Cập nhật: 04/02/2018 14:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ giao các trường tự chủ trong xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Riêng đối với các ngành thực hiện cơ chế đặc thù, ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT vẫn quản lý, phân bổ chỉ tiêu.

(Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)

PGS Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, các ngành triển khai theo Đề án thực hiện cơ chế đặc thù thí điểm đào tạo nhân lực ngành Du lịch và Công nghệ thông tin trình độ đại học giai đoạn 2017-2020 và các ngành thực hiện cơ chế đặc thù khác (nếu có) xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của cơ chế đặc thù trong thời gian quy định.

Đối với các ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành đào tạo giáo viên của cơ sở giáo dục theo trình độ đào tạo và quy định điều kiện bảo đảm chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo giáo viên.

Bộ GD-ĐT xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo và địa chỉ sử dụng nhân lực sau khi đào tạo của địa phương, của các tổ chức giáo dục, có các minh chứng kèm theo và điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực các ngành đào tạo giáo viên của cơ sở giáo dục theo các tiêu chí quy định.

Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường sư phạm tháng 12-2017, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã cho biết từ năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn với nhu cầu nhằm chấm dứt tình trạng giáo viên đào tạo ra nhưng không được sử dụng. Bộ GD-ĐT trước đó cũng họp bàn về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm và dự kiến quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

Theo PGS Trần Anh Tuấn, Bộ GD-ĐT đang xây dựng quy hoạch tổng thể lại hệ thống kèm theo một mạng lưới tiêu chuẩn trường sư phạm hiện đại, năng động, tự chủ; sử dụng các tiêu chuẩn này để kiểm định phân tầng xếp hạng các trường sư phạm và lấy kết quả này để sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm một cách khoa học, công bằng, khách quan. Hệ thống các trường sư phạm sẽ được hỗ trợ hình thành các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực của ngành sư phạm.

“Với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, Bộ GD-ĐT cũng đang triển khai Dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” với mục tiêu chung là Phát triển các trường sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” - PGS Trần Anh Tuấn chia sẻ.

 

Theo LÊ HÀ /nhandan.com.vn

Tệp đính kèm