Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự báo năm 2017 Việt Nam sẽ đạt và vượt 13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Bản Phùng với những thửa ruộng bậc thang vàng ươm khi vào mùa lúa chín từ lâu đã trở thành vẻ đẹp mang tính biểu tượng của huyện Hoàng Su Phì. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Tăng trưởng khách du lịch là điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội, đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 mà Chính phủ đã xác định.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn cho rằng nếu không có biến động gây ảnh hưởng lớn thì ngành du lịch có thể đạt được chỉ tiêu đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% mà Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Đặc biệt coi trọng xúc tiến, quảng bá
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10/2017 đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 5% so với tháng 9/2017. Đây cũng là tháng thứ 7 tính từ đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1 triệu lượt người/tháng.
Như vậy, trong 10 tháng của năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt hơn 10,47 triệu lượt, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2016; các thị trường khách quốc tế đều tăng đáng kể... Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm 2017, ngành du lịch đã tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, trọng tâm là chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường trọng điểm.
Năm 2017 được coi là năm sôi động của công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở các thị trường quốc tế. Đây chính là một nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy ngành du lịch thực hiện chỉ tiêu về tăng trưởng khách quốc tế.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, ngành du lịch đã thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ngay từ đầu năm, cao điểm là quý 2-3 và tháng đầu tiên của quý 4. Việc quảng bá, xúc tiến được tiến hành rộng khắp ở tất cả các thị trường khách trọng điểm của du lịch Việt Nam, gồm cả thị trường gần, thị trường xa, thị trường có số lượng khách lớn, thị trường khách có chi tiêu cao...
Điểm mới của công tác xúc tiến, quảng bá năm nay là đã huy động được nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác. Kinh phí xúc tiến, quảng bá không tăng so với những năm trước, nhưng quy mô sự kiện ở các thị trường lớn hơn rất nhiều, hiệu quả cũng cao hơn. Mặt khác, việc chuẩn bị nội dung quảng bá, xúc tiến đã được cải thiện, tính chuyên nghiệp được nâng cao hơn so với những năm trước.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Tuấn: Khó khăn lớn nhất trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vẫn là kinh phí còn hạn chế. Nếu kinh phí nhiều hơn, ngành du lịch sẽ triển khai được nhiều chương trình có quy mô lớn hơn. Ngành du lịch hy vọng vấn đề kinh phí sẽ được khắc phục từ năm 2018 khi Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch hình thành, tích cực hỗ trợ nguồn lực cho xúc tiến, quảng bá. Bên cạnh đó, ngành du lịch tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo và tận dụng tốt hơn nữa công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến, quảng bá. Ngành du lịch tiếp tục kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam cùng chung tay đóng góp vào công tác xúc tiến, quảng bá vì thương hiệu du lịch quốc gia...
Trong những tháng còn lại của năm 2017, Tổng cục Du lịch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam tại một số thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ; tham gia hội chợ quốc tế lớn ở châu Âu, đón các đoàn quốc tế đến từ các thị trường trọng điểm vào khảo sát du lịch Việt Nam. Tổng cục Du lịch cũng đã lên kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch nước nhà trong năm 2018, đảm bảo thực hiện tốt việc này ngay từ đầu năm.
Giải pháp trọng điểm
Mục tiêu lớn của toàn ngành du lịch trong năm 2017 là nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đón tối thiểu 13 triệu lượt khách, đạt mốc tăng trưởng 30% so với năm 2016. Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch đang tập trung vào một số nhóm giải pháp trong những tháng cuối năm. Đầu tiên là toàn ngành du lịch vẫn tích cực tập trung thực hiện xúc tiến quảng bá du lịch, chú trọng vào các thị trường gần, có thể mang lại lượng khách lớn ngay lập tức như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Nga.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đích thân chỉ đạo việc này. Để thực hiện hiệu quả việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam những tháng cuối năm, Tổng cục Du lịch kiến nghị Chính phủ hỗ trợ một khoản kinh phí, hỗ trợ kết nối đường bay mới tới các thị trường trọng điểm.
Tiếp theo, Tổng cục Du lịch cho rằng ngành du lịch cần giữ ổn định chính sách và quản trị điểm đến thật tốt. Vì có giữ được điểm đến an ninh an toàn, vệ sinh môi trường thì du lịch Việt Nam mới giữ được hình ảnh, tạo được ấn tượng tốt với khách du lịch. Đây cũng là cách quảng bá du lịch tốt nhất. Ngành du lịch cũng cần kết hợp chặt chẽ với các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hãng hàng không để thu hút khách du lịch quốc tế.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng các hãng hàng không, cảng hàng không cần được tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối các chuyến bay thẳng, đưa khách quốc tế đến Việt Nam; mở các đường bay mới kết nối thị trường quốc tế với Việt Nam. Mặc khác, du lịch Việt Nam cần thực hiện tốt công tác xúc tiến, quảng bá tại chỗ trong Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017 sắp diễn ra tại Đà Nẵng; đồng thời tiếp tục xem xét mở rộng diện các quốc gia được miễn thị thực đơn phương, cấp thị thực điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam
Đến Hà Giang, du khách không thể không dừng chân trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng để chiêm ngưỡng phong cảnh hùng vĩ, nên thơ mà tự nhiên dành tặng cho mảnh đất cực Bắc này. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Mới đây, Tổng cục Du lịch đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến các đơn vị lữ hành, du lịch nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch, đạt mục tiêu được giao. Tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng để thu hút khách trong thời gian ngắn cần tập trung xúc tiến một số điểm đến quan trọng và sản phẩm du lịch nổi bật, có tính cạnh tranh cao so với các điểm đến trong khu vực. Các đại biểu đề xuất nên hướng vào Phú Quốc bởi điểm đến này đang có thuận lợi từ cơ chế đặc thù, có tiềm năng thu hút nhiều khách du lịch.
Hiện khách quốc tế đến Phú Quốc được miễn visa trong vòng 30 ngày, sân bay Phú Quốc đang được đầu tư mở rộng. Nhiều hãng hàng không đã mở đường bay thường lệ, bay thuê chuyến đến Phú Quốc như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines, China Southern, Lucky Air...
Dự kiến từ ngày 1/11, hãng lữ hành lớn trên thế giới là TUI (UK) sẽ tổ chức các chuyến bay thuê bao từ Vương quốc Anh tới Phú Quốc; từ tháng 12/2017 đến tháng 4/2018, hãng lữ hành Alpitour Group của Italy sẽ tổ chức các chuyến bay thuê bao hàng tuần từ Milan, Italy tới Phú Quốc.
Trong vòng hai năm gần đây, số lượng cơ sở lưu trú tại Phú Quốc tăng nhanh, hiện Phú Quốc đã có 485 cơ sở lưu trú với tổng số 13.855 phòng, trong đó số lượng phòng khách sạn 4-5 sao có tốc độ tăng trưởng cao. Phú Quốc đã thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực khách sạn, du lịch, Phú Quốc hứa hẹn sớm trở thành trung tâm dịch vụ du lịch đẳng cấp của Việt Nam. Tuy nhiên, nơi đây cũng đòi hỏi cần có các chính sách, giải pháp đột phá để thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.
Theo THANH GIANG/TTXVN/VIETNAM+
https://www.vietnamplus.vn/nganh-du-lich-no-luc-hoan-thanh-muc-tang-truong-30/473088.vnp