Các trường đại học đang cố tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu, bất chấp những hệ quả xảy ra với sinh viên và nhà trường về lâu dài.
Đến thời điểm này, các trường đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2018 theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Một vấn đề được nhiều chuyên gia và xã hội đánh giá là “lạ lùng” trong mùa tuyển sinh năm nay chính là việc nhiều trường đưa ra tổ hợp môn xét tuyển trái ngược hẳn với ngành đào tạo như: công nghệ thông tin, kế toán, tài chính ngân hàng... tuyển sinh bằng tổ hợp môn khoa học xã hội, hay ngành Văn học tuyển sinh tổ hợp môn khoa học tự nhiên.
Năm nay, một số trường đại học tuyển sinh tổ hợp môn trái ngành học (ảnh minh họa)
Các chuyên gia cho rằng, với phương án này, các trường đang cố tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu, bất chấp những hệ quả xảy ra với sinh viên và nhà trường về lâu dài.
Theo Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên của Bộ GD-ĐT, năm nay, các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trừ ngành đào tạo giáo viên. Vì được tự chủ, nhiều trường đã bổ sung phương thức, tổ hợp môn xét tuyển mới để thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề.
Thế nhưng, từ sự tự chủ này, mùa tuyển sinh 2018 xuất hiện những nghịch lý, với những trường hợp “lạ lùng” chưa từng có trong lịch sử tuyển sinh từ trước đến nay - đó là khối ngành kế toán, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, kỹ thuật... được xét tuyển bằng tổ hợp môn khoa học xã hội, hay các ngành thuộc lĩnh vực xã hội lại tuyển sinh bằng tổ hợp môn khoa học tự nhiên.
Một số trường tuyển các ngành kiến trúc bằng các tổ hợp không có môn năng khiếu, hay công nghệ sinh học nhưng không có môn Sinh.
Phó Giáo sư- Tiến sỹ Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự ngạc nhiên về thông tin xét tuyển của các trường: “Từ trước đến nay, trong tuyển sinh đại học, các trường đều tuyển 3 môn văn hóa, mà 3 môn văn hóa đó thường gắn với chuyên ngành đào tạo.
Các trường rõ ràng là mở rộng quá mức phạm vi tuyển sinh và đầu vào, không gắn với chuyên ngành đào tạo, không phải là kiến thức nền tảng cho việc đào tạo, như thế sinh viên khó học tốt, và như vậy chất lượng đầu ra của những sinh viên được tuyển theo cách đó cũng khó có khả năng mà có chất lượng cao. Với cách thức tuyển sinh như vậy thì cũng không rõ ý đồ tuyển sinh của các trường đó như thế nào”.
PGS.TS Lê Hữu Lập- nguyên Phó Giám đốc Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, khi được tự chủ, về nguyên tắc các trường có thể đưa ra bất kỳ tổ hợp môn xét tuyển nào cho các ngành đào tạo.
Tuy nhiên, nếu tổ hợp môn xét tuyển trái với ngành nghề đào tạo thì sẽ không đánh giá được học sinh ấy có nền tảng để học tốt ngành học hay không. Điều này sẽ gây rủi ro rất lớn cho thí sinh.
“Một chương trình đào tạo thì bao giờ cũng có 3 khối kiến thức, tức là khối kiến thức chuyên ngành; khối kiến thức cơ sở ngành và khối ngành; và khối kiến thức cơ bản. Để học được chuyên ngành thì các em phải có những kiến thức về các môn học thuộc về cơ sở ngành đã.
Để học được các môn học về cơ sở ngành thì sinh viên phải học tốt những môn cơ bản. Chính vì vậy, nếu những môn cơ bản mà mình xây dựng nó chéo đi như vậy thì rõ ràng các em rất là khó có thể theo được những môn cơ sở ngành và sau đó là chuyên ngành”, PGS.TS Lê Hữu Lập nói.
Đại học Công nghệ Đồng Nai tuyển sinh khối C ngành Công nghệ Thông tin, Kế toán, Tài chính Ngân hàng (Ảnh: Zing)
Cách đây không lâu, dư luận xã hội đã bất ngờ khi hàng loạt trường đại học trên cả nước công bố số sinh viên bị cảnh cáo, buộc thôi học vì kết quả học tập kém. Mỗi trường có hàng ngàn sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn mỗi năm.
Có nhiều lý do, trong đó có việc sinh viên không đủ khả năng theo đuổi chương trình đào tạo, vì đã chọn ngành học quá sức của mình. Bởi lâu nay vẫn xảy ra tình trạng học lệch, thường học sinh theo khối C sẽ học không tốt khối A và ngược lại.
Năm nay, các trường đại học mở rộng tổ hợp, xét tuyển cả những môn không phù hợp với đặc thù của ngành đã khiến dư luận băn khoăn, lo lắng và đặt câu hỏi: Liệu chất lượng đào tạo có được đảm bảo? Sinh viên có theo kịp được chương trình, hay phải thôi học giữa chừng, tốn kém thời gian và tiền bạc, gây lãng phí nguồn lực xã hội?
TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Tiểu học, Trường Đại học sư phạm Hà Nội cho rằng, dường như các trường đại học đang cố tuyển sinh bằng mọi giá cho đủ chỉ tiêu, bất chấp hậu quả chắc chắn xảy ra là sinh viên không theo được chương trình đào tạo.
“Dường như các trường chưa quan tâm đến đến hiện trạng thanh niên vào trường đại học ra rồi thất nghiệp mà chỉ quan tâm đến là chúng ta có bao nhiêu sinh viên, vì mỗi sinh viên sẽ đóng góp một lượng kinh phí cho nhà trường. Khi mà chúng ta chọn những sinh viên không có thế mạnh phù hợp với ngành thì chắc chắn việc đào tạo rất là kém và ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Và khi đầu ra kém, thì rõ ràng là uy tín của nhà trường sẽ giảm sút. Nghĩa là nếu nhìn về lâu về dài thì chính nhà trường đó đang “chặt chính chân của mình” và dần dần trường đó không thể phát triển được”, TS Vũ Thu Hương nêu ý kiến.
Theo Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà- Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, khi xét ở góc độ khoa học, dù tổ hợp môn xét tuyển đại học chưa phản ánh chính xác năng lực của học sinh, nhưng cũng phản ánh phần nào thiên hướng, cũng như năng lực của các em. Vì vậy, điều quan trọng là các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng và phụ huynh phải tổ chức tư vấn cho học sinh thật tốt để các em lựa chọn.
Bộ GD-ĐT cũng không thể siết chặt việc tuyển sinh vì đó là quyền tự chủ của các trường. Tiến sỹ Phạm Mạnh Hà nói: “Bởi vì bản thân việc xét tổ hợp cũng chưa phải là thực sự mang tính khách quan, khoa học lắm ở một góc độ nào đó.
Tuy nhiên, chúng ta phải tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh hơn để các em hiểu được năng lực, sở trường, sở đoản của các em để các em lựa chọn nghề, vì các em mới là người quyết định lựa chọn. Bên cạnh đó là thực tiễn sẽ quyết định đó là việc nhà trường tuyển một cách rất tràn lan như vậy thì nếu mà học sinh không học được, phải rời học thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và tự nhiên thị trường lao động, thị trường đào tạo cũng sẽ cân bằng lại”.
Các chuyên gia cũng khẳng định, xét ở góc độ nào đó, việc các trường mở rộng tuyển sinh và siết chặt “đầu ra” về lý thuyết cả nhà trường và thí sinh đều có lợi. Thí sinh sẽ có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề, còn trường đại học sẽ tuyển được nhiều thí sinh hơn.
Tuy vậy, học sinh đừng vì cơ hội vào đại học quá rộng mà lựa chọn những ngành học không phải là sở trường vì dễ dẫn đến nguy cơ chán học, bỏ học khi các em không theo kịp chương trình đào tạo. Còn về phía các trường, nếu bất chấp tuyển sinh bằng mọi giá thì về lâu dài, thương hiệu của trường càng giảm và học sinh sẽ không lựa chọn theo học./.
Theo Minh Hường/VOV1.VOV.VN