Với đức tính thông minh, truyền thống hiếu học, người Việt sớm khẳng định được trí tuệ của mình. Lịch sử dân tộc trải qua ngàn năm cũng đã ghi danh những tấm gương xuất sắc nhất trong con đường khoa bảng, làm rạng danh quê hương và đất nước, trong đó có nhiều bậc kỳ tài hiếm có, đã đạt được danh vị Trạng nguyên trong các khoa thi. Nhân dịp đón xuân Mậu Tuất 2018, xin giới thiệu một số bậc hiền tài đứng đầu khoa bảng, đạt được danh hiệu Trạng nguyên trong các khoa thi năm Tuất đã được lịch sử khoa bảng ghi chép lại.
Trạng nguyên Nguyễn Trực (khoa Nhâm tuất 1442)

Ông người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, nay là thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Năm 26 tuổi đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Tuất (khoa này đỗ 33 tiến sĩ) đời Lê Thái Tông. Làm quan đến chức Thư Trung lệnh, đặc thư Thừa Chi kiêm Tế Tửu quốc Tử Giám, từng đi sứ sang nhà Minh.
* Trạng nguyên Vũ Duệ (khoa Canh Tuất 1490)

Người xã Trinh Xá, huyện Sơn Vi, nay là thôn Trinh Xá, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Năm 23 tuổi, đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) đời Lê Thánh Tông (khoa này lấy 80 tiến sĩ).
Ông vốn tên là Vũ Nghĩa Chi, nhà vua cho đổi tên là Vũ Duệ. Làm quan đến chức Lại Bộ thượng Thư kiêm Đông các đại học sĩ, Thiếu Bảo, tước Trình Khê hầu.
* Trạng nguyên Lê ích Mộc (khoa Nhâm Tuất 1502)
Ông là người xã Thanh Lãng, huyện Thủy Đường, nay là xã Quảng Thanh, huyện Thủ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Năm 44 tuổi đỗ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông (khoa này lấy đỗ 55 tiến sĩ)
Ông nguyên là đạo sĩ, làm quan đến chức Tả Thị Lang rồi sau về trí sĩ.
* Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng (khoa Giáp Tuất 1514)
Người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, nay là thôn Canh Hoạch, xã Dãn Hòa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Năm 51 tuổi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Giáp Tuất (khoa này đỗ 47 tiến sĩ) niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) đời Lê Tương Dục.
Làm quan đến chức Lễ Bộ Tả Thị Lang. Sau khi mất truy tặng Thượng Thư.
* Trạng nguyên Trần Tất Văn (khoa Bính Tuất 1526)
Ông người xã Nguyên áng, huyện An Lão, nay thuộc xã Thái Sơn, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Bính Tuất niên hiệu Thống Nguyên thứ 5 (1526) đời Lê Cung Hoàng (khoa này lấy đỗ 36 tiến sĩ).
Làm quan nhà Mạc, chức Thượng Thư, tước Hàn Xuyên Bá, từng cử đi sứ sang nhà Minh.
* Trạng nguyên Giáp Hải (khoa Mậu Tuất 1538)
Người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn, nay thuộc thôn Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 32 tuổi thi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh (khoa thi này lấy đỗ 36 tiến sĩ). Ông từng đi sứ sang nhà Minh, văn chương lỗi lạc. Ông làm quan trải qua các chức Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập nội Kính diên.
* Trạng nguyên Trần Văn Bảo (khoa Canh Tuất 1550)
Người xã Cổ Chữ, huyện Giao Thủy, nay là xã Đông Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 27 tuổi đô đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550) đời Mạc Phúc Nguyên (khoa này lấy đỗ 30 tiến sĩ). Ông từng được cử đi sứ. Làm quan đến Thượng Thư, tước Nghĩa Sơn Bá. Thọ 63 tuổi.
* Trạng nguyên Phạm Duy Quyết (khoa Nhâm Tuất 1562)
Ông người xã Xác Khê, huyện Chí Linh, nay là thôn Kim Khê, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Năm 42 tuổi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng Nguyên) khoa Nhâm Tuất niên hiệu Quang Bao thứ 9 (1562) đời Mạc Phúc Nguyên (khoa thi này lấy đỗ 19 tiến sĩ). Làm quan đến chức Tà Thị Lang.
* Trạng nguyên Lưu Danh Công (khoa Canh Tuất 1670)
Người xã Phương Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Phương Liệt, huyện Thanh Xuân, Hà Nội. Năm 27 tuổi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời Lê Huyền Tông (khoa thi này lấy đỗ 31 tiến sĩ). Làm quan đến chức Hàn Lâm thị độc. Hưởng dương 32 tuổi.
Riêng các khoa thi Mậu Tuất (1478), Giáp Tuất (1574), Bính Tuất (1586), Mậu Tuất 1718), Bính Tuất (1646) không có Trạng Nguyên, chỉ lấy đỗ Bảng Nhãn và Thám Hoa. Sang thời nhà Nguyễn, theo quy định của Gia Long, triều đình nhà Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên, do đó người đỗ cao nhất là Bảng Nhãn.
ST