Cập nhật: 24/09/2017 14:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hàng loạt hạn chế trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 cần phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục kịp thời.

Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 được dư luận đánh giá cao khi có nhiều thay đổi thuận lợi cho thí sinh cũng như các trường. Thế nhưng, vẫn còn đó hàng loạt hạn chế cần phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục kịp thời. Đó là, độ chênh quá lớn giữa 3 bậc đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp. Đó là, sự mất cân đối giữa nhu cầu tuyển sinh với nhu cầu nhân lực thực tế, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp cao trong tương lai…

 

(Ảnh minh họa)

Tín hiệu khả quan nhất là năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo giao cho các trường chủ động hoàn toàn trong chính sách tuyển sinh. Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, chính sách này giúp các trường linh hoạt hơn trong việc lên kế hoạch lựa chọn nguồn tuyển. Bên cạnh đó, các vấn đề kỹ thuật cũng được hạn chế tối đa so với 2 năm trước. Điều này đã tạo được nét riêng trong chiến lược tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các trường tốp trên.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói: “Các trường danh tiếng có thể tổ chức thêm những kỳ thi phụ hoặc xét thêm yêu cầu phụ. Những trường đầu vào mở hơn thì chỉ cần đạt điểm tối thiểu hoặc xét theo học bạ. Như vậy đã có sự phân hóa rõ ràng”.

Những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm nay giúp thí sinh gia tăng cơ hội vào đại học. Chỉ tiêu bậc đại học năm 2017 cũng được điều chỉnh tăng so với 2 năm trước. Năm nay, cả nước có hơn 400.000 chỉ tiêu cho bậc đại học với cả 2 hình thức xét tuyển là dựa vào kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia và xét học bạ. Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quốc tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc Bộ Giáo dục – Đào tạo liên tục điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh bậc đại học có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn. Trong đó, đáng ngại nhất vẫn là tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” kéo dài suốt nhiều năm qua.

Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý nhận định: “Chỉ tiêu bậc đại học ngày càng tăng, chưa tính trường hợp các trường xin mở thêm ngành mới. Đặc biệt, cái nguy hiểm nhất vẫn là xét tuyển bằng học bạ. Việc xét học bạ này dẫn đến nhiều trường rất dễ dãi trong tuyển sinh, có học trò vào là nhận hết. Chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông là có thể vào đại học rồi. Các trường đại học tuyển sinh nhiều chỉ tiêu như vậy dẫn đến hết nguồn cho các trường cao đẳng, trung cấp”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, nếu các trường đại học lạm dụng hình thức xét tuyển bằng học bạ rất có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của sinh viên và dễ phát sinh tiêu cực. Cùng suy nghĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách tuyển sinh hiện nay đang tạo nên suy nghĩ sai lầm trong nhiều bạn trẻ. Khi xã hội vẫn còn chuộng bằng cấp, để an toàn, không ít thí sinh quyết định lựa chọn ngành dễ đậu mà học chứ không phải ngành cần biết để làm việc sau khi hoàn tất chương trình. Hệ lụy của việc này chính là tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng: “Hiện nay công tác tuyển sinh cũng như đào tạo của nhiều trường đại học chủ yếu đào tạo theo nhu cầu người học chứ không phải theo nhu cầu xã hội. Người học muốn học ngành gì thì các trường mở đào tạo ngành đó và chủ yếu đào tạo những ngành đầu tư ít. Đây là sự lãng phí không chỉ về tài nguyên giảng dạy mà còn lãng phí về tài nguyên nhân lực của những người trẻ. Các bạn học một số chương trình rồi khi tốt nghiệp không làm được gì cả hoặc ra trường nhiều quá. Như vậy là đào tạo thừa”.

Nhiều chuyên gia giáo dục phân tích, sở dĩ có sự mất cân đối trong hệ thống đào tạo từ trung cấp đến đại học hiện nay, một phần lỗi nằm ở chính sách tuyển sinh. Được linh hoạt trong chỉ tiêu nhưng đa phần các trường chưa làm tốt công tác dự báo nguồn nhân lực để kịp thời điều chỉnh ngành đào tạo, chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Do vậy đã xuất hiện tình trạng mất cân đối trong nguồn nhân lực phục vụ các nhóm ngành nghề khác nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, để cải thiện thực trạng này, bản thân các trường đại học phải tự điều chỉnh chính sách tuyển sinh cũng như chương trình đào tạo. Về phía Bộ Giáo dục – Đào tạo, đại diện nhiều trường cao đẳng, trung cấp kiến nghị, Bộ cần khẩn trương rà soát và siết lại chỉ tiêu bậc đại học ngay trong kỳ tuyển sinh tới. Không nên để các trường tuyển sinh tràn lan theo nhu cầu của mình mà phải tuyển sinh theo nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần quyết liệt hơn trong công tác định hướng, phân luồng để học sinh ngay từ khi tốt nghiệp trung học cơ sở đã có đủ thông tin chọn lựa ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân./.

Mỹ Dung/VOV-TPHCM

Tệp đính kèm