Đây là chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138), Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng công tác của 2 BCĐ, chiều 26/7.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn ra ở nhiều nơi
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà các ngành, các cấp, nhất là các lực lượng nòng cốt trong công tác này đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, yếu kém cần khắc phục thời gian tới.
Đó là, việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ở một số cơ quan, địa phương còn chưa nghiêm túc, còn mang tính hình thức. Đặc biệt, công tác tham mưu, nắm và dự báo tình hình trong một số trường hợp còn bị động, chưa kịp thời, chưa sát thực tiễn, để xảy ra những vụ tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, có thời điểm không kiểm soát tốt tình hình để vụ việc phức tạp (vụ gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng ở tỉnh Bình Thuận, vụ người dân phản đối dự án điện ở Bình Định…).
Một số lực lượng, địa phương chưa chủ động trong việc phối hợp cung cấp thông tin, hiệp đồng tác chiến. Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tín dụng đen, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm hại trẻ em, chống người thi hành công vụ, giết người, cố ý gây thương tích… vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra, gây bức xúc trong dư luận. Việc phát hiện và xử lý tham nhũng ở một số địa phương còn hạn chế.
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn xảy ra ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, với thủ đoạn tinh vi và gắn với tệ nạn tham nhũng, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với nhiều chủng loại như: Dược phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc lá, rượu… được bày bán công khai, đặc biệt là có rất nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân; có nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận như: Vụ sản xuất, kinh doanh thuốc hỗ trợ điều trị ung thư bằng bột than tre Vinaca tại Hải Phòng, vụ vỏ cà phê, tiêu trộn pin, bột đá ở Tây Nguyên… Tình hình buôn lậu, nhất là ở các tuyến biên giới phía bắc, tây nam, buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, đường cát còn diễn biến rất phức tạp.
Không cho phép có “vùng cấm” trong phòng chống tội phạm, buôn lậu
Chỉ ra một số nguyên nhân chính cần tập trung khắc phục, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, đó là chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả xã hội vào cuộc. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền một số nơi, một số bộ, ban, ngành còn chưa quan tâm, chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật. Vai trò của các lực lượng chức năng ở cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa xây dựng được lực lượng nòng cốt, chưa sâu sát nắm bắt tình hình cơ sở, khu dân cư.
Một bộ phận cán bộ, công chức thuộc các lực lượng chức năng thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, thậm chí “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật; chưa kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa và chủ động phát hiện tội phạm; chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh với các luận điểm sai trái, mang tính kích động, chia rẽ trên mạng xã hội của các thế lực thù địch. Hệ thống các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập. Cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực của các cơ quan chức năng còn chưa tốt…
Từ nay đến cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tổ chức quán triệt và triển khai có hiệu quả những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định các lĩnh vực công tác này là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương; kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này.
Loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hoá, biến chất
Theo tinh thần Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị, khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, trật tự ở địa phương nào thì cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể ở nơi đó phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý giải quyết theo phương châm “bốn tại chỗ”. Nếu trên địa bàn để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng về tội phạm, tội phạm có tổ chức, cán bộ, công chức dưới quyền “bảo kê” cho tội phạm, các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài nhưng các lực lượng chức năng tại địa phương không chủ động phát hiện, xử lý thì phải phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm vi phạm trên tinh thần lấy phòng là chính, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc để bảo đảm hiệu quả công tác.
Chú trọng xây dựng cơ chế kiểm soát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, hoàn thiện các quy định về công tác quản lý cán bộ và quản lý nội bộ; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm công khai minh bạch, phải lựa chọn được người đứng đầu có tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao trong công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tội phạm ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; kiên quyết loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hoá, biến chất. Đối với những cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, không có quyết tâm cao trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì phải kịp thời điều chuyển, bố trí công tác khác, nhất là đối với người đứng đầu. Xây dựng cho được đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, tuân thủ pháp luật; chú trọng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào các cơ quan chính quyền.
Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt thông tin, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước, không để xảy ra các trường hợp bị động, bất ngờ; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hoá, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác lập các chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma tuý, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm buôn lậu, nhất là buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, đường cát, phân bón, rác thải độc hại… bảo đảm đánh trúng đối tượng cầm đầu, làm rõ và "bóc gỡ" cho được các tổ chức đường dây buôn lậu, các hoạt động buôn lậu lớn đều có "chân rết" ở trong nước thì mới buôn lậu được.
Ảnh: VGP/Lê Sơn
Xem xét lại chính sách “tạm nhập, tái xuất”
Có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng hàng hoá sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam xuất sang nước thứ ba hưởng chính sách ưu đãi thuế áp dụng với Việt Nam; hàng hoá là hàng cấm, thực phẩm, dược phẩm quá hạn sử dụng, rác thải độc hại nhập khẩu vào Việt Nam; các hành vi chuyển giá, trốn thuế. Tăng cường kiểm tra, giám sát các địa điểm bày bán hàng hoá gắn mác “xách tay”, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xem xét lại chính sách “tạm nhập, tái xuất” một cách nghiêm túc để mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước, chống lại tình trạng lợi dụng để buôn lậu, thẩm thấu hàng hoá vào nước gây thất thu như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật; kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ rõ các vi phạm và tổ chức, cá nhân có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu, nêu gương người tốt việc tốt, bảo đảm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Tăng cường vai trò của xã hội trong việc theo dõi, phối hợp đánh giá tình hình; thường xuyên gặp gỡ đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tập trung chấn chỉnh kỷ cương, lề lối làm việc, ứng xử với nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ, công chức, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin trong nhân dân.
Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, sơ hở liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các quy định thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.
Tiếp tục thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao, hàng hoá vi phạm sở hữu trí tuệ, kể cả tội phạm buôn bán người.
Chính phủ, Thủ tướng có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, có Ngày Phòng chống buôn bán người. Vì vậy cần tổ chức tốt tuyên truyền, phối hợp, xử lý các đường dây lợi dụng nhu cầu của người dân muốn có việc làm, tội phạm lợi dụng dụ dỗ, lôi kéo để buôn bán người.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 17/CP-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Công điện 229/CĐ-BCĐ389 ngày 15/6/2018 về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép xì gà.
Hoàn thiện cơ chế luân chuyển trong các lực lượng nòng cốt
Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng khẩn trương rà soát, hoàn thiện cơ chế luân chuyển cán bộ lãnh đạo cấp cục, chi cục thuộc ngành thuế, hải quan, quản lý thị trường, lãnh đạo cấp đồn thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng ở các vị trí, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM…) theo hướng không quá 1 nhiệm kỳ thì luân chuyển. Lãnh đạo đơn vị có cán bộ, nhân viên dưới quyền vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực thì cũng phải luân chuyển làm việc khác, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/10/2018.
Đối với Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban; theo dõi việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tổng hợp kết quả báo cáo Trưởng ban.
Chủ động thu thập thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các vụ việc nghiêm trọng được dư luận quan tâm để tham mưu, đề xuất Trưởng Ban có ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời; làm việc với đại diện các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ thường trực BCĐ 389 các bộ, ngành và một số địa phương trọng điểm; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Không làm thay nhiệm vụ của các lực lượng chức năng.
Văn phòng Ban Chỉ đạo 138 phải thường xuyên đôn đốc, theo dõi tình hình, kịp thời báo cáo Trưởng ban về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, nhất là đối với những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về những kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất Trưởng ban có ý kiến chỉ đạo cụ thể những vấn đề liên quan đến công tác xây dựng thể chế, chế độ, chính sách để có kiến nghị phù hợp.
Theo Lê Sơn/Chinhphu.vn