Cập nhật: 08/09/2017 14:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm học mới bắt đầu cũng là thời điểm thị trường sách tham khảo trở nên sôi động. Tuy nhiên sự tăng lên của số lượng đầu sách tham khảo lại không tỷ lệ thuận với chất lượng, thể hiện qua một số hiện tượng như cẩu thả về nội dung, chất lượng in kém, sai sót về kiến thức…

Dù không phải tài liệu bắt buộc sử dụng trong chương trình học chính khóa nhưng lâu nay sách tham khảo vẫn được phụ huynh học sinh coi trọng, xem là nguồn bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng thông qua các dạng bài tập nâng cao,… từ đó giúp con em học tập tốt hơn. Ngay khi năm học mới bắt đầu, nhiều phụ huynh đã tìm mua loại sách này, nhất là các sách chuyên đề, được coi là viết có hệ thống, đi sâu vào từng môn học. Trước nhu cầu thực tế, không ít đơn vị xuất bản tham gia in ấn, phát hành, khiến thị trường sách tham khảo ngày càng sôi động. Nhưng cũng chính sự sôi động này lại khiến phụ huynh đau đầu khi muốn lựa chọn sách phù hợp với con em mình trước vô số chủng loại sách có tên na ná nhau, như: bài tập bổ trợ và nâng cao, bài tập trắc nghiệm, hướng dẫn học tốt, toán năng khiếu, các bài văn mẫu…

Ðiều khiến nhiều người lo ngại là sự đa dạng, phong phú của thị trường sách tham khảo chưa tương xứng với chất lượng cần có. Bởi với một cuốn sách tham khảo, người sử dụng không chỉ tiếp nhận lời giải, mà còn cần qua đó học được cách làm bài, sự chặt chẽ trong tư duy khoa học, sự hứng thú trong cách gợi mở của tác giả… Một cuốn sách tham khảo bảo đảm chất lượng là phải chính xác về nội dung và đưa ra được những hướng dẫn, gợi mở sinh động, kích thích sự sáng tạo của học sinh.

Tuy nhiên, trên thị trường sách tham khảo lâu nay tồn tại một số đầu sách kém chất lượng, kiến thức không chuẩn, thậm chí sai kiến thức cơ bản. Có thể kể đến như: "Bài tập cuối tuần Toán 5 - tập 2" (nằm trong bộ sách Bài tập cuối tuần Toán từ lớp 1 đến lớp 5 do Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục ấn hành); "Phép cộng trừ trong phạm vi 100 đo thời gian cho học sinh lớp 1" (tác giả Hoàng Long, đã giả mạo giấy phép của NXB Trẻ để lưu hành bất hợp pháp trên thị trường); "Ðồng dao dành cho trẻ mầm non" (NXB Mỹ thuật liên kết với Công ty Ðinh Tỵ ấn hành); "Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ" (NXB Dân trí)…

Về nguyên tắc, sách tham khảo bảo đảm chất lượng và được dùng đúng mục đích sẽ có ích, có ý nghĩa tích cực với người sử dụng (học sinh, giáo viên, người có nhu cầu tìm hiểu). Các giá trị đó sẽ giảm ý nghĩa khi người soạn sách vi phạm phương pháp biên soạn, chỉ nhằm trả lời các câu hỏi gợi mở trong sách giáo khoa để tổng hợp làm thành sách tham khảo! Ðiều này dẫn đến tình trạng học sinh ỷ lại, không chịu khó suy nghĩ để tìm ra cách giải bài tập. Vi phạm phổ biến thứ hai là người soạn sách tham khảo tùy tiện sao chép một phần, hoặc xào xáo nội dung từ các sách tham khảo khác cùng chủ đề, rồi đặt tên như một cuốn sách mới xuất bản để đánh lừa người mua. Thậm chí có tình trạng một hoặc nhóm tác giả không có chuyên môn nhưng vẫn tự biên soạn, tổng hợp từ nhiều nguồn rồi in thành sách. Ði cùng với đó là hiện tượng làm giả giấy phép xuất bản sách tham khảo,...

 

Nhiều phụ huynh vì mong muốn con em học giỏi, được mở mang kiến thức mà coi sách tham khảo như là yêu cầu bắt buộc, nên đã tự mua và ép con em phải đọc như sách giáo khoa! Một số NXB nắm bắt nhu cầu cảm tính đó đã mạnh ai nấy in, khiến thị trường sách tham khảo càng rối loạn. Ở bậc tiểu học - cấp học mà việc nâng cao kiến thức chưa thật sự cần thiết, nhưng số đầu sách tham khảo hai môn Toán và Tiếng Việt hiện có gần 600 loại (riêng môn Tiếng Việt lớp 5 có hơn 110 đầu sách) của nhiều NXB, như: Ðại học Sư phạm, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Ðại học Quốc gia Hà Nội, Giáo dục, Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, Thời Ðại, Hải Phòng, Ðà Nẵng, Mỹ Thuật,… phát hành.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sách tham khảo ngày càng nhiều nhưng chất lượng lại không đáp ứng được yêu cầu phải có. Trước hết là do bất cập trong quản lý nội dung sách. Sách tham khảo thuộc lĩnh vực giáo dục nhưng Bộ Giáo dục và Ðào tạo không quản lý nội dung các ấn phẩm, trong khi đó Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) là đơn vị quản lý lĩnh vực xuất bản nhưng không chịu trách nhiệm về nội dung. Theo quy định hiện hành, người đứng đầu NXB chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản phẩm của đơn vị mình. Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận, một số NXB buông lỏng quản lý, nhất là trong vấn đề liên kết với đối tác. Có NXB phó thác gần như toàn bộ cho đơn vị liên kết từ chọn bản thảo, biên tập đến in ấn, phát hành, NXB chỉ giữ vai trò cấp giấy phép.

Thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết mỗi năm có khoảng 80 đến 90% số đầu sách được in ấn, phát hành là sách liên kết và trong số các xuất bản phẩm vi phạm bị xử phạt thì có tới 90% sai phạm thuộc về sách liên kết xuất bản. Mặt khác hiện nay tại nhiều NXB, số lượng và năng lực của biên tập viên chưa bảo đảm, chưa kể có NXB dù chỉ có vài biên tập viên mà mỗi năm vẫn cho ra hàng trăm đầu sách, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ðây là nguyên nhân dẫn đến các "thảm họa biên tập", "thảm họa xuất bản" mà báo chí từng đề cập. Thậm chí, từng xảy ra những vụ việc các nhà sách mượn danh nhà giáo có uy tín để tự làm sách, nội dung đầy sai sót. Ðáng lo ngại là, hầu hết sách sai phạm chỉ bị phát hiện sau khi đã xuất bản và lưu hành trên thị trường trong một thời gian dài.

 

Thời gian qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã nỗ lực phát hiện và xử phạt các đơn vị để xảy ra sai phạm. Năm 2016, Cục đã xử lý 163 xuất bản phẩm vi phạm của các NXB, trong đó 67 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung; 42 xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, lỗi chính tả, kiến thức cơ bản; 48 xuất bản phẩm vi phạm các quy định khác của luật xuất bản, như: xuất bản sai thông tin ghi trên xuất bản phẩm, vi phạm bản quyền xuất bản phẩm và xử lý sáu xuất bản phẩm mạo danh NXB, in lậu, nhập lậu, lưu hành bất hợp pháp… Ðiều khiến dư luận băn khoăn là việc xử lý sai phạm trong lĩnh vực xuất bản hiện còn nhiều bất cập, chủ yếu là phạt tiền; đình chỉ, thu hồi sách có vi phạm. Tuy nhiên, có thể thấy mức xử phạt này còn quá thấp so với lợi nhuận thực tế mà các đơn vị xuất bản và phát hành thu về, nên không đủ sức răn đe, dẫn đến việc đối tượng bị xử phạt xong lại tiếp tục vi phạm.

Quản lý thị trường sách tham khảo, là việc cần làm ngay vì chất lượng sách tham khảo ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập, tích lũy kiến thức của người sử dụng. Sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ trong quản lý chất lượng cũng như quản lý "đầu ra" của sách tham khảo cần được chấn chỉnh. Theo đó, các bộ, ngành liên quan phải có quy định rõ ràng, trong quản lý sách tham khảo để có một đầu mối quản lý thống nhất. Chế tài xử phạt cần đủ sức răn đe. Cục Xuất bản, In và Phát hành cần phối hợp các NXB, các đơn vị liên quan phát hiện kịp thời sai phạm ngay từ khâu kiểm duyệt, tức là tiền kiểm thay vì hậu kiểm như lâu nay.

Về phía các NXB, cần quản lý chặt chẽ khâu liên kết, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên để hạn chế thấp nhất sai sót về kiến thức. Ðối với phụ huynh, cần có sự định hướng sử dụng sách tham khảo hiệu quả cho con em để sách thật sự là công cụ hữu ích cho học tập. Sách tham khảo chỉ có tác dụng bổ trợ kiến thức cho học sinh trong quá trình học tập, do đó điều quan trọng nhất đối với học sinh vẫn phải là nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, bởi đó là kiến thức cơ bản, nền tảng, cần thiết trước hết cho các em.

 

Theo KHÁNH AN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm