Cập nhật: 30/09/2017 10:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để học sinh du học ở nước ngoài tránh học phải trường “rởm”, các em cần tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo, trường học đã được kiểm định chất lượng...

Hiện nay, nhiều học sinh muốn đi du học nước ngoài nhưng lại không biết rõ trường học, hình thức, chương trình đào tạo và chất lượng giảng dạy ở các ngành học của một trường ĐH ở một nước nào đó.

Vì vậy, nhiều du học sinh sau vài năm học tập ở nước ngoài cầm về tấm bằng tốt nghiệp đại học, tiến sĩ của một cơ sở giáo dục nhưng lại không có giá trị về chất lượng nên rất khó được chấp nhận trong quá trình tuyển dụng vào làm việc... Như vậy, họ đã lãng phí rất nhiều tiền bạc và thời gian, thậm chí là chuốc thêm lo lắng.

Ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, người đi du học có nhiều động cơ khác nhau. Một số người cốt đi du học để có được bằng cấp tại một trường ĐH ở nước ngoài với mục đích “khoe mẽ”. Với những người này thì có đưa ra lời khuyên đối với họ cũng bằng thừa.

Còn những người đi học với mục đích có trình độ để về làm việc tốt hơn thì lời khuyên đối với họ là trước khi đi du học ở một nước nào đó cần tìm hiểu kỹ hồ sơ về trường ĐH, chương trình học của trường mà bạn đang có ý định sẽ học tập.

Học sinh muốn đi du học nước ngoài cần tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo, trường học đã được cơ quan, tổ chức uy tín kiểm định chất lượng hay chưa (ảnh minh họa)

Nếu trường học không có một tổ chức kiểm định uy tín nào do Nhà nước, Chính phủ một nước công nhận thì trường đó không đảm bảo độ an toàn cho du học sinh. Khi chọn một ngành nào đó ở trường, các du học sinh cần tham khảo và xem xét kỹ chương trình học đã được kiểm định chưa. Bởi vì, có thể trường ĐH đã được kiểm định chất lượng nhưng chương trình của một ngành học nào đó chưa chắc đã được kiểm định. Thông thường, chương trình của ngành học chưa được kiểm định là những ngành mới được mở.

Để biết thông tin về chất lượng các trường ĐH, chương trình ngành học của một trường ĐH ở một nước nào đó, du học sinh có thể tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng hay đến các tổ chức, trung tâm tư vấn du học đã được cấp phép.

Hiện nay đang có tình trạng nhiều du học sinh sau khi đi học ở nước ngoài về, cầm tấm bằng ĐH thì bị nơi tuyển dụng hoặc các cơ sở giáo dục trong nước không công nhận. Như vậy, du học sinh đã bị thiệt thòi và đành chấp nhận sự rủi ro.

Theo ông Lê Viết Khuyến, ở nhiều nước, người dân có thể biết rất rõ thông tin chất lượng giáo dục, chương trình đào tạo của các trường ĐH. Tuy nhiên, việc kiểm định chương trình học ở Việt Nam hầu như chưa có; còn tỷ lệ kiểm định nhà trường còn rất ít. Đặc biệt, thông tin về các cơ sở giáo dục nước ngoài còn chưa được thông tin sâu rộng nên người học còn chưa biết rõ được chất lượng thực tế của các trường ra sao.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT cũng cần lưu tâm và có trách nhiệm hơn đến việc đảm bảo quyền lợi của người học và du học sinh. Ví dụ Bộ có thể trả lời trực tiếp với các học sinh về các vấn đề du học hay có những công bố thường xuyên hơn về chất lượng chương trình đào tạo của các trường ĐH nước ngoài để học sinh biết rõ.

Còn nếu ngành Giáo dục đã công nhận bằng cấp hay chương trình học của một trường ĐH ở một nước nào đó thì cũng phải thông tin cho người học một cách rõ ràng. Việc công nhận phải thực hiện một cách khoa học, kỹ lưỡng./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm