Chương trình môn học mới được giảm tải như thế nào, khi nào thì có thể ban chính thức ban hành chương trình, bao giờ có sách giáo khoa mới... Đó là những vấn đề được đặt ra tại buổi họp báo về dự thảo chương trình môn học mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều ngày 19/1, tại Hà Nội.
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Nhiều biện pháp giảm tải trong chương trình mới
Thông tin với báo chí, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình mới gồm 21 môn học và hoạt động giáo dục.
Các chương trình môn học và hoạt động giáo dục được công bố lần này là cụ thể hóa của chương trình giáo dục tổng thể đã được Bộ công bố năm 2017.
Chương trình được xây dựng trên cơ sở hướng đến hình thành phẩm chất, năng lực người học. Vì thế, ở tất cả các môn học đều, ban soạn thảo đều phải xác định được năng lực chuyên môn của môn học, phân giải năng lực đó, từ đó xác định nội dung cần dạy.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chương trình mới có giảm tải cho người học hay không, trong khi chương trình hiện tại được coi là rất nặng kiến thức hàn lâm, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết có rất nhiều cách giảm tải được thực hiện trong chương trình mới.
Đó là việc giảm các nội dung kiến thức không cần thiết. Ví dụ, ở môn Toán, chương trình mới sẽ không còn những bài toán lắt léo đánh đố học sinh, lược bỏ những kiến thức không thiết thực thực như tứ giác nội tiếp, số phức...
Không chỉ là giảm bớt cơ học nội dung, ông Thuyết cho rằng việc tổ chức lại nội dung của chương trình mới cũng là cách để giảm tải.
Ví dụ, ở môn Lịch sử, chương trình hiện tại đang được tổ chức theo lối vòng tròn đồng tâm giữa các cấp học dẫn đến hiện tượng trùng lặp. Ở chương trình mới, môn Lịch sử sẽ có cách tổ chức khác nhau giữa các cấp học. Cụ thể, bậc tiểu học chủ yếu dạy ký ức lịch sử qua các câu chuyện lịch sử. Bậc trung học cơ sở dạy thông sử. Bậc trung học cơ sở dạy sử theo các chủ đề.
Cách giảm tải thứ ba là học tích hợp. Ví dụ, thay vì học ba môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thì ở bậc trung học cơ sở sẽ xây dựng môn mới là môn Khoa học Tự nhiên.
“Cách giảm tải nữa là thay đổi phương pháp đào tạo. Dạy học gắn với thực hành và vận động. Điều đó cũng giúp học sinh giảm tải,” giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.
Trong chương trình mới, phạm vi lớp học có thể mở ra ngoài khuôn viên nhà trường với những hoạt động trải nghiệm thực tế. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Có thể ban hành chính thức vào tháng Tư
Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, dự thảo chương trình môn học sẽ được công bố để lấy ý kiến đóng góp của công luận trong hai tháng.
Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến nhân dân để hoàn thiện chương trình. Việc tiếp thu và điều chỉnh được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến. Sau hai tháng, ban soạn thảo sẽ tổng hợp lại các đóng góp, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo những ý kiến có thể tiếp thu cũng như giải trình những ý kiến không tiếp thu.
Dự thảo sau khi hoàn thiện sẽ được báo cáo các hội đồng thẩm định. Mỗi môn học đều có hội đồng thẩm định riêng, tiếp đó là trình hội đồng quốc gia thẩm định.
Sau khi hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, chương trình sẽ được ban hành chính thức.
“Chúng tôi hy vọng có thể ban hành chính thức chương trình môn học vào tháng Tư,” ông Thuyết nói.
Cũng theo vị Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, sau khi có chương trình môn học, ban chỉ đạo chương trình còn rất nhiều việc phải làm như biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn cho người viết sách giáo khoa, người thẩm định sách giáo khoa, cán bộ quản lý, giáo viên.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng tuần tự trong từng cấp học, từ năm học 2019-2020 đối với lớp đầu cấp tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp đầu cấp trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của trung học phổ thông./.
Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/chuong-trinh-giao-duc-moi-bo-kien-thuc-thua-xoa-noi-dung-lat-leo/484877.vnp