Đó là một trong những số liệu đáng báo động được nhắc tới tại Hội thảo "Những vấn đề mới đặt ra trong truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện", do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp tổ chức chiều nay 29-10.
Các đại biểu tranh luận tại Hội thảo.
Những con số đáng báo động
Tại Hội thảo, các đại biểu đã dẫn số liệu thống kê của Bộ Công an cho biết: các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu khác nhau để kích thích nhu cầu sử dụng, đồng thời che dấu sự kiểm tra, giám sát, phát hiện của các cơ quan thực thi pháp luật.
"Nhằm tăng tác dụng kích thích, hưng phấn, gây nghiện, che dấu hành vi phạm tội, đạt được lợi nhuận cao nhất, tội phạm đã pha trộn các loại ma túy với nhau và pha thêm các chất khác. Cụ thể như: chế cần sa thành các loại bánh kẹo, trộn ma túy với thuốc tân dược bán trên thị trường, pha thêm chất tạo màu, tạo mùi...", ông Lê Việt Đông, Phó Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ, cho biết.
Vào năm 2015, danh sách các chất và tiền chất ma túy là 292. Nhưng đến nay, chỉ sau ba năm, con số này đã lên tới 559. Danh sách các loại ma túy mới cũng nối dài hơn với nhiều loại ma túy mới nguy hiểm, tinh vi, khó phát hiện hơn, nồng độ ảo giác cao hơn hơn dưới những cái tên như: lá thiên đường (lá khát), thuốc lắc "meo meo", tem giấy (bùa lưỡi), bánh lười, muối tắm, nước "vui", nấm ma thuật... Đáng chú ý, có nhiều loại trong số này chưa được liệt vào danh mục các chất ma túy tại nước ta.
Nhiều địa phương trên cả nước đã chứng kiến nhiều vụ gây rối trật tự, tự hủy hoại bản thân, đe dọa an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân do những người sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây ra. Gần đây nhất là sự việc đau lòng của bảy thanh niên tại Lễ hội âm nhạc Hồ Tây tối 16-9 vừa qua.
Đừng để truyền thông gây "tác dụng ngược"
Theo một cuộc khảo sát gần đây, trung bình mỗi người từ 8-18 tuổi dành tới 6,5 giờ mỗi ngày (tương đương 44,5 giờ mỗi tuần) để tiếp cận thông tin qua các phương tiện truyền thông. Vì vậy, dưới sự tác động mạnh mẽ của báo chí, mạng xã hội, việc truyền thông về tác hại của ma túy đã có thể tiếp cận giới trẻ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, có nhiều loại hình truyền thông, quảng cáo, phim ảnh lại đang gây những tác động ngược, tác động xấu đến người tiếp cận thông tin, đặc biệt là giới trẻ. Trong đó, phải kể đến vấn đề nhận thức tác hại của các chất gây nghiện.
Cũng tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng đây rõ ràng là một minh chứng về "tác dụng ngược". Bởi, thay vì đưa ra cảnh báo tránh xa ma túy, các loại hình truyền thông này lại kích thích trí tò mò của người xem. Điển hình một số trang báo đã đăng tải các bài viết có nội dung kiểu như "Ma túy đá và 'khát khao' dục vọng"; "Sau đập đá, sex với 5-6 người..."
Chương trình Mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy hiện nay đã không còn, tội phạm về tệ nạn ma túy thì ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó, nhiều đơn vị báo chí, truyền thông lại chỉ chú ý đăng bài giật gân, câu view, kích thích sự tò mò và tìm đến ma túy để "thử một lần xem sao". Đây rõ ràng là vấn đề lớn mà chúng ta đang phải đối mặt.
Vì thế, bên cạnh việc cải thiện công tác tuyên truyền, tránh dàn trải, phô trương, cần thiết đẩy mạnh việc xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực trong cộng đồng chung tay tập trung tuyên truyền nhằm hướng tới những hiệu quả thiết thực cả về chất và lượng. Để làm được điều này, cần khuyến khích thành lập các doanh nghiệp xã hội phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy. Đồng thời, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ về thuế, trụ sở làm việc, tạo điều kiện vay vốn cho các doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, đối với mỗi chiến dịch truyền thông phòng chống ma túy, cần cụ thể hóa các loại hình đối tượng và loại chất hướng thần tương ứng. Những thông điệp tuyên truyền cũng vì vậy mà phải tập trung đúng vào các yếu tố cần thay đổi: thái độ, tiêu chuẩn xã hội cũng như khả năng kiểm soát hành vi.
Theo LINH PHAN/nhandan.com.vn