Cập nhật: 05/11/2017 11:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đến tháng 9-2017, cả nước có 1.780 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tạo cạnh tranh tích cực trên thị trường du lịch Việt Nam. Không thể phủ nhận vai trò to lớn của kinh doanh lữ hành đối với những bước phát triển của ngành du lịch thời gian qua, nhất là về chỉ số tăng trưởng lượng khách quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn tồn tại những bất cập, gây khó khăn cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Kinh doanh lữ hành là hoạt động trung gian kết nối, xâu chuỗi các dịch vụ du lịch. Ở nước ta, sự liên kết, chia sẻ lợi ích giữa công ty lữ hành với các nhà cung ứng dịch vụ chưa thật sự được chú trọng cho nên chưa tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng, có mức giá cạnh tranh. Cũng do năng lực và nguồn lực tài chính còn hạn chế, lại thiếu chủ động kết nối, nhiều doanh nghiệp lữ hành trong nước dễ bị các đối tác nước ngoài chi phối, dẫn đến hiện tượng thao túng thị trường của một số công ty lữ hành nước ngoài, khi các công ty này giữ vai trò chủ động đưa khách đến và tận dụng lợi thế này để ép giá. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam lại có hành vi cấu kết, tiếp tay cho người núp bóng kinh doanh điều hành, tổ chức tua trái phép ảnh hưởng tới hình ảnh điểm đến, chất lượng dịch vụ và an ninh trật tự tại một số địa phương. Thời gian qua, việc phát hiện một số công ty kinh doanh không phép dẫn tới những thiệt hại lớn về sức khỏe, tính mạng của du khách cũng cho thấy hậu quả khôn lường của tình trạng kinh doanh "chui". Nhiều hình thức cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tồn tại, như: nhái thương hiệu kinh doanh, hạ giá tua đón khách…

Trong hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên (HDV) đóng vai trò là người truyền cảm hứng trong suốt hành trình khám phá. Nhưng thời gian qua, một số điểm đến thiếu HDV tiếng nước ngoài trầm trọng, nhất là ở các địa phương có lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc tăng "nóng". Khoảng trống này lập tức được doanh nghiệp lữ hành nước ngoài khai thác, tạo điều kiện để HDV người nước ngoài hoạt động trái phép, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, chưa kể họ còn giới thiệu sai lệch về lịch sử, văn hóa ở các di tích, danh thắng của nước ta. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có gần 20.000 HDV đã được cấp thẻ, trong đó có gần 8.000 HDV nội địa và gần 12.000 HDV quốc tế. Tuy nhiên, chỉ có một lượng rất nhỏ ký hợp đồng làm việc dài hạn ở các công ty lữ hành, còn chủ yếu tự do ký hợp đồng làm việc với các hãng lữ hành theo từng tua, tuyến cụ thể, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra chất lượng HDV. Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã phát hiện hàng trăm trường hợp sử dụng thẻ HDV và bằng cấp giả trong hồ sơ để xin cấp thẻ HDV. Ðáng lo ngại hơn, những thủ đoạn giả mạo ngày càng tinh vi và có hệ thống.

Đây là những vấn đề nổi cộm trong hoạt động kinh doanh lữ hành mà đến nay chưa thể giải quyết triệt để. Trên thực tế, hoạt động này liên quan đến nhiều dịch vụ khác nhau. Ngành du lịch chỉ trực tiếp quản lý doanh nghiệp lữ hành, HDV, khách sạn…; nhiều hạng mục khác trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch như vận chuyển, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, điểm mua sắm… lại do các ngành khác quản lý. Vì thế, để tổ chức tốt hoạt động kinh doanh lữ hành, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chức năng các cấp, với ngành du lịch, nhất là sự phối hợp của các ngành: thuế, quản lý thị trường, giao thông vận tải; đồng thời cần sự kết hợp liên ngành du lịch - công an - quốc phòng để quản lý cũng như kịp thời xử lý trường hợp người nước ngoài hành nghề du lịch bất hợp pháp.

Theo các chuyên gia du lịch, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh lữ hành, biện pháp quan trọng là đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra. Kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp, HDV vi phạm pháp luật. Trong năm nay, Tổng cục Du lịch đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra trên quy mô cả nước, tập trung triển khai Kế hoạch chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, HDV và phát động chiến dịch nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ lữ hành "chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng", HDV "chuyên nghiệp, thân thiện, yêu nghề". Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch cũng được triển khai nhằm nâng cao ý thức của những tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành. Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ra quyết định thành lập Hội HDV Du lịch Việt Nam. Cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu hội viên, lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, Hội cũng xác định phối hợp Tổng cục Du lịch trong quản lý thông tin, xây dựng chương trình tổng hợp về HDV; đồng thời kết hợp các địa phương trong quản lý hồ sơ cấp thẻ HDV, thẻ hội viên. Ðây là những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành, mang lại hy vọng tích cực cho hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, tạo đà cho du lịch phát triển.

 

Theo ÐẮC LINH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm