Tuần lễ cấp cao APEC sẽ chính thức diễn ra từ ngày 6 đến 11-11 tại thành phố biển Đà Nẵng, dự kiến thu hút hơn 10 nghìn vị khách là nguyên thủ, quan chức, lãnh đạo tập đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC và khách mời từ nhiều nơi trên thế giới. Ngành du lịch xác định, việc đón tiếp, phục vụ các đại biểu quốc tế tham dự sự kiện này chính là vinh dự, trách nhiệm của du lịch Việt Nam; và đây cũng là cơ hội “vàng” để quảng bá du lịch nước nhà.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 1995, lượng khách du lịch toàn cầu tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ chiếm 19%, trong khi tới châu Âu là 60%. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, tỷ lệ nêu trên sẽ tăng đáng kể ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 27% và giảm xuống chỉ còn 46% đối với khu vực châu Âu. Xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì những năm tiếp theo. Điều đó cho thấy, các nước APEC đang dần khẳng định vị thế là điểm đến thân thiện, hấp dẫn hàng đầu thế giới. Và nếu biết tận dụng thời cơ, việc tổ chức Hội nghị APEC tại Việt Nam sẽ giúp chúng ta đón đầu xu hướng tăng trưởng khách quốc tế trên thế giới, đưa nước ta trở thành một trong những điểm du lịch năng động nhất khu vực.
Với ưu tiên của Diễn đàn APEC 2017 là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; du lịch Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận các nguồn lực đầu tư và kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch bền vững gắn với tăng trưởng xanh, nâng cao khả năng ứng phó biến đổi khí hậu, đẩy mạnh tự do hóa và thương mại hóa thông qua du lịch để nâng cao chất lượng sống người dân. Một trong bốn ưu tiên của APEC 2017 là “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số”. Vì thế, du lịch Việt Nam với chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội tiếp cận sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn trong khu vực, nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như tận dụng thế mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển du lịch. Qua đó, doanh nghiệp trong nước có điều kiện thuận lợi để kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài xây dựng sản phẩm mới, hợp tác trao đổi khách, nâng cao chất lượng phục vụ đối với ngành có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, liên khu vực như du lịch.
Năm 2016, khách du lịch từ các nền kinh tế thành viên APEC tới Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu lượt trong tổng số 10 triệu lượt khách, chiếm 81% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Điều này khẳng định, APEC là thị trường lớn và chủ yếu của du lịch nước ta. Như vậy, việc tổ chức APEC tại Việt Nam là cơ hội quan trọng để các đại biểu tham dự có những trải nghiệm du lịch chân thực, thú vị; từ đó giới thiệu du lịch Việt Nam tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng và lan tỏa hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, giàu bản sắc văn hóa, thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện… ĐỂ phục vụ đón tiếp hơn 10 nghìn đại biểu quốc tế tham gia Tuần lễ cấp cao APEC, Đà Nẵng đã phối hợp các chủ đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng trong lĩnh vực du lịch để sẵn sàng phục vụ lãnh đạo các nước cũng như các nhà kinh tế, doanh nhân.
Đến nay, việc bố trí 13 nghìn phòng chất lượng cao tại các khách sạn, resort khu vực ven biển để đón tiếp các đại biểu đã được hoàn tất. 34 cơ sở ẩm thực và 18 cơ sở mua sắm cũng chuẩn bị sẵn sàng. Để các khách mời, phóng viên quốc tế cảm nhận rõ nét nhất tiềm năng du lịch độc đáo của dải đất miền trung, Đà Nẵng đã lựa chọn sáu tua tiêu biểu gồm: Ngũ Hành Sơn - Bảo tàng Chăm - bán đảo Sơn Trà, Bà Nà - đường lên tiên cảnh, Ngũ Hành Sơn - phố cổ Hội An, Đà Nẵng - Cố đô Huế, suối khoáng nóng núi Thần Tài, và trải nghiệm sông Hàn trên du thuyền về đêm. Đáng chú ý, xác định yếu tố mang tính quyết định là con người, Đà Nẵng đã phát động chiến dịch Nụ cười Đà Nẵng hướng đến APEC 2017 nhằm vận động người dân thân thiện, niềm nở, tạo thiện cảm đối với khách du lịch. Những bước chuẩn bị tính đến thời điểm này đã phần nào cho thấy sự nhạy bén, chủ động, quyết tâm của ngành du lịch tận dụng cơ hội “vàng” để tạo cú huých phát triển.
Theo ĐẮC LINH
Báo nhandan.com.vn