Cập nhật: 05/12/2017 14:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ðể đội ngũ nhà giáo có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đòi hỏi ngay từ quá trình đào tạo của các trường sư phạm cần có sự đổi mới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát triển các trường sư phạm còn nhiều vấn đề đặt ra.

Sinh viên Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi kiến thức.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), đến hết năm học 2016 - 2017, cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó, có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và hai trường trung cấp sư phạm). Riêng 14 trường đại học sư phạm (trong đó, có bảy trường sư phạm trọng điểm) trực thuộc Bộ GD và ÐT là những trường chuyên đào tạo giáo viên các cấp, có lịch sử xây dựng và phát triển lâu đời, đội ngũ mạnh, cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ tốt trong đào tạo giáo viên. Ngoài ra, có 44 trường đại học đa ngành trực thuộc địa phương có đào tạo sư phạm, nhưng chủ yếu xuất phát điểm là chuyển từ trường cao đẳng sư phạm. Ðối với cao đẳng và trung cấp, ngoài một số trường sư phạm thì đang tồn tại khá nhiều trường kinh tế, kỹ thuật cũng tham gia đào tạo sư phạm.

Vì vậy, Bộ GD và ÐT đã tích cực triển khai các nội dung của chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm, tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt; ban hành và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong 5 năm qua, Bộ GD và ÐT đã chủ động cảnh báo về tình trạng thừa giáo viên và đề nghị hạn chế tuyển sinh vào sư phạm; yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên giảm chỉ tiêu khoảng 10%/năm; tính đến năm học 2016-2017, chỉ tiêu ngành sư phạm giảm khoảng 30% so với năm học 2012 - 2013. Ðáng chú ý, năm học 2016-2017, quy mô sinh viên cao đẳng sư phạm giảm 14,3%, chỉ còn 47.800 sinh viên.

Nhà giáo Lưu Trang, Trường đại học Sư phạm (Ðại học Ðà Nẵng) cho rằng, mặc dù chỉ tiêu đào tạo sư phạm đã giảm, nhưng với thực trạng hiện nay, số lượng giáo viên được đào tạo quá lớn so với nhu cầu xã hội. Việc đào tạo, sử dụng giáo viên thiếu thống nhất về tổ chức quản lý và kiểm soát. Ðể phát triển các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên, cần xem các trường sư phạm là trường đặc thù. Trong đào tạo, cần quy hoạch, sắp xếp lại một cách khoa học, chặt chẽ, hiệu quả và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Trước mắt, xây dựng các trường đại học sư phạm trọng điểm trở thành trường đại học sư phạm khu vực. GS, TS Phạm Hồng Quang, Trường đại học Sư phạm (Ðại học Thái Nguyên) phân tích: Ðể xây dựng chương trình đào tạo giáo viên mới, điều cản trở hiện nay là thay đổi nhận thức, quy trình thực hiện và nguồn lực. Vì vậy, để chuyển đổi, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên cần thực hiện ba bước: Từ nghiên cứu giáo dục phổ thông, nghiên cứu mô tả cấu trúc năng lực người giáo viên, đến nghiên cứu chương trình sư phạm hiện hành và đổi mới. Nếu thực hiện được ba bước này thì mới chuyển đổi đào tạo giáo viên từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Ðối với giảng viên các trường sư phạm cũng cần xây dựng cho mình các năng lực như: chuẩn bị, thực hiện (sử dụng ngôn ngữ, sử dụng thiết bị, hoạt động xã hội), đánh giá... để bảo đảm dạy học tốt, nâng cao chất lượng đào tạo. GS, TS Nguyễn Văn Minh (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, thực tiễn đào tạo giáo viên của Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho thấy, trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, cần đa dạng hóa như: Rèn luyện tại trung tâm nghiệp vụ sư phạm, thực tập thường xuyên tại các trường phổ thông, trường thực hành sư phạm... sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đánh giá, vấn đề đáng quan tâm, đó là hiện nay, chúng ta đang có rất nhiều trường đào tạo sư phạm, dẫn đến cung đang quá nhiều, cho nên cần nhìn nhận lại mạng lưới các trường sư phạm. Mặt khác, các trường lớn như Trường đại học Sư phạm Hà Nội chẳng hạn, sinh viên phải học tập rất khắc nghiệt, trong khi cùng đào tạo sư phạm thì có trường lại nhẹ nhàng hơn. Ðiều này gây khó khăn cho nơi tuyển dụng. Vì vậy, Bộ GD và ÐT có chủ trương sắp xếp lại các trường sư phạm là hợp lý.

Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ quyết tâm xây dựng chuẩn trường sư phạm. Ngành giáo dục sẽ quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường đại học sư phạm lớn, dần dần có chính sách để đầu ra - đầu vào hợp lý với sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan. Bộ sẽ cùng các trường sư phạm có những tính toán phù hợp trong phát triển, nhất là việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm phải được ưu tiên làm ngay. Trong đó, có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh. Ðể nâng cao chất lượng đào tạo, trong tuyển sinh, điểm đầu vào là một yếu tố, nhưng đồng thời quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Vì vậy, việc tuyển sinh đầu vào của các trường đào tạo giáo viên sẽ có những thay đổi trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Theo GIANG SƠN VÀ MẠNH XUÂN

nhandan.com.vn

Tệp đính kèm