Cập nhật: 25/08/2017 14:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

(Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)

Trong những đề xuất nhằm thay đổi "bức tranh" ngành sư phạm hiện tại, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh cùng với việc xây dựng lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, các trường sư phạm cần có sự thay đổi quyết liệt trong nội tại, mạnh dạn cải tổ, cũng như có phương án để liên thông giữa các hệ thống, các cơ sở sư phạm trên cả nước.

Người đứng đầu cơ sở đào tạo sư phạm có truyền thống và danh tiếng chỉ ra những vấn đề đang được dư luận quan tâm trao đổi về ngành sư phạm và theo ông, đã có tác động không nhỏ đến tâm tư của những học sinh giỏi muốn theo ngành sư phạm.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Bộ GD-ĐT tổ chức vừa qua, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng trong những ý kiến về đào tạo sư phạm gần đây của xã hội, có ba vấn đề được quan tâm nhiều, đó là: Tình trạng thừa thiếu giáo viên; Một số trường cao đẳng tuyển sinh đầu vào thấp; Mong muốn thu hút những người giỏi vào ngành sư phạm.

Ông nhận định điều này cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với ngành và trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang tập trung để nâng cao chất lượng người thầy thì điều này rất đáng coi trọng.

Tuy vậy, ông cho rằng cần có những thông tin đúng và đủ về ngành này, với những số liệu, cứ liệu đáng tin cậy để tránh gây hoang mang trong dư luận.

Dẫn ra thông tin về việc sẽ thừa hơn 70 nghìn cử nhân sư phạm trên một số phương tiện thông tin đại chúng vừa qua, GS.TS Nguyễn Văn Minh nói rằng: “Ở đâu con số 70 nghìn? Đến nay chúng tôi vẫn chưa rõ từ nguồn nào”.

Tiếp theo, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng đầu vào thấp diễn ra ở một số trường cao đẳng và một số trường đại học địa phương, các trường sư phạm truyền thống vẫn có đầu vào khá cao. Điểm đầu vào không phải là tất cả nhưng đó là tham số đáng quan tâm khi tuyển sinh. Mặt khác, nói một cách đúng mức, do sự tồn tại của mình, không loại trừ việc một số cơ sở muốn tuyển sinh bằng mọi giá. “Nếu thế, đây là việc thiếu kiểm soát các sở đào tạo sư phạm, việc xác định chỉ tiêu chưa được tính một cách rốt ráo” – ông nói - Thực trạng cung vượt quá cầu đang diễn ra trong thực tế. Chất lượng đào tạo sư phạm của các trường đào tạo sư phạm còn có sự chênh lệch.

Những tác động nói trên đã ảnh hưởng đến tâm tư của các học sinh giỏi muốn vào ngành sư phạm . Việc dạy học không những đòi hỏi tính chuyên môn, mà cần có sự phát triển trong công việc. Từ những nhận định trên, GS.TS Nguyễn Văn Minh đưa ra các đề xuất mà theo ông, nếu làm được những điều này mới đáp ứng về giảng viên trong tương lai, đặc biệt đáp ứng đổi mới bức tranh trường sư phạm những năm sắp tới.

Đó là, sớm có quy hoạch lại mạng lưới đào tạo sư phạm. Ở đây chúng ta quan niệm quy hoạch để phát triển các trường đầu tầu, trường trung tâm, các phân hiệu và các cơ sở vệ tinh, các phân khúc nối giữa đại học, cao đẳng, phổ thông trong đào tạo, thực hành, đào tạo lại và bồi dưỡng để có sự đầu tư cho phù hợp. Sở dĩ các trường cao đẳng và các trường đại học địa phương cố tuyển sinh vì sự tồn tại của họ. Nếu không sắp xếp lại chúng ta sẽ gặp khó khăn.

Trên cơ sở điều tra quy mô học sinh và sự thay đổi về số lượng đội ngũ, phân bố địa lý, dân cư…chúng ta sẽ có được các cơ sở đào tạo tốt nhất và lúc đó chúng ta sẽ nắm được chỉ tiêu và đây là cơ sở quan trọng để xác định việc làm. Sinh viên sẽ yên tâm khi theo ngành sư phạm.

Sớm điều chỉnh chất lượng dạy của các cơ sở đào tạo sư phạm, công khai số liệu sinh viên tốt nghiệp có việc làm, đánh giá điều kiện bảo đảm chất lượng cho phép học sinh có thể tham khảo khi đăng ký theo học, trường nào có điều kiện tốt thì có sự ưu tiên.

Sớm cải tiến phương án cung cấp tài chính, đào tạo theo chương trình và chỉ tiêu đặt hàng. Với những trường sư phạm nhà nước đầu tư thì nhà nước có quyền đặt hàng, tránh đầu tư trên đầu sinh viên như hiện nay. Việc đặt hàng phải thiết kế đúng và hợp lý, ưu đãi học bổng cao và cam kết việc làm. Còn hiện nay chúng ta đang rất lãng phí.

Đối với các trường sư phạm đây là thời cơ để cải tổ, thay đổi, xây dựng lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, mạnh dạn cải tổ và có phương án liên thông giữa các hệ thống, các cơ sở sư phạm trên cả nước. Cần có sự thay đổi quyết liệt trong nội tại các trường sư phạm.

 

Theo LÊ HÀ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm