Cập nhật: 27/04/2018 11:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitides gây nên, gồm các týp A, B, C, Y và W135. Gần đây týp Y và W135 gặp nhiều hơn.

Bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể gặp ở tuổi thiếu niên và thanh niên sống trong điều kiện dân cư đông đúc.

Bệnh viêm não, màng não mô cầu lây truyền như thế nào?

Vi khuẩn Neisseria meningitidis chỉ lây nhiễm ở người, động vật không chứa mầm bệnh. Vi khuẩn có thể tấn công và bất kỳ cơ quan nào của cơ thể để gây bệnh. Dấu hiệu và triệu chứng đặc hiệu của bệnh tùy thuộc vào cơ quan bị vi khuẩn xâm chiếm như hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, hệ tiết niệu sinh dục, máu, da... Bệnh nhiễm não mô cầu bao gồm các chứng viêm nặng của chất dịch và lớp màng bọc xung quanh não (viêm màng não) gây tổn thương não, trong máu (nhiễm trùng huyết và nhiễm khuẩn huyết), phổi (viêm phổi), và khớp xương (viêm khớp).

Vi khuẩn lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Tiếp xúc gần và dài kỳ như hôn, hắt hơi hoặc ho vào ai đó, hoặc sống gần người bệnh, dùng chung đồ ăn thức uống, hay đồ vật sinh hoạt với người mang bệnh dễ bị lây lan. Mọi người đều có thể bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu, nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ em và cũng ở nhóm tuổi này có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người. Tỷ lệ người nhiễm não mô cầu không có triệu chứng khoảng 5-10%, tuy vậy tại khu vực có dịch thì tỷ lệ này có thể lên đến 20% hoặc hơn. Tỉ lệ lan truyền bệnh có thể cao hơn vào các dịp dịch bệnh, khí hậu khắc nghiệt hoặc ăn uống, vệ sinh, phòng bệnh kém. Người khỏe mạnh mà không có các triệu chứng bệnh đôi khi cũng mang vi khuẩn não mô cầu trong mũi và họng của họ. Do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.

Chăm sóc trẻ bị viêm não

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh

Một người bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu, thời gian ủ bệnh trung bình 4 ngày, nhưng có thể dao động từ 2-10 ngày cho các triệu chứng xảy ra. Bệnh khởi phát đột ngột với đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng và cổ cứng, mệt mỏi, có thể có đau họng. Các dấu hiệu khác đi kèm thường là li bì, mê sảng, hôn mê và co giật. Ban xuất huyết nhỏ trên da là dấu hiệu quan trọng, tuy nhiên ở trẻ nhỏ khởi phát bệnh có thể âm ỉ, cổ không cứng mà mềm. Các dấu hiệu khác như vật vã, nôn, ban xuất huyết có thể xuất hiện muộn hoặc không rõ ràng.

Bệnh để lại biến chứng nặng nề

Ngay cả khi bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp cũng có tới 5-10% bệnh nhân bị tử vong, thường xảy ra trong vòng 24-48 giờ sau khi khởi phát triệu chứng. 10-15% số trường hợp viêm màng não do não mô cầu qua khỏi, nhưng vẫn phải chịu biến chứng có thể gây tổn thương não, tâm thần, điếc, liệt, động kinh hoặc khuyết tật học tập ở 10-20% những người sống sót. Những trường hợp nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu có shock và ban xuất huyết hoại tử gọi là tử ban tuy ít gặp hơn viêm màng não nhưng lại nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Ở trẻ em, bệnh có tỉ lệ tử vong khoảng 50% nếu không được điều trị kịp thời.

Thể nhiễm trùng huyết tối cấp diễn tiến nhanh chóng đến suy tuần hoàn, suy hô hấp và thường tử vong trong vòng 6-12 giờ sau khởi bệnh. Người bệnh thường bứt rứt, thay đổi tri giác sớm, tay chân giá lạnh, không còn mạch và huyết áp, xuất huyết dưới da nhiều nơi và có màu tím thẫm hay đỏ bầm. Đối tượng có tỷ lệ tử vong cao cho thể lâm sàng này là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và thanh thiếu niên, đặc biệt là những thanh niên khỏe mạnh vạm vỡ, hay trẻ bụ bẫm. Tỷ lệ tử vong hay biến chứng thấp hơn với thể nhiễm trùng huyết hay viêm màng não.

Điều trị bệnh viêm màng não do não mô cầu như thế nào?

Vì bệnh viêm màng não do não mô cầu có diễn tiến nhanh và tính chất rất nguy hiểm, nên những người bị bệnh viêm não mô cầu đều phải chuyển đến bệnh viện để điều trị. Bệnh viêm màng não mô cầu có khả năng tử vong cao, nên phải xếp vào dạng ưu tiên cấp cứu. Việc nhiễm bệnh được chẩn đoán bằng cách thử máu hoặc thử dịch tủy sống của bệnh nhân. Có một số kháng sinh hiệu quả trong điều trị. Nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm với kháng sinh thích hợp có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và những biến chứng của bệnh lý này.

Tất cả những người có tiếp xúc gần gũi với một người bị bệnh não mô cầu nên được bác sĩ cho toa uống thuốc kháng sinh càng sớm càng tốt để ngăn ngừa bệnh não mô cầu. Hãy trông chừng những triệu chứng của bệnh não mô cầu trong 10 ngày sau lần tiếp xúc mới nhất với người bệnh, ngay cả khi họ đã dùng thuốc kháng sinh để phòng nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

Phương pháp phòng bệnh viêm não mô cầu

Cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế tiếp xúc về đường hô hấp như không nên tập trung nơi đông người, thường xuyên vệ sinh răng miệng. Khi hắt hơi hay ho cần lấy khăn che miệng, hoặc đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp. Trẻ cần được giữ ấm. Cách phòng tránh đặc hiệu là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

Hiện có các loại vắc-xin phòng bệnh đối với týp A, C, Y, và W135. Khống chế dịch dựa vào giám sát tốt để phát hiện và điều trị sớm. Tiêm vắc-xin týp A và C đạt tỷ lệ 80% có thể phòng được dịch. Những vắc-xin này không có hiệu quả đối với trẻ nhỏ và chỉ bảo vệ trong một khoảng thời gian nhất định, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi.

BS. Lê Anh

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm