Tiền ảo là loại tài sản chưa được cơ quan Nhà nước quản lý nên người dân khi thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo cần thận trọng, cân nhắc.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế.
Tại buổi họp báo quý IV của Bộ Tư pháp tổ chức chiều 23/1, trả lời câu hỏi liên quan đến đồng tiền ảo (Bitcoin), ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn tài sản ảo, tiền ảo (Bitcoin).
Qua quá trình rà soát vừa qua, tiền ảo Bitcoin và các loại tiền ảo khác hiện nay có tác động đến các hoạt động rửa tiền, buôn bán ma túy, hoạt động của tội phạm. Ngoài ra, tiền ảo còn liên quan đến an ninh tiền tệ và các giao dịch thanh toán khác.
"Bộ Tư pháp đang trong quá trình xây dựng hồ sơ quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Đến tháng 12/2018, Bộ Tư pháp sẽ trình hồ sơ lên Chính phủ để xem xét"- ông Hải cho hay.
Theo tiến trình của Bộ Tư pháp, dự kiến năm 2020, Bộ sẽ xem xét, đề xuất sửa đổi bổ sung các luật hiện hành trong hệ thống để phù hợp với việc quản lý tiền ảo, tiền điện tử.
Ông Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, Bộ Tư pháp nhất trí với Ngân hàng Nhà nước trong việc tiếp cận vấn đề tiền ảo. Cụ thể, giao dịch tiền ảo là ẩn danh, là công cụ của nhiều tội phạm trốn thuế, giao dịch thanh toán. Ngoài ra, tiền ảo là dạng kỹ thuật số, nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu rất cao. Bên cạnh đó, giá trị đồng tiền ảo biến động liên tục, rủi ro trong đầu tư rất lớn.
Đây là loại tài sản chưa được cơ quan quản lý Nhà nước nào quản lý nên khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý. Người dân khi thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo cần thận trọng, cân nhắc./.
Theo Hiền Anh/VOV.VN