Cập nhật: 30/11/2017 10:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một trong những điểm mới được đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH là cho phép các các trường được thành lập doanh nghiệp, công ty.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học (ĐH) đang được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Một trong những điểm mới được đưa vào trong dự thảo là cho phép các cơ sở giáo dục ĐH được thành lập doanh nghiệp, công ty.

Tại điều 14 của dự thảo Luật sửa đổi lần này đã cho phép các cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp, công ty. Mục đích là nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế là chính chứ không phải kinh doanh.

Đây là thể chế hoá tư tưởng trong Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ là có cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các trường đại học nhằm thực hiện hoạt động ứng dụng triển khai thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

 

Các trường đại học sẽ được thành lập doanh nghiệp, công ty (ảnh minh họa)

“Nếu để các nhà khoa học tự thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình thì chắc là hiệu quả không cao. Bởi các nhà khoa học không được đào tạo về việc làm kinh doanh. Vì vậy cần phải có cơ chế doanh nghiệp để giúp đỡ họ chuyển tải kết quả nghiên cứu trong quá trình ứng dụng vào thực tế.

Từ kết quả thương mại hóa sẽ thúc đẩy các nhà nghiên cứu tìm tòi, sáng chế nghiên cứu những lĩnh vực theo yêu cầu của thị trường, có thể bán được kết quả của mình”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết.

Bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội cho biết, các trường có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, công ty, tập đoàn để triển khai các hoạt động thử nghiệm sản xuất kinh doanh cũng như phân phối, ứng dụng sản phẩm nghiên cứu.

Trong Luật Giáo dục hoặc Luật Giáo dục ĐH ở một số quốc gia đã cho phép các trường ĐH được tự quyết định cơ cấu doanh nghiệp hoạt động và triển khai, ứng dụng các hoạt động khoa học công nghệ ở trong trường.

 

Bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội (ngoài cùng bên trái)

Ở Pháp có quy định, trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng quản trị, các cơ sở giáo dục ĐH được xác định cơ cấu của mình. Còn ở Nhật Bản quy định, trong trường ĐH sẽ có các khoa nhưng trong trường hợp có lợi cho nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo thì có thể thành lập các tổ chức để làm cơ sở cho việc nghiên cứu ngoài khoa.

Khi nghiên cứu sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT và ban soạn thảo đã kết hợp, phát huy những mặt tích cực của Luật Giáo dục ĐH năm 2012, Nghị quyết 19 và kinh nghiệm hoạt động của các trường ĐH ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thực tế hiện nay tại Việt Nam, một số trường ĐH đã có doanh nghiệp hoạt động và ứng dụng rất tốt sản phẩm khoa học công nghệ, nghiên cứu của mình.

Theo bà Lan Anh, với quy định mới này sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện tốt hơn cho các trường ĐH ứng dụng sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ cho sự phát triển của đất nước./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm