng, lao dốc với điểm chuẩn cực thấp.

Điểm chuẩn chạm đáy

Mùa tuyển sinh đại học năm 2017, trong khi rất nhiều trường, nhiều ngành điểm chuẩn lên cao ở mức kỷ lục thì ngành sư phạm lại ở mức cực thấp.

Tại Đại học Hồng Đức, điểm chuẩn của tất cả các ngành sư phạm đều ở mức thấp nhất có thể, là 15,5 điểm, bằng điểm sàn, mức điểm tối thiểu mà các trường được nhận thí sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mức 15,5 điểm cũng là điểm chuẩn các ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học của Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Điểm chuẩn vào các ngành sư phạm Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học của Đại học Sư phạm Huế chỉ 12,5 điểm với công thức tính: Điểm chuẩn= [(điểm môn 1 x2 + điểm môn 2 + điểm môn 3) : 4] x 3. Trong đó, môn 1 là môn chính và tổng điểm ba môn thấp nhất là 15,5 điểm.

Với cách tính này, thí sinh chỉ cần có điểm môn chính ở mức 1,5 điểm cũng đã đủ đỗ vào Đại học Sư phạm Huế và tương lai sẽ trở thành giáo viên dạy ở môn đó. Trong khi đó, đề thi trung học phổ thông quốc gia năm nay có tới 40% kiến thức cơ bản, dùng để xét tốt nghiệp.

Điểm chuẩn vào các ngành sư phạm tại các trường cao đẳng còn thấp hơn nữa, hầu hết chỉ ở mức 9, 10 điểm. Thậm chí, tại trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, dù điểm chuẩn rất thấp nhưng ngành Sinh học còn không có thí sinh đăng ký.

Trên thực tế, điểm chuẩn đầu vào của các trường sư phạm đã khá thấp từ nhiều năm, nhưng năm nay mức điểm đã bắt đầu chạm đáy. Điều này khiến cho xã hội không khỏi lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai, những người sẽ dìu dắt cả thế hệ trẻ của đất nước.

“Chúng tôi thực sự cảm thấy rất buồn và lo lắng. Với chất lượng đầu vào như thế này thì vài năm tới ta sẽ cho ra lứa giáo viên có chất lượng không thể cao được,” ông Nguyễn Mạnh An, Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức chia sẻ.

Nghề giáo được cho là nhiều áp lực nhưng thu nhập không cao. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giáo dục họp khẩn

Trước tình trạng “rớt giá” của ngành sư phạm, theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sáng mai, ngày 16/8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ triệu tập lãnh đạo các vụ, cục liên quan như Vụ Giáo dục Đại học, và hiệu trưởng tất cả các trường sư phạm. Cuộc họp nhằm tìm ra giải pháp để đưa sư phạm ra khỏi tình trạng "ế ẩm" hiện nay.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Xu hướng quy hoạch là Bộ sẽ hình thành hệ thống trường sư phạm gọn nhẹ, tập trung vào chất lượng. Cụ thể, sẽ có các trường sư phạm chính, trọng điểm. Các trường địa phương có thể trở thành trường vệ tinh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 14 trường đại học sư phạm, 58 trường có đào tạo sư phạm và 33 trường sư phạm chuyên ngành. Trong đó, riêng 14 trường đại học sư phạm đã có quy mô trên 151.000 sinh viên.

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục giảm chỉ tiêu ngành sư phạm, không mở thêm ngành mới, trường mới, nhưng chỉ tiêu đào tạo vẫn không sát nhu cầu thực tế. Hàng chục nghìn cử nhân sư phạm vẫn “ra lò” đều đều mỗi năm trong khi số học sinh lại tương đối ổn định, dẫn đến thừa giáo viên. Điều này làm cho tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chỉ 60% số sinh viên sư phạm ra trường tìm được việc làm.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng ngành sư phạm cũng sẽ phải học hỏi theo ngành an ninh, quân đội, là đào tạo có địa chỉ, đảm bảo đầu ra. Từ đó, sẽ tác động ngược lại đầu vào, nâng điểm chuẩn sư phạm lên cao hơn.

“Nhưng có nhiều chính sách lại không thuộc phạm vi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chúng tôi phải làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để tham mưu với Chính phủ,” ông Nhạ phân trần.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng liệu chính Bộ trưởng có tự mâu thuẫn khi đầu năm 2017, ngay trước mùa tuyển sinh, vị tư lệnh ngành giáo dục đã bày tỏ quan điểm bỏ công chức, viên chức với giáo viên, chuyển sang chế độ hợp đồng. Và chính điều này đã khiến không ít thí sinh, phụ huynh hoang mang.

Là người đã khuyên con chuyển từ ngành sư phạm sang kinh tế, chị Nguyễn Thị Mai Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ. “Học sư phạm, ra trường xin việc khó, lương thấp, áp lực công việc lớn, lại hợp đồng, không ổn định, thì liệu có ai mặn mà, nhất là khi thí sinh còn vô vàn lựa chọn hấp dẫn hơn ở các ngành nghề khác.”

“Mặc dù biết có bỏ biên chế với giáo viên hay không là vấn đề vô cùng lớn, vượt ngoài tầm quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng phát ngôn của Bộ trưởng cũng khiến những phụ huynh như tôi thấy không yên lòng,” chị Hoa nói.

 

Theo PHẠM MAI/VIETNAM+

http://www.vietnamplus.vn/63-giao-vien-o-muong-lat-xin-chuyen-truong-truoc-them-nam-hoc-moi/461181.vnp

Tệp đính kèm