Cập nhật: 12/02/2018 10:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhân dịp đón chào xuân Mậu Tuất 2018, xin được giới thiệu những câu chuyện về một số nhân vật, sự kiện lịch sử của dân tộc gắn liền với những năm Tuất.

Theo truyền thuyết thì thủy tổ của dân tộc ta là Kinh Dương Vương, hiện còn mộ ở An Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Kinh Dương Vương vốn có tên là Lộc Tục, là con của Đế Minh cháu ba đời của vua Thần Nông. Lộc Tục được phong làm vua phương Nam vào năm Nhâm Tuất (năm 2879 trước Công nguyên) xưng là Kinh Dương Vương và lấy con gái Thần Long sinh được con trai đặt tên là Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân, sau lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh một cái bọc có trăm trứng nở thành trăm con trai. 50 con theo mẹ lên núi; 50 con theo cha về biển. Người con trưởng trong số các con theo mẹ lên Phong Sơn, được tôn làm vua được gọi là Hùng Vương.

 

Đền thờ Kinh Dương Vương

Mùa xuân năm Nhâm Tuất (542), Lí Bí khởi binh đánh tan giặc Lương xâm lược, chiếm Long Biên. Vua Lương cho quân phản công chiếm lại, nhưng Lí Bí đã cho quân mai phục đánh tan.

 

Lý Bí từng được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương

Năm Nhâm Tuất (722), Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa. Nghĩa quân chiếm được thành Tống Bình (Hà Nội), lấy lại giang sơn. Thật là: "Bốn phương Mai Đế lừng uy đức/ Muôn trận Lý Đường phục võ công".

 

Mai Hắc Đế dựng cờ khởi nghĩa

Mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền giết tên nội phản Kiều Công Tiễn và đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền xưng vương và đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội).

 

Mô hình chiến thắng trận Bạch Đằng năm 938

Năm Giáp Tuất (974) là năm sinh của Lý Công Uẩn vị vua đầu nhà Lý, hiệu Thái Tổ. Thuở nhỏ làm con nuôi đại sư Lý Khánh Văn, dày công tu học và luyện tập. Nghị lực, thông minh, văn võ song toàn, trưởng thành được tiến cử vào quan trường, thăng đến chức Điện tiền chỉ huy sứ, phụ trách quân cấm vệ.

 

Vua Lý Thái Tổ

Giáp Tuất (974-1028)

Nhà Tiền Lê suy yếu, năm 1009 Lê Ngoa Triều mất. Được ủng hộ rộng rãi và suy tôn lên ngôi, năm 1010 ông chính thức đăng quang, khai sinh vương triều Lý và cho rời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội), đổi tên là Thăng Long là nơi "trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi …", "là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước", "là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời" (Chiếu dời đô). Ông còn thực thi cải cách mạnh mẽ công quyền, kinh tế, văn hóa, lễ nghi và chấn hưng Phật giáo.

Năm Canh Tuất (1070), nhà Lý dựng Văn miếu và mở Quốc tử giám ở kinh thành làm nơi học tập cho con em tầng lớp quí tộc, quan lại. Nền đại học Việt Nam bắt đầu hình thành từ đó.

 

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Năm Bính Tuất (1226), Lý Chiêu Hoàng tuyên bố nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Cảnh lên ngôi (Trần Thái Tông) lập ra triều Trần. Chế độ trung ương tập quyền được khôi phục, cuộc nội chiến giữa các thế lực phong kiến chấm dứt.

 

Khu Di tích đền Trần Thái Bình

Năm 1226 cũng là năm sinh của Trần Quốc Tuấn danh tướng thời Trần, anh hùng dân tộc. Giỏi ứng biến, giàu mưu lược, võ thuật cao cường, được triều đình trọng dụng, phong làm tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Là thiên tài quân sự, ông từng lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại các cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông - đế quốc mạnh nhất thế giới bấy giờ, bảo vệ vững chắc độc lập Tổ quốc. Ông cũng để lại nhiều bài học về đức độ, xử thế, dùng người và những tác phẩm chính luận, quân sự nổi tiếng: Hịch tường sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn kiếp tông bí truyền thư.

 

Tượng Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở Nam Định

Năm Bính Tuất (1286), lần thứ 3 quân Nguyên huy động 50 vạn quân, 300 chiếc thuyền chuẩn bị xâm lược nước ta. Lần này chúng cũng đưa Trần Ích Tắc về làm vua. Nhà Trần tổ chức kháng chiến.

Năm Nhâm Tuất (1322), nhà Nguyên lấn biên giới, Doãn Bang Hiến sang Nguyên tranh biện.

 

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép về việc đi sứ sang nhà Nguyên

giải quyết tranh chấp biên giới Đại Việt - Đại Nguyên của Doãn Bang Hiến

Năm Nhâm Tuất 1382 là năm sinh của Nguyễn Chích, ông quê ở Thanh Hóa, danh tường, khai quốc công thần thời Hậu Lê. Xuất thân từ cảnh nghèo khổ nhưng vốn mạnh mẽ, linh hoạt, nồng nàn yêu nước, ông chiêu tập hàng ngàn người trong vùng, xây đồn đắp lũy làm căn cứ kháng chiến chống giặc minh. Sau đó đem quân phò giúp Lê Lợi cho đến khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng năm 1427. Tận tụy phục vụ 3 đời vua Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), ông xứng danh đại thần với chức Tổng quản, lừng lẫy với những chiến công đánh quân Minh phía Bắc, giặc Chiêm Thành phương Nam và dẹp yên nhiều cuộc phản loạn nội bộ.

 

Năm Bính Tuất (1406), nhà Minh mượn tiếng "diệt Hồ phục Trần" đem hơn 10 vạn quân xâm lược Đại Việt. Nhà Hồ tổ chức kháng chiến, thắng trận, quân Minh phải rút về nước. Cuối năm, Trương Phụ, Mộc Thạnh lại kéo quân sang. Nhà Hồ tổ chức đánh trả quyết liệt.

 

Thành nhà Hồ

Năm Mậu Tuất (1418), Khởi nghĩa Lam Sơn, quân Minh đánh úp, Lê Lợi rút quân về Chí Linh. Quân Minh thu nhặt các loại sách quí của ta mang về.

 

Năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tông mất tại vườn Lệ Chi. Quần thần đổ tội cho Nguyễn Trãi, kết án tru di tam tộc.

Năm Canh Tuất (1790), vua Quang Trung sai sứ bộ sang Thanh cầu phong. Nhà Thanh phong Quang Trung làm An Nam quốc vương. Quang Trung giả cùng Ngô Văn Sở, Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn sang mừng thọ Càn Long.

 

Minh họa vua Quang Trung đánh thành Thăng long

Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long. Tháng 6, Trịnh Hoài Đức đi sứ; tháng 10, Lê Quang Định đi sứ. Trịnh Hoài Đức có tập thơ Bắc sứ thi tập; Lê Quang Định có Hoa nguyên thi thảo…

 

Năm Bính Tuất (1886), vua Hàm Nghi lại cử Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn và Nguyễn Quang Bích sang nhà Thanh lần nữa nhưng không có kết quả.

Năm Canh Tuất (1910), sau khi bị trục xuất khỏi Nhật, Cụ Phan Bội Châu trở về Hương cảng. Tại đây, Cụ Phan viết tuồng Trưng Nữ vương, truyện Lê Thái Tổ.

 

Chân dung cụ Phan Bội Châu

Năm Nhâm Tuất (1922), vua Khải Định sang Pháp dự hội chợ thuộc địa Mác-xây. Nhiều hoạt động của người Việt Nam yêu nước lật tẩy bộ mặt phản dân hại nước của vua Khải Định. Trong đó có nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc cùng vở kịch "Con rồng tre" được biểu diễn tại Pháp và bản "Thất điều trần" của Cụ Phan Chu Trinh.

 

Vua Khải Định và chuyến vi hành tốn kém nhất lịch sử

Năm Giáp Tuất (1934), Bác Hồ ở Thượng Hải đi Liên Xô, vào học ở trường Quốc tế Lênin.

 

Trường quốc tế Lê nin ở Mát-xcơ-va, Nga,

Nơi Lin (Nguyễn Ái Quốc) đã học tập, niên học 1934 - 1935

Năm Bính Tuất (1946), mùa Xuân độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

 

Nhân dịp Tết Nguyên đán đầu tiên sau hòa bình,

các cháu thiếu nhi Thủ đô đến chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và múa hát quanh Bác

Năm Mậu Tuất (1958), Đảng ra Nghị quyết về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ. Kì họp thứ 9 Quốc hội khóa I thông qua kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế.

Năm Canh Tuất (1970), Chủ tịch Tôn Đức Thắng phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Đảng ra Nghị quyết "Về tình hình mới trên bán đảo Đông Dương và nhiệm vụ mới của chúng ta".

Năm Nhâm Tuất (1982), là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (từ 27 đến 31-3-1982), tại thủ đô Hà Nội: Đánh giá tình thế đất nước, xác định hai nhiệm vụ chiến lược, xác định chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, giải quyết những vấn đề gay gắt, nóng bỏng của đất nước.

 

Năm Giáp Tuất (1994), tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa IX, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá và nêu bật 4 thành tựu to lớn mà chúng ta đã đạt được trong năm 1994 trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh quốc phòng và quan hệ đối ngoại.

Đây cũng là năm có kỷ lục cao nhất ở nước ta về số đoàn cao cấp nước ngoài sang thăm Việt Nam, là năm đầu tiên, sau nhiều năm Việt Nam đã có quan hệ tốt với các nước, với các trung tâm chính trị-kinh tế lớn của thế giới. Đây cũng là năm Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam vào ngày 3-2-1994.

 

Lễ ký Hiệp định thương mại Việt - Mỹ

 

Năm Bính Tuất 2006, chúng ta đón nhận thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; kỷ niệm 60 năm ngày Xuân và Tết độc lập đầu tiên (1946-2006); 60 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I; 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến.

ST

Tệp đính kèm