Xã hội hóa giáo dục đang đi chưa đúng hướng, chưa đảm bảo quyền lợi người học... Theo Luật Giáo dục năm 2005 và Nghị định 86 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các trường ngoài công lập, bao gồm cả đại học lẫn phổ thông đều được “tự xác định học phí”.
Do đó mức học phí trường ngoài công lập hoàn toàn là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, khi mức học phí mà nhà trường đề nghị tăng không theo kế hoạch, không có lộ trình, gây bị động cho phụ huynh đang xảy ra những bất đồng, gây dư luận xấu cho xã hội. Hậu quả học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi nhất nếu như phải chuyển trường, thay đổi môi trường học tập, ảnh hưởng đến sự phấn đấu và kết quả học tập của học sinh.
Điều đáng quan tâm trước những bất cập trên, đó là thẩm quyền của ngành Giáo dục trong việc giải quyết các vấn đề nêu trên. Bởi theo Luật Giáo dục, các cơ quan quản lý Nhà nước không có thẩm quyền quản lý việc thu chi của các trường ngoài công lập. Các trường này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Ngành Giáo dục địa phương chỉ giám sát về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo, còn về tài chính của trường thì chỉ các cơ quan về thuế mới được quyền giám sát.
Hiện nay, mức học phí trường ngoài công lập hoàn toàn là thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh (ảnh minh họa)
Không thể thu học phí như hình thức kinh doanh đơn thuần
Đóng góp vào việc kiểm soát thu học phí và chất lượng giáo dục ở trường phổ thông ngoài công lập, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm: Không thể coi thu học phí như nguồn thu của hình thức kinh doanh đơn thuần, mà học phí của người học với loại trường ngoài công lập, vừa phải cân đối quyền lợi của nhà đầu tư, quyền lợi của giáo viên, của nhà quản lý, vừa phải làm rõ sự hỗ trợ của nhà nước dành cho người học thông qua chính sách đất đai, thuế, tín dụng mà người học được hưởng…
Chính vì thế, chúng ta cần phải làm rõ trách nhiệm của Nhà nước với trường ngoài công lập. Để thực hiện được điều này, Quốc hội cần sớm xây dựng và ban hành Luật Đối tác công tư. Các nhà đầu tư sẽ tăng cường đầu tư vào những trường ngoài công lập khi họ thấy rõ những quy định chặt chẽ của luật pháp về lĩnh vực này.
Nếu thực hiện xã hội hóa giáo dục mà các trường ngoài công lập chỉ tính đến việc thu học phí của học sinh, đặc biệt với các em ở cấp học mầm non, sẽ khó đảm bảo tính khả thi, vì gia đình các em sẽ phải chịu mức học phí rất cao thì các nhà đầu tư mới có thể cân đối được việc chi tiêu tài chính.
Chỉ khi có sự hỗ trợ về đất đai, tín dụng và thuế của nhà nước hoặc nhà nước thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này mới hy vọng thu hút nhiều nhà đầu tư chung tay chia sẻ gánh nặng với Nhà nước, nhằm đảm bảo quyền của người học và bài toán thiếu 30 ngàn giáo viên công lập ở cấp học mầm non mới có lời giải thỏa đáng trong điều kiện tinh giản biên chế hiện nay.
Bà Ngô Thị Minh cho rằng, Nhà nước cần thể hiện rõ trách nhiệm của mình để hoạt động xã hội hóa giáo dục thực sự đi đúng hướng, thu hút đông đảo các nhà đầu tư tham gia, chung tay cùng nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Đó là điều mà nhiều đại biểu Quốc hội đang mong muốn.
Cần phải làm rõ loại hình trường vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận
Mặc dù hiện nay, Nhà nước đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư về đất đai, tín dụng khi phát triển các trường ngoài công lập chất lượng cao nhưng việc kiểm soát mức thu học phí của người học, nhằm bảo đảm tương xứng với chất lượng giáo dục và có cập nhật phần bù trừ sự hỗ trợ của nhà nước dành cho người học thông qua chính sách đất đai, tín dụng… vẫn chưa được cơ quan có trách nhiệm làm rõ
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Do đó, chính sách dành cho các trường ngoài công lập hoạt động không vì mục đích lợi nhuận chưa được áp dụng. Vì vậy, chưa thu hút các nhà đầu tư, và chưa thu hút được cả người dạy và người học.
Hiện tượng một số trường ngoài công lập đưa ra mức thu học phí quá cao mà chưa có sự kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng, chưa rõ sự bù trừ phần trách nhiệm của nhà nước, khiến nhiều phụ huynh phản ứng gay gắt.
Ngành Giáo dục chưa có biện pháp kiểm soát việc thu học phí của các trường ngoài công lập, chưa xác định rõ loại trường hoạt động theo hình thức vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, việc đưa ra mức học phí có tương xứng với chất lượng mà nhà trường cam kết, quảng cáo hay không cần được ngành chức năng giúp người dân làm rõ…
Trên thực tế, hiện nay có một số trường ngoài công lập đã công bố hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận. Các trường này hoạt động có doanh nghiệp đỡ đầu nhưng ngành Giáo dục chưa có cơ chế cụ thể để kiểm soát việc thu chi, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của trường.
Theo bà Ngô Thị Minh, khi cơ quan chức năng cấp phép cho các trường ngoài công lập thành lập và hoạt động thì cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong việc kiểm soát Đề án đầu tư và việc thu học phí của học sinh.
Theo đó, trong thời gian tới, khi xây dựng Luật Đối tác công tư cần quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước trong vấn đề đầu tư tài chính, đưa ra mức thu học phí phù hợp hơn.
Mặt khác, cũng cần làm rõ trường nào hoạt động vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý những trường ngoài công lập nói chung và trường ngoài công lập chất lượng cao nói riêng về vấn đề này.
Muốn vậy, khi xây dựng Luật Đối tác công tư cần phải tiến hành theo hướng đảm bảo học sinh ở trường công lập và ngoài công lập đều nhận được sự quan tâm bình đẳng của Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, làm cho công tác xã hội hóa giáo dục thực sự đi đúng hướng, vì quyền lợi của người dạy, người học, của Nhà nước và nhà đầu tư.
Theo Bích Lan/VOV.VN