Theo quan niệm dân gian Việt Nam những người sinh năm Tuất thường được coi là thông minh, linh hoạt, mạnh mẽ, tài giỏi và thành đạt. Trong tiến trình lịch sử đất nước ta có rất nhiều người tuổi Tuất nổi tiếng, có vai trò và tầm ảnh hưởng đối với lịch sử dân tộc. Nhân dịp đón xuân Mậu Tuất 2018, xin giới thiệu một số danh nhân tuổi Tuất tiêu biểu trong lịch sử dân tộc.
1. Lý Công Uẩn
Ông sinh năm Giáp Tuất (974), quê Bắc Ninh, vị vua đầu tiên nhà Lý (hiệu là Thái Tổ). Nghị lực, thông minh, văn võ song toàn, ông được tiến cử vào quan trường, thăng đến chức Điện tiền Chỉ huy sứ, phụ trách quân cấm vệ.
Nhà Tiền Lê suy yếu, năm 1009 Lê Ngọc Triều mất. Được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân và hậu thuẫn của quần thần, ông được suy tôn lên ngôi năm 1010, khai sinh Vương triều nhà Lý và cho dời Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội), đổi tên là thành Thăng Long. Ông còn thực thi cải cách mạnh mẽ công quyền, kinh tế, văn hoá…
2. Trần Quốc Tuấn
Ông sinh năm Bính Tuất (1226), quê Nam Định, là danh tướng đời Trần, là Anh hùng dân tộc, làm quan đến chức Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Là thiên tài quân sự, ông từng lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại 3 cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông, đế quốc mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, bảo vệ vững chắc giang sơn Tổ quốc.
Tượng đài Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn tại TP. Nam Định
Ông để lại nhiều bài học về sự đức độ, cách xử thế, cách dùng người và những tác phẩm chính luận, quân sự nổi tiếng như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư…
3. Nguyễn Chích
Ông sinh năm Nhâm Tuất (1382) quê ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa là Danh tướng, khai quốc công thần thời Hậu Lê. Xuất thân từ cảnh nghèo khổ nhưng vốn mạnh mẽ, linh hoạt, nồng nàn yêu nước, ông chiêu tập hàng ngàn người trong vùng, xây đồn đắp luỹ làm căn cứ kháng chiến chống giặc Minh. Sau đó, đem quân phò giúp Lê Lợi cho đến khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng năm 1427.

Đền thờ Nguyễn Chích tại Thanh hóa
Tận tụy phục vụ 3 đời vua Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), ông xứng danh đại thần với chức Tổng quản, lừng lẫy với những chiến công đánh quân Minh phía Bắc, giặc Chiêm Thành phương Nam và dẹp yên nhiều cuộc phản loạn nội bộ.
4. Lê Tư Thành
Ông sinh năm Nhâm Tuất (1442), quê Thanh Hoá, là vị vua xuất sắc nhất thời Hậu Lê, niên hiệu Lê Thánh Tông. Ông là người cực kỳ thông minh, phong nhã, tài đức vẹn toàn, lên ngôi vua năm 18 tuổi.

Tượng đồng Lê Thánh Tông ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Với những cải cách toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giai đoạn ông cầm quyền (1460-1497) được coi là thời hoàng kim nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông còn là nhà thơ lớn, lập ra và là chủ soái Hội (thơ) Tao Đàn danh tiếng và để lại nhiều tác phẩm có giá trị: Hồng Đức quốc âm thi tập, Văn minh cổ suý, Xuân vân thi tập…
5. Dương Trí Trạch
Ông sinh năm Bính Tuất (1586) người làng Yên Huy, xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc (nay là xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là Danh thần đời Lê Kính Tông.
Nhà thờ và mộ Dương Trí Trạch được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004
Năm 1619 đỗ tiến sĩ, làm quan trải nhiều chức vụ, thăng đến Tham tụng (Tể tướng). Suốt hơn 40 năm đảm trách việc triều chính, ông luôn được kính nể bởi bản tính cương trực, trọng pháp, nghiêm khắc và công bằng.
6. Đặng Chất
Ông sinh năm Nhâm Tuất (1622), quê Bắc Ninh, là danh thần thời Lê Huy Tông. Nổi tiếng thông minh, hiếu học, ông đỗ tiến sỹ năm 1661, làm quan tới chức Tham tụng (Tể tướng) và từng nhiều lần đi sứ nước ngoài. Bản tính ngay thẳng, lối sống thanh liêm, cần kiệm của ông rất được sĩ phu đương thời kính trọng.
7. Mạc Thiên Tứ
Ông sinh năm Bính Tuất (1706), quê Kiên Giang, là danh sĩ thời Chúa Nguyễn. Tính cách cương nghị, đa tài, ông theo giúp Chúa Nguyễn, được thăng tới chức Tổng binh Đại đô đốc và có công lớn trong việc thu phục nhân tâm, khẩn hoang lập ấp ở miền Tây Nam Bộ.

Tượng đài Mạc Cửu uy nghi nơi Mũi Tàu cửa ngõ vào thị xã Hà Tiên, được dựng nhân 300 năm thành lập trấn Hà Tiên
Ông còn khai sinh Hội thơ Chiêu Anh Các nổi tiếng và là tác giả của nhiều công trình giá trị về lịch sử, thơ ca, nghệ thuật, triết học…
8. Đoàn Nguyễn Thục
Ông sinh năm Mậu Tuất (1718) người làng Hải Yên, huyện Quỳnh Côi, nay là làng Hải An, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình là Danh thần đời Lê Hiển Tông, quê Thái Bình. Am tường chính trị, văn võ song toàn, năm 1752 đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Đô Ngự sử. Ông trở thành trụ cột triều đình trong việc dẹp yên loạn lạc, tiễu trừ tham nhũng và phát triển mối bang giao hữu nghị với Trung Quốc.
9. Nghiêm Võ Chiêu
Ông sinh năm Canh Tuất (1730), quê Hưng Yên, là danh thần đời Lê Hiển Tông. Ông rất giỏi văn chương, năm 22 tuổi đỗ tiến sỹ, làm Đãi chế ở Viện Hàn lâm rồi thăng tới chức Thị lang. Ông được nể trọng, nổi tiếng hiền lành, thường giúp người nghèo khổ.
10. Nguyễn Công Trứ
Ông sinh năm Mậu Tuất (1778) quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là Danh sĩ thời Nguyễn, quê Hà Tĩnh.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ - tỉnh Ninh Bình
Ông đỗ giải nguyên năm 1819, làm quan trong các ngành giáo dục, tư pháp, nông nghiệp, quân sự, ngoại giao ở nhiều nơi. Trải qua nhiều cương vị, bị thăng giáng nhiều lần: có lúc được cử làm Tổng đốc Hải An, có lúc lại bị đày đi lính ở Quảng Ngãi. Lập công lớn trong việc khai hoang lấn biển Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, phản loạn. Tính khí khảng khái, quyết liệt, lại phong tình mà hài hước, cùng cuộc sống đa dạng của ông đã để lại những giai thoại thú vị.
11. Chu Mạnh Trinh
Ông sinh năm Nhâm Tuất (1862) người làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là Danh sĩ cận đại. Linh hoạt, lãng mạn, tài hoa, đỗ tiến sĩ năm 1892.

Chân dung tiến sỹ Chu Mạnh Trinh
Làm quan các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, thăng tới án sát. Nổi tiếng thi phú, ông là tác giả tập thơ Vịnh Kiều và nhiều bài thơ Nôm đặc sắc được người đời truyền tụng.
12. Bạch Thái Bưởi
Ông sinh năm Giáp Tuất (1874), quê Hà Tây, là một đại doanh nhân. Thuở nhỏ nhà nghèo, cha mất sớm, phải giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong, sau được một nhà giàu nhận về làm con nuôi, cho ăn học tử tế. Năm 21 tuổi ông làm thư ký cho một hãng buôn của Pháp, ít lâu sau, ông tự đứng ra kinh doanh, mở nhà in lớn tại Hà Nội.
Chân dung Bạch Thái Bưởi
Năm 1909, ông bước vào lĩnh vực hàng hải, thương thuyền, trở thành đại gia nổi tiếng, được giới doanh nghiệp gọi là “Chúa sông miền Bắc”. Công ty ông có 30 tàu buôn lớn nhỏ, chiếm lĩnh phần lớn thị phần buôn bán đường thuỷ Việt Nam, cạnh tranh với các thương thuyền Pháp, Anh và Trung Quốc. Ông có nghị lực cao, chí khí lớn, giỏi kinh doanh, lại giàu đức độ và lòng từ thiện, nên được coi là doanh nhân giỏi của lịch sử kinh tế nước nhà.
13. Tạ Quang Bửu
Ông sinh năm Canh Tuất (1910), quê Nghệ An, giáo sư toán, nhà hoạt động khoa học. Lúc nhỏ học tại Quảng Nam, Huế, du học ở Pháp, Anh. ra trường về nước giảng dạy, chuyên tâm nghiên cứu toán lý thuyết và toán ứng dụng vào sinh học, vật lý, hoá học.

Đại diện Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Tạ Quang Bửu ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương
Ông cũng hoạt động chính trị, xã hội, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, trở thành Thứ trưởng Bộ quốc phòng. Sau năm 1954, là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, rồi làm Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp…
14. Nguyễn Thị Minh Khai
Bà Sinh năm Canh Tuất 1910, quê Nghệ An, nhà hoạt động cách mạng, chiến sĩ cộng sản kiên trung. Thuở nhỏ vào học trường Cao Xuân Dục, năm 17 tuổi gia nhập đảng Tân Việt có chân trong Ban Chấp hành Đảng bộ. Năm 1930 sang Trung Quốc làm việc tại Văn phòng Đông phương, Bộ Quốc tế Cộng sản. Năm 1930 bị mật thám Pháp bắt ở Hồng Kông, năm 1934 được trả tự do.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và bà Crup-xkai-a (vợ Lê-Nin) tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 năm 1935
Cuối năm này, bà cùng Lê Hồng Phong được cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản ở Moskva. Sau đó, họ kết hôn tại đây, rồi cùng vào trường Đại học Đông Phương Stalin. Năm 1936, bà được phân về công tác ở Sài Gòn, tham gia Xứ ủy Nam Kỳ và phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 30/7/1940, bị địch bắt. Trong tù, bà vẫn bí mật liên lạc với tổ chức bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng và bị giặc xử bắn ngày 28/8/1941.
15. Nguyễn Hữu Thọ
Ông sinh năm Canh Tuất 1910, quê Long An, luật sư, chính khách yêu nước sinh trưởng trong một gia đình công chức, năm 1921 được cha mẹ cho sang Pháp du học, tốt nghiệp cử nhân luật năm 1932. Năng động, mạnh mẽ, giàu chí tiến thủ, ông mở văn phòng luật sư và tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ dân chủ, hòa bình, chống thực dân, đế quốc; từng nhiều lần lãnh đạo các cuộc biểu tình rầm rộ, bị địch bắt giam, tra tấn, tù đày.

Chân dung Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Tháng 11/1954, lại bị chính quyền Diễm bắt nhưng sau đó được lực lượng cách mạng giải thoát ra vùng chiến khu. Năm 1961, được bầu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch nước, từ năm 1980 làm quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến lúc qua đời (1996). Ông góp công lớn cho phong trào cách mạng và dân chủ đất nước, ông được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.
16. Trần Đăng Ninh
Ông sinh năm Canh Tuất (1910), là nhà hoạt động cách mạng quê ở làng Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Năm 20 tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 25 tuổi. Tháng11/1940, ông được bầu vào Ban Chấp hành lâm thời Trung ương Đảng.

Trần Đăng Ninh trong Chiến dịch Biên Giới (từ trái sang: Ủy viên Quân ủy Trung Ương Bùi Quang Tạo, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật Trần Đăng Ninh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Liêm, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (hàng sau)
Năm 1941, khi ông làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ thì bị Pháp bắt. Ông đã cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục, trở về tham gia Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, để chuẩn bị cướp chính quyền vào tháng 8/1945. Sau cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia lãnh đạo công tác dân vận chuẩn bị xây dựng căn cứ kháng chiến. Năm 1947, ông giữ chức Trưởng Đặc uỷ đoàn đi kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân dân tích cực tham gia kháng chiến chống thực dân, đồng thời thanh tra các vụ án tham ô, trong đó có những vụ nguỵ tạo, và đã minh oan cho hàng trăm cán bộ - nhân dân bị tố oan. Năm 1950, ông làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần thuộc Bộ Quốc Phòng.
17. Nguyễn Tuân
Ông sinh năm Canh Tuất 1910, quê Hà Nội, là nhà văn hiện đại. Đi nhiều, hiểu rộng, cộng tác đắc lực với hệ thống báo chí, sáng tác thể loại văn học đa dạng và sôi nổi tham gia hoạt động sân khấu điện ảnh.

Chân dung Nhà văn Nguyễn Tuân
Cả con người, phong cách, tác phẩm đều toát lên những điều mới lạ, độc đáo, quý phái mà dân dã, dễ mến, dễ yêu. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và để lại những tác phẩm văn chương nổi tiếng: Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Tuỳ bút kháng chiến, Người lái đò Sông Đà…
ST