Đại học của Việt Nam giống như trường phổ thông cấp bốn, nghiên cứu khoa học thấp nên không có trường nào lọt vào danh sách của THE là dễ hiểu.
Times Higher Education (THE) vừa công bố Bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2018. Trong số hơn 350 trường được xếp hạng, Việt Nam không có đại diện nào.
Chẳng ngạc nhiên khi Việt Nam không có trường ĐH tốt nhất châu Á
TS Giáp Văn Dương, thành viên của nhóm chuyên gia độc lập đánh giá về xếp hạng các trường đại học Việt Nam không ngạc nhiên với kết quả của bảng xếp hạng này. Với những gì đang diễn ra trong giáo dục, với những kết quả hiện thời của giáo dục đại học, thì có vị trí trong bảng xếp hạng này mới là điều gây ngạc nhiên.
Trọng số của bảng xếp hạng các trường ĐH châu Á năm 2018 do THE xếp hạng
Giáo dục đại học của các nước trong khu vực đặc biệt là Hàn Quốc, Trung Quốc Nhật Bản, Singapore đã vượt xa Việt Nam rất nhiều. Đại học của Thái Lan và Malaysia cũng vậy. Đại học của họ thật sự là đại học. Còn đại học của Việt Nam thì đa số giống như trường phổ thông cấp bốn. Trường phổ thông cấp bốn thì khó lòng mà so sánh được với đại học. Vì thế không có trường đại học nào của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng này là chuyện rất bình thường.
Theo TS Giáp Văn Dương, tiêu chí xếp hạng của THE không phải là quá khó khăn. Nhưng đó là tiêu chí xếp hạng của đại học thực sự chứ không phải là của trường phổ thông cấp bốn nên bỗng nhiên trở thành quá khó đối với đại học của ta.
Nghiên cứu của các đại học Việt Nam vô cùng yếu
Khi tìm hiểu các tiêu chí xếp hạng của bảng xếp hạng này, TS Giáp Văn Dương nhận thấy phần giảng dạy chiếm 25% trọng số, phần nghiên cứu chiếm 30% trọng số, phần trích dẫn, tức là ảnh hưởng của nghiên cứu cũng chiếm 30% trọng số. Còn lại là mức độ quốc tế hóa và ảnh hưởng đến công nghiệp.
TS Giáp Văn Dương
Như vậy, nghiên cứu chiếm đến 60% trong số của các tiêu chí xếp hạng. Mà nghiên cứu của các đại học Việt Nam thì vô cùng yếu. Do đó, việc các đại học Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng này là lẽ đương nhiên.
Nhớ lại 6 tháng trước đây, khi công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam, nhóm chuyên gia độc lập đánh giá về xếp hạng các trường đại học Việt Nam cũng đặt trọng số cho phần nghiên cứu là 40%. Điều này làm cho một số trường đại học có tiếng ở Việt Nam về giảng dạy nhưng không có nghiên cứu khoa học lại đứng ở vị trí rất thấp.
Câu chuyện dường như cũng đang lặp lại với bảng xếp hạng này. Khi các trường đại học có tiếng của Việt Nam không có tên trong danh sách 350 trường đại học tốt nhất châu Á. Lý do rất đơn giản, các trường đại học của Việt Nam, kể cả những trường được coi là tốt nhất, thì phần nghiên cứu cũng rất yếu so với các trường đại học của châu Á. Đó là lý do vì sao các trường đại học của Việt Nam không vào được bảng xếp hạng này.
Các trường ĐH cần đẩy mạnh tự chủ, nghiên cứu khoa học
Trước việc các trường đại học Việt Nam không có tên trong danh sách của THE, TS Giáp Văn Dương cho rằng, giáo dục đại học ở Việt Nam cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, công việc quan trọng nhất là thúc đẩy tự do học thuật, đẩy mạnh nghiên cứu, cải cách quản trị đại học, tăng cường tự chủ.
Các trường đại học phải tự chủ về chương trình giảng dạy, nhân sự, chứ không chỉ có tự chủ về tài chính. Chỉ có cách tự chủ và chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo, nghiên cứu và đóng góp cho nền kinh tế thì chất lượng đại học mới có thể cải thiện được.
Đại học là đầu tàu về trí thức. Nếu đại học mà không nghiên cứu khoa học, không tạo ra thức mới, không kết nối với công nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ktạo ra ảnh hưởng đối với xã hội thì vắng mặt trong bảng xếp hạng đại học quốc tế là lẽ đương nhiên.
Theo Bích Lan/VOV.VN