Cập nhật: 22/11/2017 10:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ GD-ĐT phải tính toán đủ kinh phí, rõ ràng cho việc thực hiện chương trình, SGK mới ở cả Trung ương và địa phương.

Chiều 21/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, với 438/446 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 89,21%).

Việc lùi thời gian giảng dạy SGK mới đã được thông qua nhưng nhiều đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng, vấn đề hiện nay là ngành Giáo dục phải đảm bảo đổi mới chương trình, SGK mới được hiệu quả, chất lượng. Ngoài ra, việc cấp kinh phí cho các địa phương cần rõ ràng.

 

Chậm nhất từ năm học 2020-2021 mới thực hiện giảng dạy sách giáo khoa mới đối với cấp tiểu học (ảnh minh họa)

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn TP Đà Nẵng) cho rằng, sau khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính thức được ban hành thì khối lượng công việc đồ sộ phải thực hiện là xây dựng chương trình môn học, hoạt động giáo dục, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm, điều chỉnh SGK để phê duyệt và cho phép sử dụng rộng rãi.

Yếu tố quyết định thành công trong đổi mới giáo dục vẫn là giáo viên. Tuy nhiên, đề án công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục triển khai còn chậm. Hơn nữa, có những môn học và hoạt động giáo dục mới so với chương trình hiện nay cần phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho cả hệ thống giáo dục phổ thông.

Theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến, để đảm bảo tiến độ và chất lượng thực hiện chương trình, Bộ GD-ĐT cần tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại và quỹ thời gian thực hiện, tránh tình trạng phải điều chỉnh nhiều lần vào những năm sau.

Mặt khác, cần rà soát đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên. Cụ thể, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học cả nước thiếu 3,5%.

 

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn TP Đà Nẵng) - ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần sớm phê duyệt đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất và thực hiện đổi mới chương trình SGK. Trong đó, ưu tiên kiên cố hóa trường lớp đảm bảo đủ phòng học theo quy định, tránh tình trạng một lớp từ 45-50 học sinh.

Cần quy định rõ kinh phí cấp cho địa phương

Về kinh phí thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn TP Đà Nẵng) băn khoăn, hiện nay, nội dung kinh phí chưa được xác định đầy đủ.

Chủ yếu mới tính kinh phí phục vụ cho hoạt động ở cấp trung ương mà chưa rõ kinh phí của địa phương nên sẽ khó khăn cho địa phương trong việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới. Trong khi đó, tỷ lệ bố trí thời lượng giáo dục dành cho nội dung của địa phương, nhà trường được chủ động đưa vào cấp tiểu học là 16%, cấp THCS và THPT là 28%. Điều này đòi hỏi địa phương phải triển khai rất nhiều đầu việc.

Đại biểu Kim Yến đề xuất, ngành Giáo dục cần sớm hướng dẫn cụ thể để các địa phương và cơ sở giáo dục có thể chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các phần việc của mình.

 

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) - ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Quanh việc bố trí kinh phí cho thực hiện chương trình, SGK mới, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) bày tỏ, việc chuẩn bị kinh phí, tổng số vốn theo Quyết định số 455 của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/4/2015 là 80 triệu USD.

Trong đó, việc quản lý dự án được bố trí trên 2 triệu USD nhưng lại chưa tính đến, chưa cụ thể về kinh phí của địa phương phải bố trí đầu tư bổ sung đáp ứng số phòng học còn thiếu của cấp mầm non và tiểu học, các phòng học bộ phận, khối phòng học phục vụ học tập và thư viện, mua sắm bổ sung đáp ứng nhu cầu thiết bị dạy học tối thiểu, máy tính phục vụ công tác giảng dạy, thiết bị học ngoại ngữ...

Vì vậy, để kịp có thời gian triển khai về thời gian cũng như tiến độ hoàn thành, Bộ GD-ĐT phải tính toán đủ kinh phí thực hiện chương trình, SGK mới ở cả Trung ương và địa phương.  Bên cạnh đó là bố trí đủ vốn, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Trung ương cho sự nghiệp giáo dục để hỗ trợ các địa phương đầu tư kiên cố hóa phòng học và mua sắm trang thiết bị để đảm bảo yêu cầu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đồng bộ với lộ trình thực hiện chương trình SGK mới.

Xây dựng kế hoạch và nội dung truyền thông thật tốt, làm rõ những quan điểm khác nhau trái chiều trong việc thực hiện đổi mới chương trình SGK nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm