Là vật nuôi thân thuộc, gẩn gũi, vừa thông minh, linh hoạt, vui nhộn, vừa ngộ nghĩnh, độc đáo và giàu ý nghĩa biểu trưng, chó được lấy làm hình ảnh ẩn dụ sinh động cho nhiều câu thành ngữ, tục ngữ rộng rãi mà thâm thuý của người Việt Nam...

* Chó ăn đá, gà ăn sỏi: Thuộc nơi đất đai trơ trọi, cằn cỗi và nghèo nàn.
* Chó ăn trứng luộc: Vớ bở và dễ dàng ngoài trí tượng tượng của người đời.
* Chó ăn vụng bột: Hành vi lấm lét, sợ sệt, hoảng loạn, được biểu hiện rõ rành rành, không che giấu nổi.
* Chó ba quanh mới nằm, người ba năm mới nói: Khuyên răn người ta trước khi nói phải suy nghĩ kỹ.
* Chó bỏ giỏ cua: Lâm vào cái thế bị kìm kẹp, chịu ép nhiều bề, khó đường tháo gỡ.
* Chó cắn áo rách: Đã khó khăn, khổ sở cùng cực lại còn gặp tai họa, rủi ro.
* Chó cắn ma: Cằn nhằn, dai dẳng như chó sủa đêm khi phát hiện có bóng người ẩn hiện vu vơ.
* Chó cậy (gần) nhà, gà cậy (gần) chuồng: Ỷ thế thuận lợi mà hung hăng, doạ nạt, bắt chẹt người khác.
* Chó chết hết chuyện: 1. Không còn kẻ hay gây chuyện thì không còn việc gì lôi thôi; 2. vấn đề cuối cùng hoặc quan trọng nhất đã kết thúc.
* Chó chui gầm chạn: 1. Thân phận nghèo hèn, mất chủ quyền, phải cam chịu nhẫn nhục nương nhờ vào thế lực, tài sản của người khác (thường dùng nói việc đi ở rể); 2. Chê kẻ ác đã bị thất thế, chẳng còn hại gì được ai.
* Chó cùng nhà, gà cùng chuồng: Những người có quan hệ thân thích, gần gũi phải biết thương yêu, đùm bọc nhau.
* Chó cùng rứt dậu: Xử sự liều lĩnh, làm bậy khi bị đẩy đến bước đường cùng.
* Chó cụp (cụt) tai: Kẻ bị thua phải rút lui thảm hại, nhục nhã
* Chó dại có mùa, người dại quanh năm: Người ngốc, người dại lúc nào cũng có.
* Cho dữ dùng xích ngắn: Tuỳ đối tượng mà có cách xử lý, khống chế.
* Chó đá vẫy đuôi: Chuyện phi lý, không có thực.
* Chó đen giữ mực: Ngoan cố, không chịu sửa chữa tật xấu, không chịu hối cải.
* Chó ghẻ có mỡ đằng đuôi: Đã xấu kém lại còn kiêu ngạo, hợm hĩnh
* Chó khô, mèo lạc: Loại người lang thang, vớ vẩn.
* Chó liền da, gà liền xương: 1. Chó, gà bị thương thì nhanh khỏi, không có gì nguy hiểm; 2. vết thương mau lành.
* Chó ngáp phải ruồi: 1. Gặp may một cách ngẫu nhiên, hiếm có; 2. Chuyện hú họa, chẳng mấy khi xảy ra.
* Chó săn, chim mồi: Kẻ xấu, làm tay sai cho người khác.
* Chó sống còn hơn sư tử chết: Có được quyền nhỏ còn hơn hư danh lớn.
* Chó tha đi, mèo tha lại: ít giá trị, bị chê bai, ruồng bỏ, bị đùn đẩy qua tay nhiều người.
* Chó treo, mèo đậy: Phải được giữ gìn, bảo quản kín đáo, chắc chắn.
* Chơi (với) chó, chó liếm mặt: Quá dễ dãi, xuề xoà, thân mật với kẻ xấu, người dại nên bị nhờn, bị đùa giỡn thô lỗ.
* Chửi chó, mắng mèo (Chửi mèo quèo chó): Mượn cớ mắng chửi cái khác nhằm biểu hiện sự tức giận đối với người nào đó.
* Đánh chó phải nể chủ: Xử sự có hại đến cái gì, người nào thì phải dè chừng nhân vật sở hữu, bảo trợ cho cái đó, người ấy.
* Gà què bị chó đuổi: Kẻ yếu lại bị tai nạn dồn dập.
* Hàm chó, vó ngựa: 1. Phương tiện tấn công, tự vệ đặc thù của động vật; 2. Những thứ dễ gây nguy hiểm, nên tránh.
* Lên voi xuống chó: Sự thay đổi địa vị đột ngột.
* Thui chó nửa mùa hết rơm: Phê phán sự thiếu chuẩn bị chu đáo trước khi làm một việc gì.
* Treo (đầu) dê bán (thịt) chó: Bịp bợm, phô trương, giả danh giả hiệu cái tốt đẹp để che giấu, để làm điều xấu xa.
ST