Theo Đông y, hươu vốn dương khí mạnh không tiết ra ở bộ phận sinh dục nên phải mọc sừng để báo hiệu dương khí của nó đã vượng phải thoát ra.
Sừng non của hươu cho vị thuốc nhung hươu.
Theo Đông y, hươu vốn dương khí mạnh không tiết ra ở bộ phận sinh dục nên phải mọc sừng để báo hiệu dương khí của nó đã vượng phải thoát ra. Những loài vật khác thì chỉ mọc sừng một lần khi trưởng thành, nhưng hươu thì do khí lực mạnh nên năm nào cũng mọc sừng, mà chỉ trong vòng 45 ngày sừng đã phát triển 400-500g, có con do khí lực mạnh nên phát triển đến 600-700g, một năm hươu có thể mọc sừng hai lần. Sừng của hươu có đặc điểm hai chồi, một chồi dương và một chồi âm. Một con đực lại mọc hai sừng, bốn chồi mà ta thường gọi là một cặp. Sừng hươu non mềm có lớp lông tơ ở ngoài mịn, nên mới có tên gọi là “nhung hươu”. Cũng có địa phương gọi lộc nhung (lộc là sừng non, nhung là lớp lông mịn trắng ở ngoài). Một cặp nhung tốt thường có bốn phần khác nhau: nhung huyết ở phần đầu, rồi đến nhung lộc, nhung sương và nhung giác. Nhung giác ở phần cuối, khi dùng nhung phải đủ một cặp và có đủ cả bốn phần nói trên mới tốt, vì có đủ cả âm dương, khí huyết. Trong Đông y có hai vị thuốc quí đứng đầu bảng là “sâm” và “nhung”.Không nên nhầm lẫn giữa sừng hươu và sừng nai. Sừng nai thường gọi là “mê” không tốt bằng sừng hươu.
Nhung hươu có vị ngọt mặn, tính ôn vào kinh thận, can, tâm và tâm bào lạc. Có tác dụng bổ tinh ích khí trợ dương. Dùng để điều trị thận khí hư suy, người sức khỏe yếu nên hay mệt mỏi, chóng mặt hoa mắt, đau lưng mỏi gối, di tinh, hoạt tinh, xuất tinh sớm, dương vật không cương cứng, lãnh cảm tình dục. Phụ nữ kinh nguyệt không đều, băng huyết, rong huyết, khí hư, khô âm đạo. Người cơ thể suy nhược sau khi ốm nặng. Trẻ em gầy yếu, còi xương, chậm lớn, người cao tuổi sức khỏe sút kém...
Cách dùng: dùng tươi hoặc sấy khô. Nhưng dùng tươi là tốt nhất. Sau khi làm sạch lông vì lông dễ gây viêm ruột. Thái lát, ngâm với mật ong sau 9-10 ngày dùng, nếu người uống được rượu thì pha thêm rượu để tăng thêm tác dụng dẫn thuốc.
Hải Thượng Lãn ông đánh giá nhung hươu như sau: “Tính con hươu vốn dâm mà không bao giờ khí lực suy yếu, cho nên khi mọc sừng chưa đủ hai tháng đã lớn và dài, nặng đến hàng cân (một cân bằng 500g), sự sinh trưởng lạ lùng đó không có con gì bằng”. Sau hơn bốn mươi năm nghiên cứu qua thực tế lâm sàng: “Nhung hươu có tác dụng bổ tinh huyết và khí nguyên dương rất nhanh, người do thận hư đi tiểu đêm nhiều, đau lưng, hai đầu gối yếu, đi lại khó khăn. Sinh hoạt tình dục kém dùng rất tốt. Nhung hươu có tác dụng làm đầy tinh, huyết một cách nhanh chóng, làm cho khí nguyên dương đầy nhưng không đi càn, nên chữa chứng di tinh rất hay, nó còn có tác dụng nhuận phế. Rất có tác dụng với người gầy yếu, người mắc chứng hư lao thường xuyên hay gai sốt. Phụ nữ mắc chứng băng huyết, rong huyết. Điều hòa thân nhiệt nên trị chứng đau nhức trong xương sinh ra chứng âm thư (viêm cơ). Là vị thuốc cốt yếu để đào thải huyết cũ sinh huyết mới”.
TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng
Theo suckhoedoisong.vn